May 15, 2025 | 17:14 GMT+7

Vượt qua tâm lý "giữ dữ liệu" để Việt Nam có kho dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”

Bảo Bình -

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia dự kiến sẽ hoàn thành và khai trương vào ngày 19/8/2025. Đây là một cột mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia…

Dự kiến, đến năm 2030, hơn 90% các hoạt động hành chính sẽ chuyển sang môi trường số thông qua Trung tâm dữ liệu quốc gia. Ảnh minh họa
Dự kiến, đến năm 2030, hơn 90% các hoạt động hành chính sẽ chuyển sang môi trường số thông qua Trung tâm dữ liệu quốc gia. Ảnh minh họa

Các mô hình kinh tế số, kinh tế nền tảng (platform economy), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây (cloud computing) và Internet vạn vật (IoT) đang tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực. Theo một báo cáo của Viện McKinsey Global Institute, riêng AI có thể đóng góp thêm 13 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. 

Các quốc gia tiên tiến như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu... đã và đang triển khai mạnh mẽ các chính sách xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia, thiết lập khu công nghiệp dữ liệu, và phát triển kinh tế dữ liệu như một “trụ cột” tăng trưởng mới bên cạnh công nghiệp và dịch vụ. 

TRUNG TÂM DỮ LIỆU QUỐC GIA DỰ KIẾN HOÀN THÀNH VÀ KHAI TRƯƠNG VÀO NGÀY 19/8/2025

Trong bối cảnh kinh tế mới, Việt Nam đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết trong việc làm chủ dữ liệu quốc gia, phát triển khu công nghiệp dữ liệu và nền kinh tế dữ liệu. Ngày 30/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, trong đó, giao Bộ Công an thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia là đơn vị tương đương cấp Cục thuộc Bộ Công an.

Theo Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Trưởng phòng Tham mưu Tổng hợp, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ là nơi tập hợp các thông tin, dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và trở thành một trung tâm tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ và điều phối thông tin, phân tích dữ liệu về con người và các dữ liệu tổng hợp quốc gia. 

Chia sẻ tại sự kiện sự kiện Customer Data Summit 2025, Thiếu tá Đào Đình Nam cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia cùng các trung tâm dữ liệu vùng trên khắp cả nước với quy mô lớn, công nghệ hiện đại và nguồn đầu tư đáng kể. Dự kiến, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia sẽ được hoàn thành và khai trương vào ngày 19/8/2025. Đây là một cột mốc quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, các Trung tâm dữ liệu vùng sẽ được hoàn thành trước năm 2030”.

“ĐIỂM MỘT CỬA SỐ” SẼ TÁI CẤU TRÚC TOÀN BỘ QUY TRÌNH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Trung tâm Dữ liệu Quốc gia sẽ cung cấp hạ tầng cho Cổng Dịch vụ Công Quốc gia. Dự kiến, đến năm 2030, hơn 90% các hoạt động hành chính sẽ chuyển sang môi trường số thông qua Trung tâm dữ liệu quốc gia. Hệ thống sẽ cho phép người dân và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp dữ liệu một lần trong toàn bộ quy trình thủ tục hành chính, giảm thiểu sự bất tiện và tăng mức độ hài lòng.

Theo đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ phải đảm bảo hạ tầng để triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia duy nhất, tập trung, trở thành “Điểm một cửa số” duy nhất của Việt Nam. Điều này sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công phi địa giới hành chính và đảm bảo 100% doanh nghiệp được hưởng dịch vụ công toàn trình trên môi trường điện tử.

 

Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ phải đảm bảo hạ tầng để triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia duy nhất, tập trung, trở thành “Điểm một cửa số” duy nhất của Việt Nam. Điều này sẽ tái cấu trúc toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ công phi địa giới hành chính và đảm bảo 100% doanh nghiệp được hưởng dịch vụ công toàn trình trên môi trường điện tử.

Thiếu tá Đào Đình Nam cho biết việc xây dựng hành lang pháp lý để hỗ trợ thu thập, tạo lập, đồng bộ và khai thác dữ liệu là một nhiệm vụ “rất phức tạp”. Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

“Luật Dữ liệu vừa được ban hành là một văn bản rất mới, nhiều người khi đọc vẫn cảm thấy còn mơ hồ. Các Nghị định hướng dẫn mà chúng tôi đang soạn thảo cũng chứa đựng nhiều điểm mới, chưa có nhiều tiền lệ tại Việt Nam”, Thiếu tá Đào Đình Nam cho biết.

“Để xây dựng các chính sách này, chúng tôi đã phải học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, tổng hợp và đưa ra những sản phẩm pháp lý phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Đây là một quá trình rất khó khăn, bởi chúng tôi vừa phải đảm bảo tính khả thi, vừa phải đáp ứng kỳ vọng từ phía nhà nước và các bên liên quan”.

THÁCH THỨC TÂM LÝ “GIỮ DỮ LIỆU” CỦA CÁC ĐƠN VỊ, TỔ CHỨC

Để dữ liệu thực sự phát huy giá trị, Trung tâm dữ liệu quốc gia phải giải quyết ba vấn đề: kết nối, đồng bộ, đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch và “sống” (tức là được cập nhật theo thời gian thực). “Đây là bài toán vô cùng khó”, Thiếu tá Đào Đình Nam chia sẻ.

Cụ thể, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia kế thừa dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu gốc lại nằm ở các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, còn có nguồn dữ liệu từ các tổ chức, doanh nghiệp, có thể được đồng bộ hoặc kết hợp với dữ liệu của khối công để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế. Việc kết nối và đồng bộ các nguồn dữ liệu này “không hề đơn giản”.

Một khó khăn khác là tâm lý “giữ dữ liệu” của các bộ, ngành, địa phương. Bởi vì, dữ liệu được xem là tài sản và ai cũng muốn làm chủ, muốn toàn quyền quyết định. “Nhưng để xây dựng một quốc gia số, chúng ta phải đặt mục tiêu chung của quốc gia lên trên hết”, Thiếu tá Đào Đình Nam nói.

Do đó, dữ liệu cần được tổng hợp về một nơi – kho dữ liệu tổng hợp quốc gia – để cung cấp dịch vụ công, để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và thậm chí kết nối với các quốc gia khác trên thế giới. Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đã xây dựng một hệ thống riêng để hỗ trợ kết nối quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và hợp tác toàn cầu.

Việt Nam hiện có 116 cơ sở dữ liệu, trong đó có 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương. Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đồng bộ 116 cơ sở dữ liệu. Kho dữ liệu tổng hợp này sẽ tạo ra giá trị to lớn trong việc cung cấp dịch vụ công, phát triển sản phẩm dịch vụ và xây dựng các bộ chỉ số phục vụ điều hành quốc gia.

“Chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để điều chuyển toàn bộ hạ tầng của các cơ sở dữ liệu quốc gia về Trung tâm Dữ liệu Quốc gia. Đồng thời, chúng tôi xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể kết nối và khai thác dữ liệu tại trung tâm một cách an toàn và hiệu quả”, Thiếu tá Đào Đình Nam chia sẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate