Trong lúc giá vàng thế giới giằng co quanh mốc 1.900 USD/oz, giá vàng miếng trong nước sáng nay (8/3) tiếp tục bứt phá mạnh mẽ và lập kỷ lục mọi thời đại mới trên ngưỡng 74 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng miếng với thế giới lên gần 20 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 72,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Trong khi đó, nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 56,05 triệu đồng/lượng và 57,2 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuói giờ chiều hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 72,4 triệu đồng/lượng và 74 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 1 triệu đồng/lượng và 0,8 triệu đồng/lượng.
Từ cuối tuần tới sáng nay, giá vàng miếng bán ra đã đội thêm khoảng 6 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước đang chứng kiến mức giá cao kỷ lục và những chênh lệch lớn chưa từng thấy.
Cùng là vàng 999,9, nhưng vàng miếng SJC đang đắt hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với các sản phẩm vàng “bốn số 9” khác.
Chẳng hạn, giữa giá bán ra vàng miếng SJC và giá bán ra vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý tại Phú Quý đang là 17,2 triệu đồng/lượng, dù cả hai loại vàng này đều là vàng 999,9 và chỉ khác về hình thức sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi 19,4 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá vàng trong nước-thế giới liên tục tăng cho thấy giá vàng trong nước đang “chạy trước” giá vàng quốc tế.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.990,6 USD/oz, giảm 9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 55,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng tăng 25,7 USD/oz, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 1.999,6 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng đạt 2.001 USD/oz, cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu nắm giữ vàng của giới đầu tư tăng cao để phòng ngừa rủi ro do xung đột vũ trang Nga-Ukraine, khối lượng nắm giữ của quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang ở mức hơn 1.054 tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 3/2021.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng có lẽ bị ghìm bớt bởi sự tăng giá mạnh mẽ của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh dao động quanh mức 99,1 điểm trong phiên sáng nay tại châu Á, sau khi vượt 99,2 điểm trong phiên Mỹ đêm qua – mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Đồng USD tăng giá do cũng được giới đầu tư xem là một tài sản an toàn cần nắm giữ trong bối cảnh nhiều bất ổn hiện nay.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng ít nhiều thận trọng trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Cuộc họp này của Fed sẽ diễn ra vào ngày 15-16/3, với mức nâng lãi suất được dự báo là 0,25 điểm phần trăm.
Nếu Fed tăng lãi suất mạnh hơn hoặc phát tín hiệu sẽ đẩy nhanh thắt chặt để chống lạm phát, giá vàng có thể gặp bất lợi vì vàng là tài sản không mang lãi suất.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.420 đồng (mua vào) và 23.480 đồng (bán ra), tăng 30 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank tăng báo giá USD 10 đồng, lên mức 22.710 đồng và 22.990 đồng.