March 13, 2022 | 17:31 GMT+7

WHO cân nhắc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu Covid-19

Tuấn Dũng -

Các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch Covid-19...

WHO cân nhắc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu Covid-19 - Ảnh: sưu tầm
WHO cân nhắc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu Covid-19 - Ảnh: sưu tầm

Đây được coi là cột mốc quan trọng sau hơn hai năm đại dịch này bùng phát và hoành hành trên thế giới.

Quyết định quan trọng này - nếu được đưa ra - không chỉ là một dấu mốc mang ý nghĩa lớn, mà chắc chắn sẽ tác động đến nhiều chính sách y tế cộng đồng.

WHO cũng thừa nhận rằng "ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa đạt đến mức đó”. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 để quay trở lại hoạt động xã hội bình thường như nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch...

Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia ghi nhận con số kỷ lục về ca lây nhiễm. WHO cho biết trong tuần qua thế giới đã có thêm 10 triệu ca mắc Covid-19 và 52.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Do đó, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng ngay cả khi các trường hợp mắc Covid-19 giảm xuống mức thấp hơn, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra hàng nghìn ca tử vong mỗi năm, không giống như những căn bệnh khác như sốt rét và lao. Ngoài ra, vẫn không thể dự đoán được liệu có xuất hiện thêm những biến thể mới, nguy hiểm hơn hay không.

Ngày 30/1/2020, WHO tuyên bố Covid-19, lúc đó được gọi là dịch viêm phổi từ virus corona chủng nCoV, là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng, hay còn gọi là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC). Đây là lần thứ 5 trong lịch sử y tế thế giới, WHO công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Đại dịch được xác định khi căn bệnh lây lan rộng và mạnh, với nguy cơ số ca mắc gia tăng ở một khu vực rộng lớn. Trong khi đó, virus gây bệnh đặc hữu lại tồn tại lâu dài và mang tính lây lan có thể dự đoán được. Đặc điểm có thể dự đoán được này tạo điều kiện để các bác sĩ và hệ thống chăm sóc sức khỏe chuẩn bị và thích nghi, giảm thiểu trường hợp tử vong.

Trước đó, WHO luôn rất cẩn trọng khi tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu và các dịch bệnh bùng phát. Theo cơ quan này, quyết định về việc tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu về COVID-19 sẽ do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra, sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các chuyên gia.

 

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 383.651 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 168.719 ca; tiếp theo là Đức (145.267 ca).

Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 630 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil 333 ca và Hàn Quốc với 269 ca.

 Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.161.804 người, trong đó có 993.220 ca tử vong.

Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.987.875 ca nhiễm, bao gồm 515.833 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.350.134 ca bệnh và 654.945 ca tử vong.

 Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 164,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 125 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ ghi nhận trên 95,67 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,2 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,62 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,16 triệu ca nhiễm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate