Trong bối cảnh các ngày lễ lớn gần kề, WeChat của Tencent và đối tác nội địa Weixin vừa chính thức tung ra bản thử nghiệm tính năng tặng quà cho các sản phẩm trong cửa hàng WeChat. Tính năng được thiết kế nhằm đơn giản hóa quy trình gửi quà tặng trên nền tảng, được thử nghiệm trên tất cả danh mục sản phẩm ngoại trừ đồ trang sức và dịch vụ giáo dục. Sản phẩm đủ điều kiện áp dụng tính năng phải có giá dưới 10.000 RMB (1.400 USD). Đối với mặt hàng đáp ứng đúng tiêu chí, tính năng sẽ tự động kích hoạt với nhãn nhận dạng được thêm vào trang chi tiết sản phẩm, KrASIA đưa tin.
TÍNH NĂNG GỬI QUÀ VỪA RA MẮT PHIÊN BẢN THỬ NGHIỆM
Để gửi quà, người dùng có thể chọn sản phẩm đủ điều kiện, nhấn vào nút tặng quà được chỉ định, nền tảng sẽ tự động điều hướng đến trang xác nhận quà tặng. Tại đây, khách hàng có thể chọn mẫu mã kiểu dáng, tham khảo giá, chọn bạn bè từ danh sách liên hệ và hoàn tất thanh toán để gửi quà. Tính năng mới giúp người gửi không cần yêu cầu người nhận chia sẻ địa chỉ giao hàng hoặc sản phẩm ưa thích, giúp quá trình tặng quà thuận tiện và kín đáo hơn.
Chỉ khi được thông báo về món quà, người nhận mới cần nhập địa chỉ giao hàng hoặc có thể chuyển sang sản phẩm khác giá trị tương đương nếu không vừa ý và xác nhận biên lai bằng một nút duy nhất.
Tuy nhiên, tính năng tặng quà cũng tồn tại một số hạn chế cụ thể: người nhận không thể chuyển tiếp quà tặng cho người khác và người gửi không thể hủy hoặc sửa đổi đơn hàng trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi đặt, dù người nhận có chấp nhận món quà hay không. Nếu người nhận không chấp nhận món quà trong vòng 24 giờ, đơn hàng sẽ tự động hủy và khoản thanh toán sẽ hoàn lại cho người gửi.
Hiện tại, tính năng mới giới hạn quyền truy cập chỉ dành cho số lượng người dùng hạn chế như một phần của giai đoạn thử nghiệm. Theo 36Kr, một số thương gia tiết lộ tính năng dự kiến sẽ ra mắt rộng rãi tới tất cả người dùng vào tuần lễ Giáng sinh.
BƯỚC NGOẶT CHO NHÀ BÁN LẺ
Đối với nhà bán lẻ, tính năng mới mang tới cơ hội vô cùng giá trị nhằm thúc đẩy doanh số. Bằng cách loại bỏ các khâu người gửi phải hỏi về sở thích hoặc địa chỉ người nhận, tính năng tặng quà tận dụng mạng xã hội rộng lớn của WeChat giúp cho quá trình tặng trở nên liền mạch, tương tự như việc gửi một phong bao lì xì kỹ thuật số. Điều này có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ thành công của các giao dịch tặng quà và mở rộng cơ sở khách hàng.
Một tiểu thương bán đồ ăn nhẹ tiết lộ rằng đang có kế hoạch giới thiệu thêm nhiều lựa chọn hộp quà tặng để tận dụng tính năng thu hút khách hàng mới. Người bán dự đoán nhu cầu về quà tặng sẽ tăng đột biến trong kỳ nghỉ sắp tới, bao gồm Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội đèn lồng hay Ngày lễ tình nhân. "Nhu cầu tặng quà dịp lễ rất lớn, và tính năng giúp giảm bớt các bước rườm rà trước khi tặng, điều này khiến chúng tôi vô cùng phấn khích", một tiểu thương cho biết.
Tính năng tặng quà được thiết kế nhằm tối ưu sự tiện lợi cho người bán. Tính năng có thể tích hợp trơn tru vào hệ thống hiện có, với quy trình điều chỉnh đơn giản. Trên trang thống kê đơn hàng của người bán, sau khi người gửi thanh toán, trạng thái đơn vẫn được đánh dấu "đang chờ thanh toán" cho đến khi người nhận cung cấp địa chỉ giao hàng và chấp nhận món quà. Tại thời điểm này, trạng thái sẽ thay đổi thành "đang chờ giao hàng". Người bán chỉ nhận thông báo về khoản thanh toán và giao hàng sau khi người nhận cung cấp địa chỉ.
Cần lưu ý rằng đơn hàng quà tặng không cung cấp thông tin người mua. Vì vậy, nhà bán lẻ không thể đưa người dùng vào danh sách đen thông qua hệ thống tặng quà và bất kỳ người dùng nào bị đưa vào danh sách đen trước đó đều không thể gửi và nhận quà tặng. Đối với quy trình hậu mua hàng, quà tặng được quản lý tương tự như đơn hàng truyền thống. Bảo hiểm vận chuyển vẫn được áp dụng, người nhận chính là người thụ hưởng. Nếu yêu cầu trả lại hàng hoặc hoàn tiền, người nhận có quyền được bồi thường theo điều khoản của bảo hiểm vận chuyển.
Nhà bán lẻ có thể tắt tính năng tặng quà thông qua cài đặt nền tảng. Tuy nhiên, chính sách của WeChat yêu cầu người bán phải bật hoặc tắt tính năng ở cấp độ cửa hàng — tức là không thể loại trừ sản phẩm cụ thể khỏi danh mục quà tặng khi sản phẩm đó đủ điều kiện.
Ý NGHĨA ĐỐI VỚI WECHAT VÀ WEIXIN
Tặng quà là phần mở rộng của tính năng phong bao lì xì trên WeChat. Tương tự như cách phong bao lì xì khiến việc tặng tiền trở nên hấp dẫn và thường xuyên hơn, tính năng mới đơn giản hóa việc tặng sản phẩm trong khi vẫn duy trì tình cảm trân quý và sự chu đáo từ người gửi.
Chiến lược thương mại điện tử của WeChat từ trước đến nay phần lớn dựa vào giao dịch theo nhóm và đề xuất sản phẩm ngang hàng. Tính năng tặng quà góp phần thúc đẩy động lực này thông qua việc nhúng chức năng sâu hơn vào nền tảng, cho phép người dùng khai thác sức mạnh của mối quan hệ xã hội theo nhiều cách mới. Điều này đặc biệt quan trọng trong nỗ lực của Tencent nhằm tạo sự khác biệt cho hệ sinh thái thương mại điện tử WeChat so với một số đối thủ cạnh tranh ưu tiên giá cả và sự đa dạng, chẳng hạn như Pinduoduo.
Vào tháng 8/2024, Tencent đã mở rộng tính năng cửa hàng WeChat, cho phép nhà bán lẻ chia sẻ thông tin sản phẩm một cách liền mạch trên nhiều điểm tiếp xúc trong ứng dụng, chẳng hạn như tài khoản công khai, phát trực tiếp, minigame hay kết quả tìm kiếm. Việc giới thiệu tính năng tặng quà càng nhấn mạnh chiến lược của Tencent nhằm thiết lập hệ sinh thái thương mại điện tử gắn kết và tích hợp trong WeChat.
Tiềm năng lan truyền của tính năng này có thể thúc đẩy sự tham gia đáng kể của người dùng, từ đó giới thiệu khách hàng mới đến WeChat. Ví dụ, người dùng lần đầu khám phá các thương hiệu hoặc sản phẩm thông qua liên kết quà tặng do bạn bè gửi, dần dần có thể mua hàng trên nền tảng. Chiến lược khai thác hiệu ứng mạng lưới vốn đã mang tới nhiều thành công của WeChat trong một số lĩnh vực trước đó.
Theo báo cáo thu nhập Quý 3/2024 của Tencent, Giám đốc Chiến lược James Mitchell đã phác thảo kế hoạch cải thiện chức năng tìm kiếm trong mục “Channels and mini programs”. Cải tiến nhằm mục đích tối ưu hóa luồng nội dung và tạo ra nhiều điểm chạm thương mại hơn, cho phép người dùng khám phá sản phẩm dễ dàng. "Chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng trải nghiệm mua sắm thống nhất và đáng tin cậy trong hệ sinh thái", Chủ tịch Tencent Martin Lau tuyên bố.
Công ty cũng có kế hoạch tích hợp trí tuệ nhân tạo và mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nhằm cải thiện tính liên quan của kết quả tìm kiếm. Rút kinh nghiệm từ nhiều nền tảng thương mại trực tiếp, tìm kiếm theo từ khóa thường dẫn đến tỷ lệ chuyển đổi cao hơn, biến đây trở thành lĩnh vực trọng tâm chiến lược của Tencent.