November 22, 2024 | 09:57 GMT+7

Xem video và dùng mạng xã hội là hai hoạt động thường xuyên nhất của trẻ trên Internet

Bảo Bình -

Trẻ em là người dùng, đồng thời cũng người tạo ra nội dung trên mạng Internet. Trẻ em có thể là người bị hại và cũng có thể là đối tượng gây hại...

Phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”
Phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”

Trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc, học tập, giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người thì những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư cũng đang gia tăng. Với trẻ em, những nguy cơ, rủi ro này càng trở nên rõ nét hơn khi các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện cũng như phòng tránh. 

Theo các chuyên gia tại phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” diễn ra sáng 21/11, đây là những thách thức không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bảo vệ trẻ em, tăng cường hợp tác kết nối trên không gian mạng để bảo vệ và trao quyền cho trẻ em cũng là những vấn đề được đặt ra trên toàn cầu.

Phiên hội thảo chuyên đề về bảo vệ trẻ em trên mạng nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (trực tiếp là Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng) phối hợp với Cục An Toàn thông tin, Bộ TT&TT đã tổ chức hội thảo.

MẠNG XÃ HỘI LÀ MỘT TRONG SỐ CÁC KÊNH ĐƯỢC KẺ XẤU SỬ DỤNG ĐỂ LỪA ĐẢO

Ông Đặng Vũ Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Nguyên trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, cho rằng Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. 

“Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông Đặng Vũ Sơn nói.

Chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), cho biết Việt Nam hiện có trên 78 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% dân số. Đặc biệt, có 92,7% tổng số người sử dụng Internet đang sử dụng mạng xã hội. 

Ths. Phan Thị Kim Liên: "Trên internet, trẻ em là người dùng, đồng thời cũng người tạo ra nội dung"
Ths. Phan Thị Kim Liên: "Trên internet, trẻ em là người dùng, đồng thời cũng người tạo ra nội dung"

Còn đối với trẻ em, Ths. Phan Thị Kim Liên, quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em, tổ chức World Vision International tại Việt Nam, cho biết có 89% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet, trong đó có 87% trẻ em sử dụng Internet hàng ngày. Về mục đích sử dụng Internet của trẻ em, hoạt động đầu tiên là video với 91% thời lượng sử dụng Internet, đứng thứ hai là mạng xã hội với 88%. 

Bà Phan Thị Kim Liên cho biết, trên internet, trẻ em là người dùng, đồng thời cũng người tạo ra nội dung. “Trẻ em có thể là người bị hại và cũng có thể là đối tượng gây hại. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các em nhận thức được những ảnh hưởng xấu trên mạng và có những hành động tự bảo vệ bản thân trên mạng”, bà Kim Liên nói.

Đáng chú ý, bà Đinh Thị Như Hoa cho biết mạng xã hội là một trong số các kênh được kẻ xấu sử dụng để lừa đảo. Ngoài ra còn có gọi điện qua mạng viễn thông, thư điện tử/tin nhắn SMS, tiếp xúc trực tiếp (gửi quà, gặp trực tiếp).

Đặc biệt, theo số liệu thống kê tại Báo cáo Tình trạng lừa đảo tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh chống Lừa đảo Toàn cầu (GASA) tổng hợp, trong số những nền tảng mạng xã hội, đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều nhất qua Facebook, sau đó là Gmail và Telegram.

KẾT NỐI VÀ HỢP TÁC LÀ CHÌA KHÓA GIẢI QUYẾT CÁC THÁCH THỨC TRÊN MẠNG INTERNET VỚI TRẺ EM

Theo bà Trần Vân Anh của tổ chức Cứu trợ trẻ em và Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), môi trường mạng là một môi trường có vai trò quan trọng nhưng tiềm tàng nhiều rủi ro đối với trẻ em. Ngày nay, sử dụng điện thoại và mạng xã hội là việc khó tránh hạn chế và kiểm soát nên nhà trường và cha mẹ cũng như các nhà quản lý cần có những giải pháp để “lọc”, “phòng ngừa” các vấn đề tiêu cực, hạn chế những rủi ro hoặc nguy cơ, và bảo vệ các em trong việc sử dụng mạng xã hội.

Để trẻ em an toàn trên không gian mạng, bà Kim Liên kiến nghị các đơn vị, tổ chức cần tăng cường phối hợp nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò, trách nhiệm của trẻ em khi để các em tương tác trên mạng xã hội; chung tay xây dựng văn hóa sử dụng mạng lành mạnh, thúc đẩy văn hóa, hình thành thói quen dùng mạng văn minh cho trẻ em. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thay đổi rất nhanh, những đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em cần nghiên cứu, trải nghiệm các hành vi, thói quen của trẻ để có những phát hiện sớm, kịp thời hỗ trợ khi các em gặp các vấn đề trên mạng.

 
Chúng tôi tin rằng, sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông Đặng Vũ Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.
 

Chúng tôi tin rằng, sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông Đặng Vũ Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.

Trong thời gian qua, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng đã đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp để thực hiện các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật như tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” để nâng cao nhận thức và kỹ năng của học sinh trên cả nước.

Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) đã được thành lập nhằm tập hợp và kết nối các nguồn lực. Ngoài ra, tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 về “Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” cũng được ban hành để hỗ trợ và định hướng nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ.

“Chúng tôi tin rằng, sự kết nối và hợp tác là chìa khóa để giải quyết các thách thức và mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông Đặng Vũ Sơn nói.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng cho biết tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa ban hành vào tháng 6/2024 là một mốc quan trọng góp phần thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng. Tiêu chuẩn này cũng góp phần đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để giúp người dùng, các bậc phụ huynh có thể yên tâm hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. 

“Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cũng như đông đảo người dùng cùng chung tay trong công tác bảo vệ con em mình trước những nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate