May 09, 2024 | 14:50 GMT+7

World Bank: Giáo dục đại học của Việt Nam “chưa thực chất” chuẩn bị cho nguồn nhân lực công nghệ cao

Hoàng Hà -

80% các tổ chức đào tạo cho rằng sinh viên tốt nghiệp đã được chuẩn bị đầy đủ cho các vị trí công việc, nhưng chưa đến 40% đơn vị sử dụng lao động nói sinh viên mới tốt nghiệp đã sẵn sàng, nhất là cho các vị trí công nghệ cao …

Theo World Bank, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam
Theo World Bank, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam

Theo World Bank, Việt Nam cần nâng cao năng suất của khu vực tư nhân trong nước nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần không còn nữa. Trong chiến lược này, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể đóng vai trò động lực tăng trưởng năng suất cho khu vực tư nhân ở Việt Nam. 

Đóng góp của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được minh chứng trong các nghiên cứu kinh tế, đặc biệt liên quan đến tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và năng suất. Báo cáo tháng 4/2024 của World Bank về chủ đề đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, mặc dù Việt Nam đã hình thành được các doanh nghiệp mới, tăng trưởng cao, nhưng năng suất của các doanh nghiệp trong nước còn thấp, và điều đó có thể ảnh hưởng đến mong mỏi trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. 

DOANH NGHIỆP KHÓ KHĂN TÌM KIẾM LAO ĐỘNG CÓ KỸ NĂNG PHÙ HỢP CHO ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc biệt có ý nghĩa với các quốc gia thu nhập trung bình như Việt Nam, vì tăng trưởng năng suất trong tương lai của các nước này chắc chắn ngày càng dựa trên đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ.

Để các doanh nhân phát triển hưng thịnh, họ cần có môi trường thuận lợi để hoạt động dưới hình thức “hệ sinh thái khởi nghiệp”. Nói cách khác, đó là một loạt các yếu tố thể chế, chính sách và thị trường nhằm nuôi dưỡng và tạo thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp.

Bàn về vấn đề nguồn nhân lực cũng như hệ thống giáo dục, đào tạo để phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, các chuyên gia của World Bank cho biết mặc dù đã có những tiến triển về khả năng tiếp cận giáo dục, nhưng các trường đại học và cơ sở đào tạo Việt Nam chưa thực chất chuẩn bị để người lao động tương lai tham gia các vị trí việc làm ở những lĩnh vực công nghệ cao. 

Qua bằng chứng phân tích gần đây của Ngân hàng Thế giới, 80% các tổ chức đào tạo tham gia khảo sát cho rằng sinh viên tốt nghiệp của họ đã được chuẩn bị đầy đủ cho các vị trí công việc ban đầu, nhưng chưa đến 40% đơn vị sử dụng lao động tham gia khảo sát cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp đã sẵn sàng, nhất là cho các vị trí việc là đòi hỏi kỹ năng cao. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2021 xếp Việt Nam đứng thứ 127 trên 140 quốc gia về kỹ năng phù hợp với ngành nghề của người tốt nghiệp đại học. Các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn của Ngân hàng Thế giới cho rằng các trường đại học đã làm tốt việc tạo ra những tài năng về lập trình và kỹ thuật, nhưng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng chưa có đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm các vị trí việc làm trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như công nghệ sinh học, công nghệ nano, và trí tuệ nhân tạo. 

Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp, cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có những kỹ năng nền phù hợp cho đổi mới sáng tạo. Qua khảo sát doanh nghiệp phục vụ đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2021, 27% người trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ quản lý và kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực CNTT&TT.

Trong số 200 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khảo sát về đổi mới sáng tạo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, có 44% cho biết họ rất vất vả mới có thể tuyển dụng nhân sự có kỹ năng và trình độ phù hợp. Sinh viên kỹ thuật và khoa học máy tính thường được tuyển dụng trước khi nhận bằng do cạnh tranh ngày càng cao. 

Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra nhu cầu đầu tư vào giáo dục và đào tạo, tập trung vào các ngành nghề tăng trưởng cao và những kỹ năng có nhu cầu, bao gồm cải thiện về dịch vụ định hướng nghề nghiệp nhằm giảm sự lệch pha giữa mong muốn của người lao động và yêu cầu của các ngành nghề tăng trưởng cao, nhất là đối với người lao động có kỹ năng trung bình.

Ngoài ra một nhu cầu nữa là tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cập nhật và thân thiện với người dùng về thị trường lao động bên cạnh những can thiệp nhằm định hướng người lao động sang những lĩnh vực ngành nghề đang tăng trưởng. 

KHÔNG ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ GIÁO DỤC, NHÂN LỰC SẼ TIẾP TỤC LÀ THÁCH THỨC VỚI CÁC STARTUP 

Không chỉ những nhân sự bậc trung, nhân sự có kỹ năng quản lý cũng đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Qua một khảo sát doanh nghiệp năm 2015 của Ngân hàng Thế giới, 37% các doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kỹ năng quản lý và lãnh đạo.

Nếu không đẩy mạnh đầu tư giáo dục, nguồn cung lao động kỹ thuật có kỹ năng vẫn sẽ là thách thức  với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa
Nếu không đẩy mạnh đầu tư giáo dục, nguồn cung lao động kỹ thuật có kỹ năng vẫn sẽ là thách thức  với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa

Tình trạng khan hiếm lao động có các kỹ năng quản lý sản phẩm, phát triển kinh doanh và marketing, đặc biệt là lao động ở các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, như tổng giám đốc điều hành, tổng giám đốc hoạt động, tổng giám đốc tài chính và tổng giám đốc công nghệ. 

Mặc dù các vị trí lãnh đạo như vậy khá phổ biến trong các ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đang tăng trưởng, nhưng chủ yếu do người nước ngoài chiếm lĩnh. Điều này làm hạn chế nguồn cung và khả năng di chuyển của nhân tài quản lý trong nước đối với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, vì đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp đã từng phát triển doanh nghiệp nhiều lần tại Việt Nam còn ít, số lượng nhân sự lãnh đạo có kỹ năng và kinh nghiệm mở rộng doanh nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh về lương và phúc lợi (chẳng hạn quyền mua cổ phiếu) để thu hút và giữ chân nhân sự lãnh đạo.

Do những hạn chế về nguồn lực, nhiều trường đại học hàng đầu về khoa học và kỹ thuật đang tập trung nâng cao chất lượng (bao gồm cải thiện chương trình học, tuyển dụng thêm bằng cấp tiến sỹ, cải thiện về kiểm soát và chứng nhận chất lượng), thay vì tăng số lượng sinh viên.

Nếu không đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống giáo dục sau phổ thông nhằm tiếp tục cải thiện cả về số lượng và chất lượng sinh viên tốt nghiệp, bao gồm tiếp tục tăng tỷ lệ nhập học đại học, nguồn cung lao động kỹ thuật có kỹ năng có thể vẫn sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.  

Doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò còn quan trọng hơn ở các quốc gia thu nhập trung bình, như Việt Nam, nơi tăng trưởng ngày càng dựa vào đổi mới sáng tạo và hấp thụ công nghệ. Chính vì vậy, nhu cầu cấp thiết hiện là các nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có năng suất cao hơn và đổi mới sáng tạo gia nhập thị trường. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate