November 29, 2023 | 14:10 GMT+7

Xem xét tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào đầu năm 2024

Nhĩ Anh -

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về luật pháp cũng như phát triển kinh tế xã hội...

Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 29/11/2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả của kỳ họp.

Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung cho biết sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 29/11/2023), Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.

Đồng thời, việc này cũng bảo đảm các dự án luật bền vững, đặc biệt không xung đột, chồng chéo đối với các văn bản luật khác bởi trong quá trình thảo luận tại Quốc hội còn những ý kiến khác nhau, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách. Khi chính sách ban hành rồi nhưng chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng thì sau này sửa đổi luật rất khó”, ông Cường nói.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng thông tin, hiện tại đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về luật pháp cũng như phát triển kinh tế xã hội.

Trả lời báo chí về những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện tại hai dự án luật trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho hay đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tới thời điểm hiện nay, ngoài vấn đề đã thống nhất các phương án chỉnh sửa, vẫn còn tồn tại một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thực hiện rà soát thận trọng toàn thể dự thảo luật, dự thảo văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu bao gồm: Thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗ hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản....

Liên quan đến dự thảo dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà Yến cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần. Tại kỳ họp thứ 6 khi thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật đã xử lý thấu đáo nhiều vấn đề; chất lượng dự thảo luật được nâng lên từ sau kỳ họp thứ 5.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau và là 3 vấn đề hết sức quan trọng như: can thiệp sớm; kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng. Đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung và liên quan việc sử dụng các nguồn lực nhà nước.

Trước câu hỏi của báo chí về vấn đề định giá đất, tài chính đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, trong 6 vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có định giá đất.

Theo ông Trần Văn Lâm, đây là nội dung rất phức tạp, dự thảo đang đưa ra nhiều phương pháp, mỗi phương pháp chỉ phù hợp trong mỗi trường hợp nhất định, lựa chọn cuối cùng phải trên cơ  sở vừa giải quyết được vướng mắc hiện nay nhưng cũng phù hợp thực tiễn lâu dài.

 
Trước đó, phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate