June 28, 2022 | 17:42 GMT+7

Vụ sai phạm cao tốc 34.000 tỷ đồng: Nhà thầu “hỏi khó” VEC

Đỗ Mến -

Để làm rõ bồi thường thiệt hại, luật sư đặt vấn đề, trong vụ án này có nhiều pháp nhân, tại sao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) với tư cách là người quản lý tài sản nhà nước chỉ yêu cầu các nhà thầu bồi thường. Vậy có phải yêu cầu của VEC chưa đầy đủ, khách quan hay không?

Các bị cáo tại tòa.
Các bị cáo tại tòa.

Trong các ngày 27-28/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét đơn kháng cáo của 17 bị cáo và các bị đơn dân sự trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án trọng điểm đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Bản án sơ thẩm thể hiện, VEC là chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi.

Dự án khởi công từ năm 2013, đến năm 2018 thông xe, đưa vào khai thác sử dụng. Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Cơ quan tố tụng xác định, VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bê tông nhựa các loại.

Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án. Số tiền này được xác định là thiệt hại trong vụ án hình sự. Các nhà thầu thi công dự án này gồm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 – Trico, Công ty Tuấn Lộc… tham dự phiên tòa với tư cách bị đơn dân sự. Còn VEC là nguyên đơn dân sự.

Có tổng cộng 36 bị cáo nguyên là cán bộ của VEC, Ban quản lý dự án, nhà thầu… bị đưa ra xét xử sơ thẩm với mức án thấp nhất là 24 tháng tù treo, cao nhất là 7 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc các nhà thầu phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng gồm Cienco5 là 45 tỷ đồng, Công ty Phương Thành là 135,4 tỷ đồng…

Sau phiên tòa sơ thẩm, có 19 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trách nhiệm bồi thường. Một số nhà thầu gồm Cienco 1, Công ty Phương Thành, Công ty Trico, Cienco4, Tổng công ty Sông Đà… kháng cáo về trách nhiệm dân sự.

Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Hội đồng xét xử phúc thẩm.

NHÀ THẦU “HỎI KHÓ” CHỦ ĐẦU TƯ VEC

Đại diện Cienco1 cho rằng, tòa sơ thẩm buộc công ty phải bồi thường cho chủ đầu tư hơn 132 tỷ đồng liên quan đến gói thầu số 1,7. Phán quyết như vậy ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của công ty. Đây là vụ án hình sự, quá trình điều tra, xét xử không có việc giám định thiệt hại, chỉ căn cứ vào số tiền chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu và coi đó là số tiền thiệt hại là không thỏa đáng.

“Nhà thầu phải bỏ ra nhiều khoản tiền để chi phí nhân công, mua nguyên vật liệu mới tạo ra các hạng mục công trình. Các hạng mục này được khai thác, đưa vào sử dụng nhưng chúng ta phủ nhận sạch trơn toàn bộ giá trị công trình này. Còn chủ đầu tư vẫn thu được phí. Không thể nói các hạng mục này là con số 0”, đại diện Cienco 1 cho biết.

Ngoài ra, theo Cienco1, tại phiên tòa sơ thẩm, VEC yêu cầu các nhà thầu sửa chữa, duy tu, khắc phục mọi thiếu sót, khiếm khuyết của dự án. Cienco1 chấp nhận các yêu cầu trên. Bản chất đây là sự đồng thuận về phương thức bồi thường và yêu cầu này không trái pháp luật, không trái đạo đức thì cần được ghi nhận.

Luật sư Nguyễn Thanh Văn – bảo vệ quyền và lợi ích nhà thầu là Công ty Tuấn Lộc đặt vấn đề, trong vụ án này có nhiều pháp nhân, tại sao VEC với tư cách là người quản lý tài sản nhà nước không yêu cầu bồi thường với bị cáo, có phải yêu cầu của VEC chưa đầy đủ, khách quan không?

VEC nói, quan điểm công ty là yêu cầu các nhà thầu phải có trách nhiệm bồi thường dựa trên căn cứ pháp luật, hợp đồng đã ký kết. Chủ đầu tư đã thanh toán tiền cho các nhà thầu – đơn vị thụ hưởng tiền thanh toán tương ứng với công việc thi công. Rõ ràng chủ đầu tư không trả tiền công xây dựng theo hợp đồng cho các cá nhân. Do đó, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu phải bồi thường cho VEC.

Luật sư Văn nêu tiếp ý kiến là VEC không dám đứng ra chịu trách nhiệm về lỗi của những người của VEC phạm tội. Luật sư cũng hỏi VEC về việc thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Bộ Giao thông vận tải để kiểm tra hiện trường, kiểm định, đánh giá nguyên nhân hư hỏng, dự toán khắc phục. Tổng chi phí sửa chữa, khắc phục hư hỏng, khiếm khuyết theo tính toán là 115 tỷ đồng. Nếu so với quyết định của án sơ thẩm thiệt hại là hơn 811 tỷ đồng. Con số khác nhau, điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà thầu.

VEC cho rằng, việc đánh giá mức độ thiệt hại do cơ quan tố tụng làm rõ và xác định. VEC cũng công bố văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nội dung thể hiện “yêu cầu VEC lập phương án sửa chữa các hư hỏng mặt đường nhằm hạn chế thiệt hại cho nhà thầu, tránh lãng phí cho xã hội nhưng phương án xử lý này chưa toàn diện, triệt để”.

Đại diện Công ty Phương Thành kháng cáo cho rằng phán quyết sơ thẩm là không có căn cứ. Vì dự án đi vào khai thác gần 5 năm nay, thu phí đến hết năm 2021 là hơn 1.400 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, nếu Công ty Phương Thành hoàn trả lại tiền, công ty có được phép di dời thiết bị mang về không?

Đại diện Công ty Trico cho biết đã chuyển cho VEC hơn 10 tỷ đồng. Công ty đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên chung cư, phong tỏa tài khoản chứng khoán của bị cáo Phan Ngọc Thơm (cựu Phó giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 3B).

Còn Tổng công ty Sông Đà đề nghị tòa án miễn trách nhiệm bồi thường dân sự để 2 bên đàm phán, giải quyết theo điều khoản hợp đồng. Doanh nghiệp này cho biết đã chuyển 17 tỷ đồng là tiền bảo hành công trình vào tài khoản của VEC.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate