August 26, 2024 | 16:18 GMT+7

World Bank dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,1% trong năm 2024

Thu Minh -

Nền kinh tế Việt Nam được World Bank dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, và tăng tốc lên đến 6,5% trong các năm 2025–2026...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự báo trên của World Bank dựa trên giả định tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến chững lại trong nửa cuối năm 2024, sau khi phục hồi 16,9% (so cùng kỳ) trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu trên toàn cầu dự kiến chững lại năm 2024, nhất là tại Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng nhẹ trong các năm 2025-2026 khi triển vọng thương mại toàn cầu và sức cầu bên ngoài ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc cải thiện.

Thị trường bất động sản cho thấy dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024. Trong điều kiện xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và bất động sản có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu trong nước sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện, với tăng trưởng theo giá so sánh của tổng đầu tư và tổng tiêu dùng của tư nhân dự kiến đạt lần lượt 5,8% và 5,6% trong năm 2024.

Lạm phát theo chỉ số giá (CPI inflation) của Việt Nam năm 2024 dự kiến tiếp tục tăng, lên đến 4,5% từ mức 3,2% năm trước, do giá lương thực thực phẩm tiếp tục tăng cao.

Dự báo trên phản ánh giá thực phẩm tăng vọt gần đây, đóng góp nhiều nhất cho lạm phát mới phát sinh trong nửa đầu năm 2024, và còn tăng hơn nữa khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên toàn quốc cho dù đã có các biện pháp tăng cường phòng chống dịch.15 Mặc dù xung đột ở U-crai-na và Trung Đông đang tiếp diễn, lạm phát giá dầu và thương phẩm thô được dự báo tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2024.

Trong trung hạn, lạm phát được dự báo sẽ quay lại mức bình quân trong lịch sử ở mức khoảng 3,5% trong năm tiếp theo.

Tài khoản vãng lai được dự báo vẫn thặng dư trong năm 2024, chủ yếu nhờ cán cân thương mại hàng hóa. Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo đạt thặng dư nhỏ trong các năm 2025–2026, nhờ xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng, cùng với đóng góp của dịch vụ vận tải và du lịch.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến vẫn ổn định trong ngắn và trung hạn, do các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến Việt Nam.

Chính phủ dự kiến quay lại củng cố cân đối ngân sách khi nền kinh tế quay lại lộ trình tăng trưởng cao hơn. Bội chi ngân sách dự kiến sẽ giảm còn 0,8% GDP trong năm 2024, tiếp tục giảm còn 0,5% và 0,1% GDP lần lượt trong năm 2025 và 2026, trong quá trình quay lại củng cố cân đối ngân sách trên cả chi tiêu và nguồn thu từ thuế trong năm 2024.

Trong hai năm tới, chi thường xuyên tiếp tục được cân đối trên cơ sở kế hoạch tài chính 5 năm đang triển khai. Số thu nội địa được cải thiện cũng dự kiến sẽ hỗ trợ củng cố cân đối nhờ cơ sở tính thuế được mở rộng, đồng thời, các luật thuế lớn được sửa đổi cũng như cải thiện về quản lý thuế sẽ giúp tăng số thu.

Theo World Bank, triển vọng trên vẫn có những rủi ro theo hướng tiêu cực cả từ bên ngoài và trong nước. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở với kinh tế toàn cầu, yếu tố bất định chính phát sinh do tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến, đặc biệt ở các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc.

Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, sản xuất công nghiệp mà Việt Nam có mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Căng thẳng địa chính trị leo thang có thể ảnh hưởng thêm đến xuất khẩu.

Nhìn vào trong nước, trường hợp tình hình ổn định kinh tế vĩ mô yếu đi, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư.

Thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, gây ảnh hưởng bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân, là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Nếu chất lượng tài sản trong khu vực tài chính tiếp tục yếu đi, năng lực cho vay của ngân hàng có thể bị suy giảm.

Là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, thiên tai gia tăng về cường độ có thể làm tăng rủi ro gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thiếu hụt nguồn cung năng lượng có thể làm giảm tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, do Việt Nam vẫn có nguy cơ với những đợt nắng nóng, ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện ở miền bắc Việt Nam, mặc dù đường dây truyền tải 500 kV dọc đất nước dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 có thể làm giảm rủi ro này.

Triển vọng trên cũng có thể được hưởng lợi từ những diễn biến tích cực hơn. Tăng trưởng cao hơn dự kiến của kinh tế toàn cầu có thể thúc đẩy phục hồi bền vững cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.

Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn tại các nền kinh tế phát triển lớn đã được bắt đầu tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh Quốc, kết hợp với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang có tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9, có thể tiếp tục thúc đẩy tổng cầu ở các nền kinh tế phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này cũng có thể góp phần làm giảm chi phí huy động tài chính trên toàn cầu và thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND/US$, từ đó đem lại tác động tích cực lan tỏa cho ngành ngân hàng và khu vực tài chính ở Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate