June 05, 2012 | 10:21 GMT+7

Vụ Vinalines: “Nên mổ xẻ đến nơi đến chốn”

Thúy Hằng

GS. Nguyễn Minh Thuyết bình luận về nội dung giải trình của các cơ quan liên quan trong vụ Vinalines

“Tôi cho là trong công việc ai cũng có thể có lúc mắc sai lầm, nhưng khi đã sai lầm thì cần thẳng thắn thừa nhận để rút kinh nghiệm”.
“Tôi cho là trong công việc ai cũng có thể có lúc mắc sai lầm, nhưng khi đã sai lầm thì cần thẳng thắn thừa nhận để rút kinh nghiệm”.
Trao đổi với VnEconomy sau giải trình của các cơ quan liên quan về việc ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải rồi bỏ trốn ngay trước khi cơ quan công an công bố lệnh khởi tố, bắt tạm giam, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các nội dung giải trình đã bộc lộ nhiều khuyết điểm “chết người” trong công tác cán bộ.

GS. Nguyễn Minh Thuyết phân tích:

- Thứ nhất, trong vụ việc này, hầu hết các việc liên quan đến công tác tổ chức cán bộ đều được tiến hành một cách hình thức, hời hợt. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cầm đầu một đoàn từ Bộ xuống làm việc với Đảng bộ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), mà không phát hiện ra bất cứ sai lầm nào của doanh nghiệp cũng như của ông Dũng.

Về phần ông Dũng, mặc dù được coi là một nhân tố gấy mất đoàn kết nhưng vẫn luôn được “nhận xét rất tốt” trong tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hằng năm, thậm chí còn được bầu vào thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, là đại biểu dự Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Thứ hai, các nguyên tắc chọn lựa cán bộ của Đảng trên thực tế đã bị phớt lờ. Bộ Giao thông Vận tải đưa ông Dũng lên Bộ làm Cục trưởng Cục Hàng hải chẳng phải vì ông ta có tài năng, phẩm hạnh phù hợp với cương vị ấy mà chỉ vì để tiếp tục ở Vinalines thì ông ta gây mất đoàn kết, cản trở sự phát triển của Vinalines? Chẳng biết sau lời giải thích của Bộ trưởng Đinh La Thăng, người dân sẽ nhìn các quan chức như thế nào? Thế mà ai cũng bảo bổ nhiệm cán bộ như vậy là đúng quy trình.

Thứ ba, theo như giải trình thì các cơ quan nhà nước dường như không liên thông với nhau trong thực thi công vụ. Bộ nào đó cứ việc tham mưu để Thủ tướng cho ông Dương Chí Dũng thôi chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines. Thanh tra cứ việc thanh tra. Công an cũng lẳng lặng làm việc của mình. Còn Bộ Giao thông Vận tải cứ việc đưa ông Dũng lên làm Cục trưởng để “giải cứu Vinalines”.

Đến mức, ngày 17/5, bị can Dũng biết tội của mình đã cao chạy xa bay mà sáng 18/5 lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải mới được cơ quan điều tra thông báo Cục trưởng Cục Hàng hải là can phạm đang bị truy nã!
 
Ông bình luận thế nào trước lời giải thích quy trình bổ nhiệm ông Dũng bắt đầu được thực hiện từ tháng 8 năm ngoái nên đến thời điểm tháng 2 vừa qua, quy trình đã hoàn thành nên cứ thế công bố?

Giải thích như thế không khác gì bảo tôi đang băng qua đường, cho dù thấy ôtô lao đến, tôi vẫn phải băng qua cho xong. Chẳng cần phải có hiểu biết sâu về quản lý giao thông cũng biết hậu quả sẽ thế nào.  

Từ khi ông Dương Chí Dũng có lệnh bắt giam, rồi bỏ trốn và bị truy nã đến nay, các cơ quan liên quan trong vụ việc này đều một mực khẳng định việc bổ nhiệm đúng quy trình trong sự phản ứng, bức xúc của đại biểu Quốc hội và dư luận. Theo ông, cần hành xử thế nào mới thuyết phục được người dân, giải tỏa được những bức xúc trong dư luận?

Tôi cho là trong công việc ai cũng có thể có lúc mắc sai lầm, nhưng khi đã sai lầm thì cần thẳng thắn thừa nhận để rút kinh nghiệm. Không nên giải trình loanh quanh. Càng như vậy thì càng lộ nhiều điểm yếu, càng giảm đi sự tin cậy của người dân.

Theo ông, những nội dung dư luận đòi hỏi phải làm sáng tỏ trong vụ việc xảy ra ở Vinalines tập trung vào vấn đề gì, trong trường hợp Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các thành viên Chính phủ liên quan trả lời chất vấn trực tiếp về vụ việc này sắp tới?

Vụ Vinalines và những việc liên quan đến ông Dương Chí Dũng cần được đưa ra chất vấn tại Quốc hội. Chất vấn trực tiếp chứ không chỉ hỏi và trả lời qua công văn được. Quốc hội nên mổ xẻ đến nơi đến chốn không phải để chỉ trích ai trong chuyện này, mà chủ yếu là để những vụ việc như vậy sẽ không thể tái diễn hoặc ít có khả năng tái diễn.

Trong việc này, trước hết phải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Nếu bổ nhiệm sai thì dù quy trình đề xuất - xét duyệt có qua bao nhiêu khâu, người quyết định cuối cũng vẫn phải chịu trách nhiệm.   

Quốc hội cũng cần chất vấn về trách nhiệm của cơ quan điều tra để Dương Chí Dũng bỏ trốn... Đáng nói là, đây không phải lần đầu tiên để xảy ra chuyện “mắt xích” ở một vụ án kinh tế lớn trốn thoát. Trong vụ Vinashin năm 2010, đã có hai nhân vật cộm cán chạy trốn, trong đó có tổng giám đốc tài chính của Vinashin, cho nên mất hẳn hai đầu mối quan trọng để truy tội phạm, đến giờ vẫn chưa bắt được. Nếu không chất vấn đến nơi đến chốn thì không ai dám đảm bảo tương lai không tái diễn chuyện tương tự.

Đại biểu Quốc hội cũng nên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem quy trình bổ nhiệm cán bộ như thế nào, nhất là đối với những người thuộc diện Thủ tướng bổ nhiệm như ông Dương Chí Dũng thì quy trình bổ nhiệm ra sao, cho chuyển công tác thế nào vì Bộ Nội vụ là cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ trong công tác nhân sự.

Hiện giờ cả nước mới chắt bóp được 29 nghìn tỷ đồng để cứu doanh nghiệp, trong khi đó Vinashin làm “một nhát” nợ tới cả trăm nghìn tỷ, lỗ cũng kết luận khoảng 9.000 tỷ đồng, Vinalines này cũng lại làm ăn thua lỗ, tiêu tiền Nhà nước vô tội vạ. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate