July 05, 2021 | 09:56 GMT+7

Vừa IPO ở Mỹ, ứng dụng gọi xe Didi bất ngờ bị đình chỉ ở Trung Quốc

Đức Anh -

Lệnh đình chỉ được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo đã mở cuộc điều tra nhằm vào ứng dụng gọi xe lớn nhất nước này...

Didi bị đình chỉ chỉ vài ngày sau khi IPO tại Mỹ - Ảnh: Yahoo Finance
Didi bị đình chỉ chỉ vài ngày sau khi IPO tại Mỹ - Ảnh: Yahoo Finance

Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc ngày 4/7 yêu cầu các cửa hàng ứng dụng di động gỡ bỏ ứng dụng gọi xe Didi Chuxing do vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng.

Lệnh đình chỉ được đưa ra ít ngày sau khi Didi Chuxing thực hiện thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ huy động 4 tỷ USD. Đây là một trong những IPO lớn nhất tại Mỹ trong thập kỷ qua.

Quyết định trên được đưa ra nhanh chóng, chỉ hai ngày sau khi cơ quan này cho biết đang đánh giá mức độ an ninh mạng tại Didi Chuxing. Theo đó, các cửa hàng ứng dụng lớn nhất tại Trung Quốc, như của Apple, Huawei, Xiaomi, phải loại bỏ ứng dụng Didi.

Tuy nhiên, khoảng 500 triệu người dùng hiện tại của Didi Chuxing vẫn có thể đặt chuyến và sử dụng các dịch vụ khác miễn là họ tải ứng dụng trước lệnh cấm ngày 4/7. Cổ phiếu của SoftBank Group, cổ đông lớn của Didi, đã giảm tới 5,9% đầu phiên giao dịch ngày 5/7, mức giảm trong phiên lớn nhất kể từ ngày 13/5. 

Cuộc điều tra bất ngờ và quyết định nhanh chóng của cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc nằm trong nỗ lực tăng cường giám sát Didi trong các vấn đề từ chống độc quyền cho tới bảo mật dữ liệu. Trước đó, Didi cùng nhiều công ty internet Trung Quốc đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền trên quy mô lớn của Bắc Kinh. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, Didi có thời điểm mất tới 11% giá trị vốn hóa sau khi cơ quan chức năng công bố cuộc điều tra. 

Lệnh cấm đối với Didi diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các tập đoàn internet lớn nhất Trung Quốc, cũng như siết chặt giám sát quyền sở hữu và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các hãng công nghệ từ Alibaba, Tencent cho tới Didi thu thập được từ hàng trăm triệu người dùng. 

Cơ quan Quản lý Không gian mạng ngày 4/7 đã yêu cầu Didi khắc phục các vấn đề của mình theo quy định pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời thực hiện các bước để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.

Cùng ngày, Didi đưa ra thông báo trên trang mạng xã hội chính thức, trong đó cho biết đã tạm ngừng đăng ký người dùng mới từ ngày 3/7 và đang điều chỉnh ứng dụng để tuân thủ các quy định pháp lý. Trong tuyên bố sau đó, Didi cho biết lệnh cấm của cơ quan chức năng có thể "tác động bất lợi" đến doanh thu của công ty tại Trung Quốc.

Didi đánh bại đối thủ Uber của Mỹ tại thị trường Trung Quốc vào năm 2016 và bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế. Thứ Tư tuần trước (30/6), công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán New York, huy động được 4 tỷ USD với vốn hóa 67 tỷ USD. Dù đây là thương vụ lớn nhất tại Mỹ của một công ty Trung Quốc kể từ sau IPO của Alibaba năm 2014, định giá của Didi chỉ tương đương so với vòng gọi vốn gần nhất năm 2019 và thấp hơn nhiều so với định giá mục tiêu cao nhất 100 tỷ USD. 

Lệnh cấm nhằm vào Didi cho thấy những bất ổn liên quan tới chiến dịch siết chặt giám sát đối với lĩnh vực internet tại Trung Quốc. Đầu năm nay, Cơ quan Nhà nước về Quản lý Thị trường Trung Quốc thông báo đang xem xét các cáo buộc lạm dụng - bao gồm cả những thỏa thuận độc quyền ép buộc với người bán - tại nền tảng giao hàng Meituan. Động thái này cũng diễn ra vài ngày sau khi hãng internet lớn thứ ba Trung Quốc huy động được 9,98 tỷ USD từ đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi kỷ lục. 

“Điều này thực sự bất công đối với các nhà đầu tư. Để đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường, các cơ quan quản lý Trung Quốc nên dừng cho phép các công ty niêm yết khi họ đang bị điều tra”, Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty đầu tư Kaiyuan Capital có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate