May 16, 2024 | 09:00 GMT+7

Xét xử phúc thẩm đại án Việt Á: Nhiều bị cáo nộp thêm tiền khắc phục

Đỗ Mến -

Trong các ngày 15-17/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ đại án Việt Á do có đơn kháng cáo của các bị cáo, người liên quan, bị đơn dân sự…

Các bị cáo có đơn kháng cáo.
Các bị cáo có đơn kháng cáo.

Tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận các hành vi mà bản án sơ thẩm đã kết luận. Tuy nhiên, bị cáo xin tòa xem xét lại khoản thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, xem xét lại vấn đề định giá. Đồng thời xem xét bối cảnh phạm tội, bối cảnh dịch bệnh, “lúc đó cả nước cần Việt Á để chống dịch”.

Bào chữa cho bị cáo Việt, luật sư cho rằng Tòa cấp sơ thẩm chưa áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: tích cực hợp tác, chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ giúp làm sáng tỏ bản chất vụ án.

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Việt có tình tiết tăng nặng “lợi dụng tình hình dịch bệnh”. Luật sư đề nghị Tòa phúc thẩm xem lại tình tiết tăng nặng này. Trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Việt đã nộp thêm 200 triệu đồng khắc phục hậu quả vụ án.

Còn bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) thừa nhận bản án sơ thẩm mô tả hành vi của mình là đúng, thừa nhận kháng cáo xin giảm nhẹ và thừa nhận đã nhận số tiền 2,25 triệu USD từ Việt Á. Bị cáo Long nói mình đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận và nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Theo luật sư bào chữa cho ông Long, ngoài tình tiết nộp thêm 1 tỷ đồng, nộp 100 triệu tiền phạt bổ sung và tiền án phí, ông Long còn có 3 nhân thân là người có công với cách mạng, đó là anh trai và 2 chị gái của vợ ông Long.

Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) khai, sau khi làm đơn kháng cáo, bị cáo đã tác động gia đình, luật sư khắc phục hậu quả thêm 50 triệu đồng. Bị cáo Hiệp xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình, xem xét mức độ, hành vi vi phạm qui định về đấu thầu xảy ra tại Bắc Giang, Nghệ An và một số tỉnh thành khác.

Luật sư cho rằng tại Bắc Giang, ông Hiệp chỉ tham gia đấu thầu hợp đồng 1 tỷ đồng. Việc cung cấp kit xét nghiệm tại Bắc Giang, Công Việt Á và Công ty Phan Anh thực hiện. Toàn bộ hợp đồng ký kết giữa 2 doanh nghiệp trên như thế nào, chiết khấu ra sao, Hiệp không biết.

Tại Nghệ An, luật sư nói rằng bị cáo Hiệp thực hiện ký hợp đồng theo ủy quyền của Tổng giám đốc Phan Quốc Việt, Hiệp chưa bao giờ đến Nghệ An cũng như không gặp gỡ ai tại CDC Nghệ An.

Ngoài ra, bị cáo Hiệp còn tác động, nộp thêm 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Trước đó, cấp sơ thẩm không buộc bị cáo Hiệp phải khắc phục hậu quả. Do đó, luật sư và bị cáo Hiệp đề nghị tòa xem xét cho bị cáo.

Tham gia xét hỏi bị cáo Hiệp, đại diện VKS cho biết, VKS truy tố bị cáo với tư cách đồng phạm với Phan Quốc Việt, do đó, toàn bộ hành vi của Việt là hành vi của bị cáo. Theo lời kiểm sát viên, Hiệp được Việt chuyển cho 200 tỷ đồng để đi “cảm ơn” những người khác; tham gia điều hành công ty; làm báo giá cao hơn. Lúc này, bị cáo Hiệp nói “bị cáo đã rõ”.

Bị cáo Trần Thanh Phong, cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương nhận án sơ thẩm 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt.

Trước kháng cáo này, chủ tọa phiên tòa đã hỏi lại thì bị cáo Phong mong muốn xin được miễn trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT nhận án sơ thẩm 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Tuy nhiên, bị cáo đã chấp hành hình phạt được gần 29 tháng. Chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo “biết là nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại nhưng bị cáo đã chấp hành gần xong án phạt thì có giữ kháng cáo nữa không?”.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Trường Giang vẫn giữ nguyên kháng cáo. Bị cáo cũng cho biết bản thân còn bị truy tố ở vụ án Việt Á xảy ra ở Khánh Hòa.

Bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Việt bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu; 15 năm tù tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 29 năm tù.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ bị tuyên phạt 14 năm tù về tội nhận hối lộ, số tiền 350.000 USD (hơn 8 tỉ đồng). Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trình bày thêm các tình tiết mới.
Theo đó, bị cáo Hùng đã nộp thêm tiền để khắc phục hết hậu quả vụ án. Bị cáo cũng đã nộp 100 triệu đồng hình phạt bổ sung, nộp án phí sơ thẩm và nộp 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án.

 

Bản án sơ thẩm thể hiện, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Việt Á được Bộ KHCN phê duyệt tham gia, phối hợp với Học viện Quân y thực hiện đề tài nghiên cứu kit test.

Sau đó, bị cáo đề nghị Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Thanh Long... can thiệp, tác động, chỉ đạo để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test Covid-19.

Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán hơn 4,5 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỷ đồng.

Quá trình tiêu thụ test xét nghiệm, Việt chỉ đạo chi phần trăm ngoài hợp đồng; đưa hối lộ 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.

Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền Việt đưa hối lộ là 106 tỷ đồng; gây thiệt hại số tiền 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách nhà nước 402 tỷ đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate