Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 đã phê duyệt vaccine Covid-19 thứ hai của Trung Quốc để sử dụng cho trường hợp khẩn cấp. Đây là vaccine có tên CoronaVac do hãng dược sinh học Sinovac Biotech nghiên cứu và thử nghiệm.
Trước đó, vaccine Covid-19 của công ty Trung Quốc Sinopharm cũng đã được WHO phê duyệt. Ngoài 2 vaccine Trung Quốc, đến nay, WHO đã phê duyệt 5 vaccine do các nước phương Tây phát triển.
Theo các nhà phân tích, động thái mới nhất của WHO có thể thúc đẩy việc sử dụng vaccine của Sinovac trên toàn cầu trong bối cảnh còn nhiều quan ngại về các dữ liệu thử nghiệm.
Hội đồng chuyên gia độc lập tại WHO khuyến nghị sử dụng vaccine của Sinovac cho người trưởng thành trên 18 tuổi, tiêm hai mũi cách nhau 2-4 tuần. Không có độ tuổi giới hạn tối đa cho vaccine này bởi dữ liệu cho thấy vaccine có hiệu quả phòng ngừa với người cao tuổi.
Theo thông tin trên website của WHO, tính tới ngày 22/4, khoảng hơn 270 triệu liều vaccine của Sinovac đã được tiêm trên thế giới, trong đó 60% tập trung tại 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vaccine này cho hiệu quả phòng ngừa từ 50,65% - 83,5% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Cũng giống như vaccine của Sinopharm, vaccine của Sinovac sử dụng virus bất hoạt để tạo miễn dịch. Đây là công nghệ đã được chứng minh và sản xuất vaccine chống virus cúm, bại liệt. Cả hai vaccine này đều có thể được sản xuất ở quy mô vừa phải và cần tiêm hai mũi để đạt hiệu quả phòng ngừa đầy đủ.
Indonesia, một trong những quốc gia đầu tiên đặt mua vaccine của Sinovac và đã bắt đầu sản xuất trong nước, mới đây công bố một nghiên cứu với gần 130.000 người, trong đó cho thấy vaccine này mang lại hiệu quả 94%. Còn tại Serrana, thành phố khoảng 45.000 dân của Brazil, số ca tử vong vì Covid-19 đã giảm 70% sau khi gần 98% người trưởng thành tại đây được tiêm vaccine CoronaVac.
Trước khi phê duyệt CoronaVac, WHO từng bày tỏ quan ngại về chất lượng của những dữ liệu thử nghiệm do Sinovac Biotech nộp lên, liên quan tới những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với người trên 60 tuổi. Tuy nhiên, những quan ngại này có vẻ đã không còn khi WHO đưa ra quyết định phê duyệt ngày 1/6. Việc này có thể mở đường để vaccine của Sinovac được đưa vào sáng kiến Tiếp cận toàn cầu với vaccine Covid-19 (COVAX).
Trung Quốc đã cam kết đóng góp 10 triệu liều vaccine Covid-19 cho COVAX trong bối cảnh cơ chế này đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung do Ấn Độ - nhà cung cấp vaccine lớn nhất - đang hạn chế lượng vaccine xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự báo nhu cầu với vaccine Trung Quốc sẽ không tăng tại các nước phát triển dù được WHO phê duyệt.
"Các vaccine của Trung Quốc thiếu dữ liệu thử nghiệm cụ thể tại các nước phát triển và điều này sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ tại những nước này”, Prashant Khadayate, nhà phân tích dược tại hãng GlobalData, có trụ sở tại Anh, nhận định.