Trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11 mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế đang đối mặt với nhiều lực cản mạnh. Sức cầu bên ngoài chững lại trong khi điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt gây ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND.
Nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, WB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nữa, bao gồm cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn.
Theo đó, biện pháp này có thể được bổ sung bằng cách tiếp tục sử dụng lãi suất tham chiếu, đặc biệt nếu tỷ giá tăng nhanh dẫn đến tăng lạm phát và làm cho kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, do áp lực tỷ giá kéo dài, WB cũng tin rằng, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối. "Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ lúc này trở nên hết sức quan trọng để đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc", báo cáo của WB nêu.
Cũng theo định chế này, với các biến động gần đây trong khu vực ngân hàng, cơ quan quản lý phải thận trọng và tăng cường hơn nữa những nỗ lực giám sát.
Điểm lại thông tin kinh tế Việt Nam trong tháng 10, báo cáo cho hay, tín dụng tăng trưởng hạ nhiệt song vẫn ở mức cao (tăng 16,5% so cùng kỳ nă ngoái), do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất điều hành, room tín dụng vẫn không được nới.
"Lạm phát giá tăng và điều kiện huy động tài chính trong nước cũng bị thắt chặt có thể ảnh hưởng đến cầu nội địa trong vài tháng tới", WB dự báo.
Theo báo cáo của WB, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Việt Nam đều giảm trong tháng 10 vì nhu cầu trong nước và nước ngoài chững lại.
Tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống mức thấp trong 12 tháng qua, đạt 4,8% (so cùng kỳ năm trước) do nhu cầu bên ngoài yếu đi, lạm phát tăng cao, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt và bất định gia tăng trên toàn cầu.
Mặc dù giá nhiên liệu giảm, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ 3,9% trong tháng 9 (so cùng kỳ năm trước) lên 4,3% trong tháng 10 (so cùng kỳ năm trước). WB cho rằng, nguyên nhân là đà tăng của giá lương thực thực phẩm (nhóm mặt hàng chiếm 21,3% giỏ hàng hóa tính CPI).
Theo WB, tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Sau khi đạt kỷ lục tăng 16,9% trong tháng 9 (so cùng kỳ), tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 16,5% trong tháng 10 (so cùng kỳ).
Tốc độ tăng giảm xuống do tác động của việc Ngân hàng Nhà nước thặt chặt điều kiện huy động tài chính trong nước bằng cách nâng lãi suất lên tổng cộng 200 điểm cơ bản trong tháng 9 và tháng 10.
Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đạt kỷ lục mới ở mức bình quân 5,8% trong tháng 10 so với 4,9% trong tháng 9, cao hơn nhiều so với lãi suất 0,65% trong năm trước đó.