Đo thực tế tại hiện trường sau tai nạn, xe tải BKS 29H-770.16 gây tai nạn có chiều dài 6,78m; rộng 2,31m và cao 1,85m. Trong khi đó, theo Giấy chứng nhận đăng kiểm, xe tải này mang nhãn hiệu CNHTC, sản xuất năm 2021 tại Trung Quốc, được phép chở 2 người (kể cả người lái), được chuyên chở 13,1 tấn; lòng thùng xe có kích chiều dài 6,5m x rộng 2,3m x cao 72cm.
Chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty TNHH thương mại và vận tải Văn Phú (địa chỉ: Đội 8, Viên Khê, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Phương tiện được cấp chứng nhận đăng để lưu thông lần gần nhất là ngày 28/9/2021 tại Trung tâm đăng kiểm số 29-23D và có thời hạn đến hết ngày 27/9/2023.
Do đó có thể thấy, tại thời điểm xảy ra tai nạn, tài xế Nguyễn Văn Doanh (SN 1993, trú tại xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đang chở đầy đất, vi phạm nghiêm trọng về quy định chở hàng vượt quá tải trọng cho phép.
Mức xử phạt với xe cơi nới thành thùng, chở quá tải
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, tại một số địa phương vẫn còn tái diễn tình trạng xe chở hàng quá tải, đặc biệt là tình trạng xe tải có thành thùng chở hàng tự đổ (bằng ben thủy lực), đã cơi nới thành thùng trái pháp luật để chờ hàng quá tải.
Cá biệt, có một số xe sơmi rơ-moóc gắn container giả và ben thủy lực, những xe này có thể chở từ 70 – 100 tấn hàng, hậu quả gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ và mất an toàn giao thông.
Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.
Nghị định cũng phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 - 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô đưa xe ô tô tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng ký với cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tham gia giao thông.
Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể như sau:
"- Tỉ lệ quá tải trên 10% đến 30% ( hoặc từ trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng) thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
- Tỉ lệ quá tải trên 30% đến 50% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
- Tỉ lệ quá tải trên 50% đến 100% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 28.000.000 đồng đến 32.000.000 đồng.
- Tỉ lệ quá tải trên 100% đến 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32.000.000 đồng đến 36.000.000 đồng.
- Tỉ lệ quá tải trên 150% thì cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng."
Lái xe gây tai nạn chết người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người lái xe gây tai nạn chết người do có các hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Tuy nhiên tùy theo mức độ của hành vi mà có các mức xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự khác nhau. Có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Hoặc phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 03 năm, bị phạt tù từ 03 tháng đến 15 năm.