Chiều 7/4, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Ban chỉ đạo, đồng chủ trì phiên họp.
HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ KHÔI PHỤC
Báo cáo tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Về số lượng, ước năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã; 125 liên hiệp hợp tác xã và 71.000 tổ hợp tác. So với năm 2021, số hợp tác xã tăng 7% (tăng 2036 hợp tác xã); số liên hiệp hợp tác xã tăng khoảng 17% (tăng 18 liên hiệp hợp tác xã).
Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của hợp tác xã đều tăng so với năm trước. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3.592 triệu đồng/1 hợp tác xã, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021.
Số lãi bình quân của 1 hợp tác xã là 366 triệu đồng/hợp tác xã/1 năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người (tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương 8% so với năm 2021).
Trên cơ sở này, Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu trong năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 73 nghìn tổ hợp tác với 1,1 triệu thành viên; 31 nghìn hợp tác xã với 6,7 triệu thành viên, 158 liên hiệp hợp tác xã với 870 hợp tác xã thành viên.
Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60%. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt trên 22,5%. Trên 2000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.
Đặc biệt, phấn đấu có khoảng 32% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung vào một số giải pháp như nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ...
Đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tiếp tục phát triển hợp tác xã gắn với vùng nguyên liệu vì đây là hướng đi tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động.
Về phía các chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là rất quan trọng, nhưng thực tế khu vực này là yếu nhất, do vậy phải có giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Theo ông, trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định cụ thể về động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển. Đơn cử như phải có cơ chế để hợp tác xã thu hút nhân tài (cơ chế làm việc, tiền lương).
Nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, khu vực kinh tế tập thể hiện vẫn đang gặp khó khăn về vốn, từ đó đề xuất có thêm những cơ chế, chính sách để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra là vấn đề chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của kinh tế tập thể.
TÌM GIẢI PHÁP PHÙ HỢP CHO KINH TẾ TẬP THỂ
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh kinh tế tập thể, hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển.
Nghị quyết số 20-NQ/TW khẳng định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong việc xây dựng thể chế phát triển kinh tế tập thể, khó nhất là vấn đề phân phối. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn, xác định rõ động lực thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số… Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; nguồn lực triển khai chính sách chưa thực sự hiệu quả…
Do vậy, trong năm 2023, theo Phó Thủ tướng, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo là rất lớn, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...