Ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions, - đơn vị chuyên về lĩnh vực tư vấn và cung cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp tự động, đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo offline & online về chuyển đổi số với chủ đề “Xóa bỏ chuyển đổi số hình thức – Đột phá kinh doanh”, được tổ chức mới đây tại TP.HCM.
“NHẬN DIỆN” CHUYỂN ĐỔI SỐ HÌNH THỨC
Vấn đề “xóa bỏ chuyển đổi số hình thức” không phải là một chủ đề mới mẻ, nhưng lại chưa bao giờ hết cấp thiết. Bởi trên thực tế, có không ít tổ chức khi bắt đầu chuyển đổi số sẽ gặp ngay hiện tượng “chống đối ngầm” từ phía nhân sự của mình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia ngày 27/4/2022, đã đề cao mục tiêu phải liên tục đổi mới, phải “dấn thân thực sự vào công cuộc chuyển đổi số” ở từng cấp, ngành và địa phương. Phải quán triệt tính thiết thực trong công tác chuyển đổi số, tuyệt đối “không hình thức”, “không đánh trống ghi tên”, nhằm hướng tới cái đích cuối cùng: Người dân được hưởng lợi thực sự, đất nước thịnh vượng thực sự.
“Một tổ chức chuyển đổi số thành công là khi “nếu rút điện ra khỏi ổ cắm, các hoạt động sẽ bị ngưng trệ ngay lập tức. Điều này có nghĩa rằng, lúc đó hệ thống làm việc đã được số hóa một cách triệt để”.
Ông Huỳnh Thanh Minh, CEO Công ty ASOFT – 1BOSS.
Dẫn số liệu tại một thống kê sơ bộ gần đây, chuyên gia tư vấn Trần Bằng Việt, cho biết hiện ước tính có khoảng hơn 70% doanh nghiệp thất bại khi tham gia chuyển đổi số. Nổi cộm trong số các nguyên nhân dẫn đến thất bài, đó là: Sự lục đục nội bộ, thiếu tính thống nhất và đồng lòng; không thực sự hiểu rõ bản chất chuyển đổi số dẫn tới thiếu mục tiêu và kế hoạch; quá thiên về công nghệ mà “quên đi” yếu tố trung tâm của công cuộc chuyển đổi số, đó chính là con người. Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp “bất động” dù công nghệ đã thay đổi; và đặc biệt là sự lầm tưởng tai hại “chuyển đổi số chỉ là hình thức ứng dụng công nghệ vào công việc…
Cùng quan điểm với chuyên gia Trần Bằng Việt, ông Phí Anh Tuấn, CEO Công ty tư vấn P.A.T, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), cho rằng: Để thoát khỏi “bẫy” chuyển đổi số hình thức, các tổ chức/doanh nghiệp cần phải hiểu đúng về chuyển đổi số. Phải nhận diện đúng nhu cầu của chính mình và thay đổi nhận thức của chính mình. Hoạch định đúng và hợp lý các nguồn lực tham gia vào công tác chuyển đổi số.
“Lựa chọn đối tác đồng hành đáng tin cậy sẽ quyết định phần lớn đến thắng lợi chuyển đổi số. Tất nhiên kèm theo đó vẫn phải là sự tuân thủ trong triển khai và cải tiến”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nói cách khác, theo ông Việt, “chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ. Đó là tư duy lãnh đạo, là việc thay đổi tư duy quản trị doanh nghiệp. Nếu chuyển đổi số thành công thì dó là “thành quả” chung của cả tập thể tổ chức/doanh nghiệp; nhưng nếu nó thất bại, trách nhiệm trước tiên và lớn nhất thuộc về người lãnh đạo đơn vị đó!"
PHẢI BẮT ĐẦU TỪ NHU CẦU THỰC SỰ CỦA DOANH NGHIỆP
Chia sẻ từ trải nghiệm thực tiễn của chính đơn vị mình, bà Nhan Húc Quân, CEO Công ty New Toyo Việt Nam, người đã dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đổi số thành công từ con số 0, đúc kết: “Khi tham gia chuyển đổi số, chỉ cần lãnh đạo có chút mơ hồ về đích đến, họ có thể sẽ đánh mất cánh tay đắc lực của mình”. Và bà Quân khuyến cáo: “Hãy nhớ rằng “Begin with the end in mind” (tạm dịch “Bắt đầu với kết thúc trong tâm trí” – NV) khi muốn cùng tổ chức của mình dấn thân vào công cuộc chuyển đổi số!”
Bà Nhan Húc Quân chia sẻ ba trạng thái tâm lý gặp phải ở đội ngũ nhân viên thuộc quyền khi triển khai công cuộc chuyển đổi số cho đơn vị mình. Thứ nhất, đó là thái độ “khó chịu” của nhân viên: Sự kháng cự, bất hợp tác, chấp hành miễn cưỡng hoặc thậm chí buông xuôi. Thứ hai, sự “chấp nhận”: Nhận thức đúng và đủ bản chất vấn đề, sẵn lòng chấp hành, hợp tác và tuân thủ. Thứ ba, sự “trưởng thành”: Ý thức được vai trò và trách nhiệm đóng góp mang lại, nỗ lực phấn đấu, hy sinh và san sẻ.
Trên thực tế, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng cho “công cuộc” chuyển đổi số cho đơn vị mình. Nghĩa là, họ cũng muốn bắt tay vào chuyển đổi số, song thường theo xu hướng thời đại, sự rủ rê của đồng nghiệp, nhận thức vấn đề còn “nửa vời” hay chưa đầu tư kiến thức đầy đủ về chuyển đổi số.
“Thấy mọi người làm thì mình cũng làm theo”, ông Trần Bằng Việt nhìn nhận về những trải nghiệm thực tế trong quá trình tư vấn chuyển đổi số cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp của mình trong thời gian qua.
Chuyển đổi số hãy bắt đầu từ nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, tức là nhu cầu, một nhu cầu quản trị cụ thể, không phải là nhu cầu tác nghiệp, phục vụ cho thao tác tác nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phí Anh Tuấn, khi các giải pháp về chuyển đổi số được triển khai trong tổ chức/doanh nghiệp, để đạt được tính hiệu năng thì “trải nghiệm người dùng tốt” cũng là một yếu tố quan trọng, thể hiện giải pháp đã chọn là phù hợp.
Với tư cách là nhà tổ chức hội thảo, đồng thời là đơn vị có 20 năm kinh nghiệm tư vấn và cung cấp các giải pháp phần mềm cho hơn 3.000 doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp FDI, ông Huỳnh Thanh Minh, CEO Công ty ASOFT – 1BOSS chia sẻ để chuyển đổi số thành công và thành công một cách triệt để, bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng cần phải chuẩn bị rất nhiều và kỹ lưỡng ngay từ khi bắt đầu dấn thân vào con đường chuyển đổi số.
Cho dễ hiểu, ông Minh ví von: “Một tổ chức chuyển đổi số thành công là khi “nếu rút điện ra khỏi ổ cắm, các hoạt động sẽ bị ngưng trệ ngay lập tức”. Điều này có nghĩa rằng, lúc đó hệ thống làm việc đã được số hóa một cách triệt để”.