February 22, 2022 | 14:44 GMT+7

Vừa lập đỉnh 8 năm, giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ còn tăng mạnh nữa

An Nhiên -

Giá xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng do biến động giá dầu thô thế giới tăng mạnh khi căng thẳng và rủi ro leo thang xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 21/2/2022, giá xăng, dầu đều có xu hướng tăng mạnh. Theo Bộ Công Thương, các mức điều chỉnh như sau: Xăng E5RON92 tăng 960 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 960 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 940 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 750 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 780 đồng/lít. Giá xăng E5RON 92 đã tăng 8,5% từ đầu năm, và xăng RON95-III đã tăng 7,9%.

Như vậy, đây là lần thứ 5 liên tiếp Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá xăng dầu kể từ đầu năm 2022, theo đó giá xăng dầu trong nước đã chính thức phá đỉnh 8 năm. Hiện tại, xăng RON95 đã vượt mốc 26.000 đồng/lít.

Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước nguyên nhân do chịu áp lực lớn từ đà tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới. Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục thay đổi khó lường, trong đó, có những đợt tăng, giảm với biên độ khá lớn.

Dự báo về giá xăng dầu trong nước trong ngắn hạn, Chứng khoán KBSV cho rằng, giá xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng do biến động giá dầu thô thế giới tăng mạnh khi căng thẳng và rủi ro leo thang xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam ngày 22/2, giá dầu Brent tăng 1,48 USD/thùng so với đóng cửa phiên liền trước, tương đương tăng hơn 1,6%, giao dịch ở mức 96,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York cùng thời điểm tăng 2,74 USD/thùng, tương đương tăng 3%, giao dịch ở 93,81 USD/thùng.

Nhiều dự báo còn cho rằng giá dầu thậm chí có thể vượt 150 USD/thùng trong năm nay.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài Chính, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) đầu quý 4/2021 chỉ còn hơn 800 tỷ đồng, bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp xăng dầu cũng đã âm quỹ bình ổn (cụ thể, hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất là Petrolimex và PVOil đã âm lên tới hàng trăm tỉ đồng), nên dư địa để Bộ Công thương có thể tiếp tục bình ổn giá còn tương đối ít.

Vừa lập đỉnh 8 năm, giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ còn tăng mạnh nữa - Ảnh 1

Cũng theo KBSV, đà tăng của giá xăng dầu tiếp tục gia tăng áp lực lên lạm phát Việt Nam. Theo Tổng Cục Thống Kê, giá xăng dầu tăng 10% thì chỉ số CPI tăng 0,34%.

Bên cạnh đó, mặt bằng giá thép và nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng tăng nhẹ 3,0% từ đầu năm và sẽ tiếp tục neo cao nhờ việc lượng thép tiêu thụ phục hồi tốt khi các dự án bất động sản bị trì hoãn do giãn cách xã hội trong năm 2021 sẽ được triển khai gấp rút trong năm 2022 để kịp tiến độ bàn giao cho khách hàng, kết hợp với các dự án đầu tư công quy mô lớn sớm khởi công.

KBSV ước tính CPI tháng 2 sẽ tăng khoảng 0,6 -0,7%. Trong năm 2022, dự báo giá thịt lợn có thể tăng lên mức 60.000 – 70.000 VND/kg nhờ nhu cầu ăn uống hồi phục, trong khi nguồn cung thịt heo giảm do tỷ lệ tái đàn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ở mức thấp khi các yếu tố liên quan tới dịch tả lợn, giá cám cao và giá lợn thấp đã tác động tiêu cực tới tâm lý của các hộ chăn nuôi.

Dù vậy, giá thịt lợn khó có thể về mốc đỉnh năm 2020 nhờ việc Chính Phủ luôn ưu tiên tăng cường nguồn cung trong nước. Theo đó, KBSV giữ nguyên dự báo CPI cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8%.

Trước đó, VinaCapital kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam sẽ leo cao trên mức 4% ở Quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, do sự tăng giá của điện, thịt heo, và dầu thế giới. Tuy nhiên, quỹ này tin rằng lạm phạt Việt Nam sẽ rơi xuống trở lại ở mức 3% trước khi kết thúc năm 2022. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate