Trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bởi đây là hoạt động sẽ tác động đến tốc độ phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia của WB nhận định Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát được đợt bùng phát dịch Covid-19 vào cuối tháng 1 nhờ các biện pháp ứng phó kịp thời của Chính phủ. Nhờ đó, số lượng các ca nhiễm mới bắt đầu có xu hướng giảm và các hạn chế phần nào được nới lỏng trong nửa cuối của tháng.
Đồng thời, Việt Nam đã phê duyệt 3 loại vaccine ngừa Covid-19 gồm Astra Zeneca (Anh), Moderna (Mỹ) và Generium (Nga). Chính phủ cũng đã thông qua nghị quyết mua tổng cộng khoảng 150 triệu liều vaccine và nêu rõ các nhóm đối tượng được ưu tiên. Việt Nam đã nhận được 117.000 liều vắc-xin đầu tiên vào cuối tháng 2/2021, và hoạt động tiêm vắc xin đã được triển khai từ ngày 8/3, bắt đầu từ các nhân viên y tế tại Hà Nội, Tp.HCM và Hải Dương.
Trong tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Theo đối tác thương mại, dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng, trong khi xuất khẩu sang EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm.
Kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự như xu hướng nhập khẩu tháng 1/2021. Vào tháng 1/2021, nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, và máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.
"Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như việc đa dạng hóa thương mại tiếp tục diễn ra do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết", các chuyên gia của WB nhận định.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau khi giảm vào tháng 1, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI trong tháng 2, cao hơn 70,4% so với tháng trước và tăng gấp ba lần giá trị vốn FDI ghi nhận vào tháng 2.
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có chiều hướng chững lại do các hoạt động kinh tế tạm dừng trong những ngày nghỉ Tết. Trong khi đó, chính sách tài khóa đang được điều chỉnh nhẹ do thu ngân sách được cải thiện trong hai tháng đầu năm 2021, còn chi ngân sách giảm do chậm triển khai các dự án đầu tư công.
"Việc nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch COVID-19 mới vào cuối tháng 1/2021 đã giúp duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2021", báo cáo của WB nhận xét.
"Thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế", các chuyên gia của WB khuyến nghị. "Việt Nam cũng có thể sẽ cần có thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nhu cầu của khu vực tư nhân".