Theo thông tin công bố, khu vực lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Hiệp Hòa khoảng 20.599,65ha; với phía Bắc giáp huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; phía Đông giáp huyện Tân Yên và huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; phía Nam giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; phía Tây giáp thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội. Dân số dự kiến đến năm 2030 là 300.000 người; đến năm 2045 là 400.000 người.
Việc quy hoạch này nhằm cụ thể hóa những định hướng chiến lược phát triển của quốc gia, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi Bắc Bộ, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 219/QĐ-TTg.
Đồng thời, xây dựng Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại 4 vào năm 2025, trở thành thị xã vào năm 2030 theo hướng xanh, thông minh, có những bước đột phá để đưa nền kinh tế Hiệp Hòa phát triển bền vững; đến năm 2045 trở thành đô thị loại 3, mang đặc trưng nổi bật về sự gắn kết hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có hình ảnh đặc trưng hấp dẫn gắn với thương hiệu “xanh - sinh thái - bản sắc - bảo tồn môi trường cảnh quan”.
Về tính chất, Hiệp Hòa đã được xác định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, động lực phát triển kinh tế của khu vực phía Tây của tỉnh Bắc Giang; là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mới của vùng Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Giang; một trong những khu vực phát triển dịch vụ logistic của tỉnh Bắc Giang; vùng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, công nghệ cao và dịch vụ thương mại, du lịch; có vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Do vậy, để đạt mục tiêu đặt ra, những vấn đề trọng tâm cần nghiên cứu là: Xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị Hiệp Hòa trong tỉnh Bắc Giang, vùng Thủ đô Hà Nội; xác định rõ mục tiêu, tính chất, chức năng, động lực phát triển của đô thị;
Rà soát tổng thể nội dung Quy hoạch đô thị Hiệp Hòa đã được phê duyệt và tình hình triển khai thực hiện quy hoạch; xác định các nội dung chính cần kế thừa và điều chỉnh; xác định tồn tại, hạn chế, bất cập, làm cơ sở đề xuất giải pháp quy hoạch phù hợp.
Dự báo nhu cầu phát triển giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2045 phù hợp bối cảnh phát triển mới, gồm: dự báo quy mô dân số, chỉ tiêu đất đai, nhu cầu cung cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang…; đề xuất hướng tuyến và mặt cắt một số tuyến giao thông đối ngoại, đối nội phù hợp với yêu cầu phát triển đến năm 2045.
Xây dựng mô hình phát triển không gian đô thị theo nguyên tắc hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường; xác định khu vực nội thị, ngoại thị đáp ứng tỷ lệ đơn vị hành chính đô thị theo quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính…
Được biết, trong Kế hoạch số 51-KH/TU của Tỉnh ủy Bắc Giang về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 7 - 9%. Toàn tỉnh có 25 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (TP.Bắc Giang), 1 đô thị loại III (thị xã Việt Yên), 2 đô thị loại IV là thị xã (thị xã Hiệp Hòa, thị xã Chũ), 2 đô thị loại IV là thị trấn (thị trấn Vôi, thị trấn Đồi Ngô) và 19 thị trấn là đô thị loại V, trong đó, 9 thị trấn được thành lập mới trong giai đoạn 2026 - 2030.