September 29, 2008 | 10:18 GMT+7

Vụ Vedan: Thêm nhiều sai phạm bị phát hiện

Phan Anh

Đoàn thanh kiểm tra, điều tra đã phát hiện thêm những sai phạm khác từ hoạt động sản xuất của Vedan

Mặt nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng.
Mặt nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng.
Không chỉ dừng ở mức 10 hành vi vi phạm đã được công bố mấy ngày trước, đoàn thanh kiểm tra, điều tra đã phát hiện thêm những sai phạm khác từ hoạt động sản xuất của Vedan.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi mỗi tháng có đến 105.600 m3 dịch thải sau lên men từ quá trình sản xuất của Vedan không qua xử lý đã được xả trực tiếp ra sông Thị Vải.

Các hành vi vi phạm cố ý xả trực tiếp dịch thải sau lên men của Công ty Vedan ra sông Thị Vải mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đó là nhận định của đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra ngày 26/9 trong báo cáo tổng hợp kết quả sau 20 ngày kiểm tra về bảo vệ môi trường và kết luận bước đầu về những sai phạm của Công ty CPHH Vedan.

Vi phạm có hệ thống, có tổ chức, kéo dài

Trong biên bản ký giữa đại diện hai bên gồm ông Yang Kun Hsiang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, thừa uỷ quyền của ông Joel J.Wang, Tổng giám đốc Công ty Vedan và ông Lương Duy Hanh, Phó phòng Kiểm soát ô nhiễm (Cục Bảo vệ môi trường) làm Trưởng đoàn đã chỉ rõ, tính đến hết ngày 25/9, các vi phạm của Công ty Vedan gồm 10 hành vi vi phạm đã được nêu trước đó và 2 vi phạm hành chính.

Cụ thể, Vedan đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 lần đến dưới 10 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 50 m3/ngày đối với Trại chăn nuôi heo của Công ty; xả bùn thải từ nhà xử lý nước cấp vào hồ đất không qua thiết bị xử lý với khối lượng 800 m3/ngày.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện, làm rõ 2 hành vi: thiết kế, lắp đặt hệ thống bồn chứa, bể chứa, máy bơm, hệ thống đường ống kỹ thuật rất tinh vi, được nguỵ trang bằng các hệ thống bơm nước, đường ống có đoạn chìm dưới đất, có đoạn nổi trên bề mặt để xả trực tiếp dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (dịch thải sau lên men xả ra tại cầu Cảng số 1 và cầu Cảng số 2) và nước thải phát sinh từ nhà máy.

Đặc biệt nghiêm trọng là, Công ty đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải sau lên men của Nhà máy sản xuất bột ngọt và Lysine từ bể chứa bán âm dung tích 6000-7000 m3, bồn chứa 15.000m3 và một số bồn bể khác theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên bề mặt đất) ra cầu cảng số 1 qua đường ống cao su gân thép chìm sâu dưới sông Thị Vải và cầu Cảng số 2 qua 2 trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 7-8 m và trên bề mặt cầu cảng có 1 miệng xả hở bằng thép đường kính 20 cm trực tiếp ra sông Thị Vải.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải như vậy là trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải, không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tổng khối lượng dịch thải sau lên men xả trực tiếp ra sông Thị Vải đã xác định được tính đến ngày 25/9 là 105.600 m3/tháng. Khối lượng dịch thải sau lên men, Vedagro dạng lỏng, CMS hiện đang lưu giữ trong các bồn chứa và bể chứa của Công ty Vedan là 20.500 m3.

Ngoài ra, Công ty đã thiết kế và lắp đặt hệ thống van xả, hệ thống bơm và đường ống kỹ thuật để bơm nước thải của Nhà máy sản xuất bột ngọt và Lysine từ 3 bể chứa ra hệ thống mương thoát nước giải nhiệt vào khoảng thời gian từ 18 giờ 00 tối hôm trước đến 6 giờ 00 sáng hôm sau. Tổng khối lượng nước xả thải vào hệ thống mương thoát nước giải nhiệt tương đương với lượng nước thải vào hệ thống xử lý hiếu khí là 1.560 m3/ngày.

Xử lý ở mức cao nhất, cứng rắn nhất

Đoàn thanh, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định, các hành vi vi phạm cố ý xả trực tiếp dịch thải sau lên men của Công ty Vedan ra sông Thị Vải mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với sông Thị Vải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Vedan giữ nguyên hiện trạng toàn bộ hệ thống đường ống Đoàn kiểm tra đã phát hiện vi phạm để chờ kết quả xử lý của cơ quan chức năng; đồng thời chấm dứt việc bơm dịch thải lỏng và các loại chất thải khác chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép ra sông Thị Vải.

Khi trao đổi về vấn đề xử lý Vedan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định, với những vi phạm nghiêm trọng như vậy, Vedan sẽ bị xử lý ở mức cao nhất, bằng các biện pháp cứng rắn nhất. Vedan sẽ phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại về kinh tế và môi trường đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Theo tính toán ban đầu, mức phí xả nước thải mà đoàn đề nghị truy thu của Vedan trong toàn bộ quá trình xả "chui" là hơn 91 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính ban đầu.

Ông Hanh cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tính toán chi tiết hơn và đưa ra con số cuối cùng. Về vấn đề bồi thường thiệt hại, theo nguyên tắc, người gây ô nhiễm phải trả tiền, đối tượng nào vi phạm thì đối tượng đó phải trả, đối tượng nào gây thiệt hại về kinh tế, môi trường sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người dân.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate