Trên thế giới, các xu hướng công nghệ trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đã có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, thay đổi cách thức doanh nghiệp vận hành, mang đến những mô hình kinh doanh, tăng trưởng mới.
Việt Nam đã tiếp cận thành công các cơ hội từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số để xác định rõ những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế nhằm trở thành một cường quốc số trong khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các dịch vụ 5G và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, với trọng tâm là nền kinh tế số sẽ chiếm 30% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2030.
CẢNH BÁO MỨC ĐỘ TIÊU THỤ ĐIỆN TĂNG CAO CỦA CÁC CÔNG NGHỆ MỚI NỔI
Theo Khảo sát của McKinsey, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã tăng tốc số hóa các hoạt động kinh doanh liên quan tới khách hàng, chuỗi cung ứng, hệ thống quản lý nội bộ nhanh hơn từ ba đến bốn năm. Thêm vào đó, tỷ trọng các sản phẩm số hoặc sản phẩm hỗ trợ bằng công nghệ số trong danh mục sản phẩm cũng có sự phát triển vượt bậc tương đương với chu kỳ hơn bảy năm.
Thậm chí khi đại dịch COVID-19 đã kết thúc, các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới vẫn tin rằng doanh nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để làm mới tổ chức, nắm bắt những cơ hội tăng trưởng mới, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và đạt được những kết quả kinh doanh tốt hơn.
Bên cạnh xu hướng công nghệ số, rủi ro về môi trường cũng là một xu thế yêu cầu sự thay đổi, chuyển dịch trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như của các nền kinh tế.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy các vấn đề liên quan đến môi trường tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, nếu xét về khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu là một rủi ro lớn tác động đến các quốc gia, các nền kinh tế.
Chính vì thế, những mục tiêu phát triển bền vững đang đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp đều coi việc chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đưa doanh nghiệp tiến lên.
Thực tế cho thấy chuyển đổi số cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực với môi trường. Hiện nay, ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông chiếm 6-10% tổng lượng điện năng tiêu thụ toàn thế giới, thải ra 3.7% tổng lượng khí thải nhà kính, tương đương với tổng lượng khí thải từ giao thông hàng không trên toàn cầu.
Mối lo này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi số liệu này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính đóng góp 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2040 (Ngân hàng Thế giới, 2022). Tác động này có thể trở nên tồi tệ hơn khi các công nghệ mới nổi cũng góp phần làm tăng lượng khí thải.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu tăng 2,2% vào năm 2023. Nhu cầu này dự kiến sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong ba năm tới, tăng trung bình 3,4% hàng năm cho đến năm 2026. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ điện ở châu Á, đặc biệt là ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ và ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ tăng đáng kể do trí tuệ nhân tạo được áp dụng nhanh chóng.
KẾT HỢP CÁC MỤC TIÊU KỸ THUẬT SỐ VÀ CHÍNH SÁCH KHÍ HẬU
Tuy vậy, sự phát triển vượt bậc của công nghệ số cũng là cơ hội thúc đẩy sự chuyển đổi của các ngành có lượng khí thải cao theo hướng hiệu quả, tuần hoàn và bền vững hơn. Nếu các giải pháp công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp như năng lượng, vật liệu và giao thông, thì kỳ vọng sẽ giúp đóng góp đến 20% tổng lượng khí thải cần giảm trên toàn cầu vào năm 2050.
Ngoài ra, theo một phân tích của công ty Tư vấn Accenture kết hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 2022, nếu đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ số, lượng khí thải tại các ngành công nghiệp có thể tiếp tục giảm thêm từ 4% đến 10 %.
Ngoài việc xây dựng khả năng phục hồi kinh tế xã hội quốc gia, chuyển đổi số còn là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi xanh, với các cam kết về khí hậu toàn cầu. Theo UNDP, nhiều quốc gia đang tận dụng công nghệ số theo những cách đổi mới để tăng gấp đôi nỗ lực áp dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ đa dạng sinh học.
Tích hợp phát triển bền vững trong kỹ thuật số là trọng tâm để đảm bảo phục hồi xanh - thúc đẩy năng lực và truy cập kỹ thuật số toàn diện, thúc đẩy tính mở và dữ liệu mở, đồng thời thúc đẩy các đổi mới giúp tăng hiệu quả của công nghệ kỹ thuật số và giảm thiểu dấu chân môi trường của chúng.
Đơn cử như với trường hợp của GenAI. Hiện nay GenAI đang phát triển nhanh chóng, kéo theo nhu cầu xử lý dữ liệu, xây dựng trung tâm dữ liệu và cuối cùng là tiêu thụ lượng điện khổng lồ.
Đối với trường hợp này, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng cần lưu ý là trong khi nhu cầu về điện ngày càng tăng thì cũng cần có những nỗ lực để quản lý và tối ưu hóa nhu cầu này. Generative AI có thể cách mạng hóa việc quản lý lưới điện bằng cách dự đoán nhu cầu tăng cao, tối ưu hóa dòng năng lượng và tự động hóa việc cân bằng cung và cầu trong thời gian thực.
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cho rằng công nghệ kỹ thuật số rất quan trọng để thúc đẩy hành động về khí hậu, đặc biệt là trong việc giảm khí thải trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và vật liệu. Đổi mới công nghệ và giải pháp kỹ thuật số đóng vai trò then chốt trong việc đạt được các mục tiêu chuyển đổi xanh.
Khi các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, việc tạo ra những nền tảng số có khả năng chống chọi với khí hậu rất quan trọng để ngăn ngừa hậu quả kinh tế liên quan đến thời tiết. Các ngành công nghiệp cũng phải cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng nhiều năng lượng tái tạo đầu vào hơn cho các hoạt động kỹ thuật số.
Theo đó, World Bank cho rằng cần kết hợp các mục tiêu kỹ thuật số và khí hậu bằng cách tích hợp các cân nhắc về khí hậu vào các chính sách kỹ thuật số, giải quyết bền vững khoảng cách số.