Lịch sử đầy “thăng trầm”
Xe điện là loại phương tiện sử dụng động cơ điện để dẫn động thay vì động cơ đốt trong như xe chạy bằng xăng, dầu. Động cơ điện giúp chuyển hóa điện năng thành cơ năng, không thải ra các khí CO2 nên được đánh giá là phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Khi nhắc đến thuật ngữ “xe điện”phục vụ dân dụng, người ta thường nghĩ ngay tới các sản phẩm ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện xuất hiện vài thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và phát triển xe điện đã có một bề dày lâu hơn thế.
Năm 1859, nhà vật lý học Gaston Planté sáng chế ra pin sạc giúp tích trữ năng lượng trên xe, đặt một nền móng quan trọng cho công nghiệp xe điện. Nhưng phải đợi 21 năm sau, nhà phát minh Gustave Trouvé mới thành công gắn pin sạc vào xe ba bánh, tạo ra chiếc xe chạy điện đầu tiên trên thế giới.
Năm 1886, nhà khoa học Carl Friedirch Benz đã tạo ra và đăng ký bằng phát minh cho chiếc xe chạy bằng xăng đầu tiên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm đầu, xe chạy điện vẫn chiếm ưu thế về thị phần.
Năm 1912, thị trường xe điện bùng nổ và được nhiều hộ gia đình ưa chuộng sử dụng. Riêng tại Mỹ thời điểm đó đã có tới 33.842 chiếc xe điện được lưu hành.
Chỉ đến khi Ford sản xuất xe xăng giá rẻ khoảng những năm 1920 thì xe chạy xăng mới trở nên phổ biến hơn. Cũng trong giai đoạn này, xăng dầu cũng bớt đắt đỏ, trạm xăng mọc lên nhiều hơn và ngày càng tiện lợi cho người dùng. Xe điện dần ít được ưa chuộng và đến năm 1935 gần như biến mất khỏi thị trường, trở thành dĩ vãng của ngành công nghiệp ôtô.
Tuy nhiên, chỉ sau vài thập kỷ bùng nổ của xe chạy xăng, từ thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, các quốc gia bắt đầu phải đối mặt với hai vấn đề lớn mang tính toàn cầu.
Một là vấn đề năng lượng. Các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá không phải là vĩnh cửu và không thể tái tạo được. Khi tài nguyên bị cạn kiệt, các phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch cũng dần biến mất.
Hai là vấn đề môi trường. Thế giới đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là khí thải từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là ôtô chạy xăng.
Trong khi đó, ô tô điện là giải pháp tối ưu cho cả hai vấn đề nêu trên. Đó là lý do khiến nó ngày càng trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên toàn thế giới.
10 năm thay đổi ấn tượng của ngành xe điện thế giới
Trong bối cảnh nhiều quốc gia theo đuổi mục tiêu điện khí hoá, sử dụng năng lượng “xanh”, thị trường xe điện toàn cầu đang có cơ hội tìm lại “hào quang” của mình cách đây hơn 100 năm.
Vào năm 2011, doanh số ô tô điện chỉ vào khoảng 55.000 chiếc trên toàn thế giới. Đến năm 2021, con số này đã tăng hơn 100 lần, chạm mốc 7 triệu chiếc.
Cụ thể, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giai đoạn 2011-2015, doanh số xe điện toàn cầu tăng trung bình 89%. Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ, chiếm khoảng 1/3 doanh số toàn cầu.
Đặc biệt, kể từ khi Tesla ra mắt các mẫu xe Model S, Model X, Model 3 và Model Y dường như đã tạo một “cú hích” cho ngành xe điện thế giới. Người dùng ngày càng biết đến và ưa chuộng xe điện hơn, bất chấp những khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiếu hụt nguồn cung linh kiện.
Trong hai năm 2020-2021, thị trường xe điện toàn cầu bắt đầu “bùng nổ”. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về doanh số bán hàng, với hơn 300 mẫu xe điện. Là “công xưởng của thế giới” trong nhiều năm liền, Trung Quốc có sẵn hầu hết linh kiện cho xe điện, đặc biệt là pin với 4 nhà sản xuất pin nội địa. Do đó, không có gì bất ngờ khi giá xe ôtô điện tại Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với các thị trường khác.
Tại Na Uy, nếu như vào thời điểm năm 2015, xe điện chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, thì đến quý I/2022, tỷ lệ này đã tăng lên 82% (theo tờ New York Times, Electrek). Với đà tăng này, rất có thể Na Uy sẽ trở thành quốc gia đầu tiên hoàn thành mục tiêu điện khí hóa.
Tại Anh, số liệu 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, mặc dù doanh số ô tô có sụt giảm (11,9%) nhưng nguyên nhân lại xuất phát từ sự sụt giảm của xe xăng. Ngược lại, xe điện lại có bước phát triển mạnh mẽ với doanh số tăng 43,1% so với cùng kỳ.
Chính sách - hành lang mở lối cho xe điện “cất cánh”
Phát triển xe điện là chính sách chung và là cam kết của nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) nhằm mục tiêu loại bỏ phương tiện chạy bằng năng lượng hóa thạch vào năm 2040, trong nỗ lực toàn cầu cắt giảm phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính.
Tháng 11/2021, chính phủ Mỹ đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là điện khí hoá 50% ô tô mới vào năm 2030. Trong kế hoạch đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2,65 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden, 174 tỷ USD sẽ được phân bổ để phát triển ngành công nghiệp xe điện của Mỹ và kêu gọi lắp đặt 500.000 cổng sạc để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tại châu Âu, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về lệnh cấm hoàn toàn đối với các phương tiện phát thải khí CO2 mới vào năm 2035. Ngay trong thập kỷ này, EC có kế hoạch cắt giảm hơn 50% lượng khí thải từ ôtô.
Chính phủ các quốc gia châu Âu cũng tiếp tục khuyến khích chuyển đổi sang xe điện bằng gói hỗ trợ 14 tỉ USD cho các chính sách ưu đãi khi mua trực tiếp và khấu trừ thuế. Ngày càng có nhiều quốc gia siết chặt chính sách về tiêu chuẩn khí thải và ra chỉ thị về phương tiện không phát thải (ZEV).
Những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời phía chính phủ sẽ là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới hưởng ứng, tham gia vào lộ trình điện khí hóa.