May 11, 2022 | 16:01 GMT+7

Wooden furniture grappling with lack of materials

Chu Khôi -

Aspects of Vietnam’s agricultural sector had a difficult April. While farming and fisheries continue to maintain high growth rates and the rice industry holds many advantages, wooden furniture processing and exports faces difficulties in terms of raw materials. The Ministry of Agriculture and Rural Development (MARD) will further promote international cooperation during May and develop markets for the agricultural sector to develop sustainably.

Photo: Illustration
Photo: Illustration

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước trong tháng 4/2022 ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước ước đạt 67,2 nghìn ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng gỗ khai thác trong 4 tháng đầu năm đạt 4,7 triệu m3, tăng 4,4%.

GIÁ CÁ TRA TĂNG CAO, XUẤT KHẨU GẠO THUẬN LỢI

Đối với ngành thủy sản, tổng sản lượng thu hoạch trong tháng 4/2022 ước đạt 736,4 nghìn tấn; tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 4/2022 ước đạt 125,4 nghìn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 468 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2021. Trong tháng 4/2022, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 30% so với đầu năm 2022.

 

"Giá cá tra xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh, hiện ở mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg. Nhờ giá tăng cao mà trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 894 triệu USD, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm 2021".

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP).

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP),  giá cá tra xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh.

Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc đang dao động từ 2,4 - 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg); giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU hiện dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg.

Đặc biệt, giá cá tra phile xuất khẩu vào Mỹ đã lên tới 4,5 USD/kg, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. VASEP dự báo, giá cá tra còn tăng trong thời gian tới do việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý 2/2022.

Đối với mặt hàng gạo, trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 1,5 triệu tấn, tương đương kim ngạch trên 730,76 triệu USD, tăng 26% về khối lượng, tăng 12,7% về kim ngạch.

Dữ liệu vận tải sơ bộ cho thấy, có hơn 300 nghìn tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4/2022, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2022 lên hơn 1,8 triệu tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, xuất khẩu gạo dự kiến của Việt Nam sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu lớn hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP XUẤT SIÊU GẦN 4 TỶ USD

Theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, trong 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6%. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19,0%,

Xuất khẩu vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp đạt khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%; trong đó, mặt hàng phân bón có giá trị xuất khẩu cao nhất, khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 4 tháng qua, ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ). Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

 

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm của Việt Nam tới khu vực châu Á chiếm 41% thị phần; châu Mỹ chiếm 29,7%; châu Âu chiếm 12,8%; châu Phi chiếm 1,8% và châu Đại Dương chiếm 1,7%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt gần 4,9 tỷ USD (chiếm 27,3% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc với trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ở vị trí thứ ba là thị trường Nhật Bản, với giá trị kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 7,1%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,0% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này).

Giữ vị trí thứ tư là thị trường Hàn Quốc, với 822 triệu USD (chiếm 4,6%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất, chiếm 43,9% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Hàn Quốc.

Như vậy, sau 4 tháng đầu năm 2022, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu gần 4 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

 

Cấp thiết phát triển nguồn gỗ nguyên liệu trong nước

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

"Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn. Đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho cước vận chuyển tăng phi mã, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Con số thống kê gỗ nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Bên cạnh đó, thời gian nhập khẩu kéo dài dẫn đến các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, phải chậm các hoạt động sản xuất. Các yếu tố này đang trực tiếp làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành.

Vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ lớn, có chất lượng, đa dạng về chủng loại loài và bền vững. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến đầu tư vào các vùng nguyên liệu rừng trồng. Đồng thời, cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu".

 

 

Tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

"Trong tháng 4/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung đàm phán, hoàn thiện các thủ tục (đánh giá rủi ro, kiểm tra...) để thúc đẩy xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang Newzealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng bưởi, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng đang tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đến thời điểm này, đã có 2.033 mã sản phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp cho Việt Nam.

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế và phát triển thị trường đề ra cho tháng 5 là tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc. Chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Chuẩn bị nội dung làm việc song phương với Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản".

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate