December 17, 2022 | 09:12 GMT+7

WB: Chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể linh hoạt hơn nữa

Khánh Vy -

Trong điều kiện huy động vốn toàn cầu dự kiến vẫn tiếp tục bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài đang yếu đi, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cân nhắc áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài...

Nhiều doanh nghiệp gặp khó do đơn hàng xuất khẩu giảm sút.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó do đơn hàng xuất khẩu giảm sút.

Báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam được WB phát hành tháng 12/2022 nhận định các động lực tăng trưởng của Việt Nam đang chững lại do xuất khẩu yếu đi và tiêu dùng hậu Covid-19 phục hồi chậm.

NHIỀU CHỈ SỐ XẤU ĐI

Theo ghi nhận của WB, xuất khẩu trong tháng 11/2022 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm ngoài do sức cầu bên ngoài yếu đi, còn do so sánh với tốc độ tăng vượt trội trong tháng 11/2021 nhờ nền kinh tế được mở cửa trở lại sau nhiều tháng giãn cách.

Đáng chú ý, xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong khoảng 2 năm trở lại đây cũng phản ánh tình trạng giảm nhập khẩu ở hầu hết các sản phẩm nhập khẩu chủ lực, do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.

WB: Chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể linh hoạt hơn nữa - Ảnh 1

Tốc độ tăng doanh số bán lẻ có tháng giảm thứ 3 liên tiếp khi tháng 11/2022 chỉ tăng 17,5% (giảm so với tốc độ tăng 20,7% trong tháng 10/2022). Điều này cho thấy tốc độ phục hồi tiêu dùng trong ba quý đầu năm đang có xu hướng giảm xuống, thể hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tốc độ tăng doanh số bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 10,7% so với 12% thời kỳ trước đại dịch. Doanh số dịch vụ lữ hành vẫn thấp hơn 37% so với tháng 11/2019.

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11/2022 chỉ tăng 5,3%, thấp hơn so với mức tăng 6,3% trong tháng 10/2022 và cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Theo WB, sức cầu bên ngoài yếu đi cũng là một yếu tố kéo giảm chỉ số sản xuất công nghiệp khi nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chủ lực đã và đang suy giảm.

Tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 9/2022, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế biến chế tạo lần đầu tiên bị trượt về vùng suy giảm (dưới 50 điểm) kể từ tháng 10/2021, giảm từ 50,6 điểm trong tháng 10/2022 xuống còn 47,4 điểm trong tháng 11/2022.

WB: Chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể linh hoạt hơn nữa - Ảnh 2

“Điều này cho thấy điều kiện sản xuất kinh doanh trong tháng 11 đã xấu đi so với các tháng trước đó”, báo cáo nhận định.

CHÍNH SÁCH LINH HOẠT HƠN

Trong bối cảnh hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại, WB khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách theo dõi sát sao để có phản ứng chính sách linh hoạt và kịp thời. “Nhất là trong điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước thời gian tới”, báo cáo nhấn mạnh.

WB: Chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể linh hoạt hơn nữa - Ảnh 3

Mặc dù đồng USD yếu đi trong tháng 11/2022 giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá, song với bối cảnh quốc tế như trên, WB cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài.

“Chính sách này có thể được bổ sung bằng cách sử dụng sáng suốt lãi suất tham chiếu và sử dụng thận trọng can thiệp tỷ giá trực tiếp nhằm bảo vệ được dự trữ ngoại hối”, WB nêu quan điểm.

Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, theo định chế tài chính quốc tế này, cũng là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng. Chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm đảm bảo đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51 phát hành ngày 19-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

WB: Chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể linh hoạt hơn nữa - Ảnh 4
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate