Đà bán ròng của khối ngoại vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt trong những ngày vừa qua. Trong 5 phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến nay, nhóm này bán ròng 25.000 tỷ đồng tương đương với gần 1 tỷ USD, vượt cả giá trị bán ròng trong suốt cả năm 2023.
Top các cổ phiếu bị bán ròng trên 5.000 tỷ chỉ sau chưa đầy 5 tháng đầu năm, đó là VHM và FUEVFVND với lần lượt trên 8.200 tỷ và 5.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu khác cũng ghi nhận bán ròng mạnh gồm VNM 4.000 t, MSN gần 3.500 tỷ, VRE 1.800 tỷ đồng), FUESSVFL 1.700 tỷ đồng...
Trong khi đó, vẫn xuất hiện một số cổ phiếu được khối ngoại ưu tiên giải ngân không tiếc tay. Trong đó, cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất từ đầu năm bất ngờ gọi tên MWG với giá trị trên 3.000 tỷ; cổ phiếu HPG cũng được mua ròng hơn 1.000 tỷ, một số cổ phiếu khác cũng được khối ngoại mua ròng mạnh như MBB, SBT; KDH....
Xu hướng mua bán của khối ngoại về tổng thể không tác động đáng kể lên thị trường nhưng ở từng cổ phiếu riêng lẻ vẫn có sự ảnh hưởng nhất định. VnEconomy đã trao đổi nhanh với chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh xoay quanh động thái của nhóm này.
Bán ròng rát gần tỷ USD từ đầu năm nhưng vẫn mua mạnh một số cổ phiếu đầu ngành, ông nhận định thế nào về khẩu vị của khối ngoại thời gian gần đây?
Trong thời gian qua lượng bán ròng của khối ngoại chủ yếu tập trung nhiều ở các ETF nội cộng với một số cổ phiếu đặc biệt như VHM thông qua bán thỏa thuận. Đặc biệt bán ra chứng chỉ ETF nội nhưng lại chuyển sang mua cổ phiếu cơ bản như nhóm chứng khoán hay MWG, HPG của Hòa Phát.
Khẩu vị của họ tập trung vào cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng, vốn hóa lớn. Nếu như ngày xưa lựa chọn cổ phiếu đặt yếu tố cơ bản lên hàng đầu, không quan tâm đến thanh khoản nhưng những năm gần đây chuyển sang lựa chọn cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng, vốn hoá lớn và chú trọng rất nhiều thanh khoản.
Họ kỳ vọng vào đà tăng của từng cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hơn là ETF nội vì hiệu suất không tích cực lắm. Năm 2024, khối ngoại sẽ tiếp tục chọn những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng để vào tiền.
Như vậy không thiếu cơ hội cho khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam và VN-Index không hề rủi ro nhiều như động thái bán ồ ạt của khối ngoại?
Đúng vậy. Mọi người hay nói rằng khối ngoại bán ra tức là họ nhận ra rủi ro chứng khoán Việt Nam, khối ngoại như kim chỉ nam, câu chuyện đó ngày xưa thì đúng nhưng bây giờ không còn đúng nữa.
Khối ngoại hay các quỹ tổ chức có nhiều lựa chọn đầu tư, thay vì đầu tư vào Việt Nam thì họ đầu tư vào thị trường khác có hiệu suất tốt hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tương đối kém so với các thị trường khác như Mỹ châu Âu tăng trưởng kỷ lục, Đài Loan tăng tốt, Hồng Kông hay Shanghai Trung Quốc cũng tăng rất tốt trong nhịp vừa qua. Vốn ngoại đổ ròng vào thị trường đó trong khi các thị trường khác như Ấn Độ, Việt Nam hay Thái Lan tăng chậm lại, âm so với cùng kỳ thì bị rút ra.
Việc họ bán không đồng nghĩa nền kinh tế vĩ mô xấu đi, không phản ánh điều đó, chỉ đơn thuần là họ ưu tiên làm sao hiệu suất tăng trưởng hiệuq ủa so với thị trường chung.
Cây chuyện tỷ giá cũng là một yếu tố. Chúng ta sống trong môi trường chính sách tiền tệ ngược nhau, Fed thắt chặt trong khi Việt Nam nới lỏng, áp lực tỷ giá cao là vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài chưa thể quay lại mua ròng ngay lập tức.
Đó là hai nguyên nhân chính trong đó tăng trưởng chứng khoán kém là yếu tố tác động lớn nhất khiến họ e ngại quay lại. Tuy nhiên, sẽ đến lúc họ cơ cấu vào thị trường đang tăng và bắt đầu tăng, đến lúc có thể chúng ta hút dòng vốn quay lại Việt Nam.
Hiệu suất của thị trường hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước.
Khối ngoại bán không tác động đến tâm lý thị trường chung nhưng mua ở những cổ phiếu nhỏ lẻ thì hiệu ứng lên đám đông rất tích cực? Có thể nhìn vào chỉ báo này để mua cổ phiếu?
Đặc tính của khối ngoại là đẩy mạnh dòng tiền vào khi thị trường tăng cao. Với từng cổ phiếu cũng vậy, những cổ phiếu tăng nhiều trong giai đoạn vừa qua như HPG, SSI, MWG cũng được khối ngoại gom nhiều.
Khối ngoại đã có nhiều kinh nghiệm từ quá khứ. Chiêm nghiệm lại giai đoạn 2020 covid ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế nhưng chứng khoán vẫn đi lên, 2021 cũng vậy và vượt đỉnh. Hai năm đó khối ngoại bán ròng như bỏ chạy thị trường trong khi thị trường vẫn đi lên đều đều.
Họ rút kinh nghiệm sau nhiều lần tai nạn nghề nghiệp, họ chú ý lại chiến lược đầu tư, nếu như trước kia chú trọng vào đầu tư giá trị thì giờ quan tâm đến câu chuyện của tăng trưởng doanh nghiệp, thanh khoản. Họ nhìn vào tương lai doanh nghiệp có quay trở lại hồi phục không, cổ phiếu lên được không và xuống tiền.
Ông nhận định về dòng vốn ngoại khi nào chấm dứt bán và quay lại mua ròng?
Câu chuyện lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là thị trường. Nếu thị trường tăng thì họ chấm dứt bán và quay lại mua ròng.
Về trung và dài hạn, vẫn phụ thuộc vào câu chuyện tỷ giá, tỷ giá hạ nhiệt thì họ mới quay trở lại mua ròng mạnh mẽ hơn. Bằng không họ chỉ mua ròng ở một vài cổ phiếu, áp lực bán ròng thậm chí mạnh hơn. Tôi dự báo trong vòng 6 tháng cuối năm, trong trường hợp Fed chưa hạ lãi suất mà chúng ta nâng lãi suất cũng giúp hạ nhiệt tỷ giá.