October 24, 2013 | 16:22 GMT+7

Xoa dịu làn sóng sa thải nhân sự ngân hàng?

Minh Đức

Hàng nghìn lao động trong lĩnh vực ngân hàng có cơ hội để bám trụ với chuyển động mới?

Sau những thay đổi nhân sự cao cấp, làn sóng điều chuyển, sa thải 
nhân viên đang diễn ra căng thẳng tại ngân hàng nọ, gắn với những bức 
xúc, bất an trong công việc thường ngày của nhiều người.
Sau những thay đổi nhân sự cao cấp, làn sóng điều chuyển, sa thải nhân viên đang diễn ra căng thẳng tại ngân hàng nọ, gắn với những bức xúc, bất an trong công việc thường ngày của nhiều người.
Sau hai năm dồn toa, làn sóng thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới của các ngân hàng thương mại đang trở lại, đi cùng là hàng nghìn việc làm được bố trí.

Những ngày này, làn sóng điều chuyển và sa thải nhân sự đang diễn ra căng thẳng ở một ngân hàng nọ. Mức độ theo phản ánh của người trong cuộc có thể lên tới 30% chỉ trong thời gian ngắn.

Đành “xin” tự nghỉ…

“Sóng thần” là từ mà một cán bộ ngân hàng trên dùng tới trong e-mail gửi về VnEconomy. Chị lo ngại cách hành xử của lãnh đạo đang gây tổn thương trong nội bộ ngân hàng, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh.

Theo phản ánh trên, VnEconomy đã tìm hiểu một số nhân viên, lãnh đạo đang làm việc tại ngân hàng và nhận được phản ánh sát với nội dung email trên.

Sau những thay đổi nhân sự cao cấp, làn sóng điều chuyển, sa thải nhân viên đang diễn ra căng thẳng tại ngân hàng nọ, gắn với những bức xúc, bất an trong công việc thường ngày của nhiều người.

Một cán bộ cấp phòng cho biết: “Cực lắm, có trường hợp chỉ còn vài năm nữa là đủ tuổi hưu, nhưng cũng bị ép hưu non; những trường hợp đã gắn bó 6 - 10 năm cũng bị ép viết đơn xin tự nghỉ. Những trường hợp may mắn có cơ hội bám trụ, được đẩy ra làm công tác bán hàng, nhưng vài ba tháng chắc cũng phải nghỉ vì bán tốt ngay đâu có dễ”.

Ép làm đơn xin tự nghỉ, bởi “tài sản” cuối cùng của người lao động tại ngân hàng là một bản lý lịch, hồ sơ có đánh giá tích cực hơn để có cơ hội tìm việc ở nơi khác. “Bạn thử nghĩ, mang một hồ sơ hay cái tiếng bị sa thải đi xin việc đâu có dễ. Cho nên đành phải tự “xin nghỉ” để vớt vát hồ sơ tốt, vì trước sau cũng bị cắt”, cán bộ ngân hàng trên giải thích.

Trong khi đó, một nhân viên khác cho rằng không tâm phục khẩu phục với hành xử của lãnh đạo hiện nay.

“Sa thải nhân viên là cách làm cuối cùng. Thông thường, ngân hàng khó khăn thì sẽ cắt giảm lương. Người lao động có thể thông cảm và chia sẻ. Nhưng đây không giảm lương, mà sa thải luôn, dùng luôn biện pháp cuối cùng. Ngược lại, một loạt lãnh đạo cao cấp lại được bổ nhiệm thêm và mở rộng, quỹ lương lãnh đạo và khối hỗ trợ cho nhóm này càng phình to khi nói ngân hàng đang khó khăn”, nhân viên trên nói.

Nhiều nhân viên ở ngân hàng đó đang làm việc với tâm lý phập phồng, lo lắng. Song đây không phải là trường hợp cá biệt.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 đã cho thấy mức độ cắt giảm nhân sự quy mô lớn tại nhiều ngân hàng thương mại. Đây cũng là điểm sẽ được chú ý trong kỳ báo cáo 9 tháng đầu năm sắp lần lượt công bố.

Cơ hội từ chuyển động mới?

Chỉ trong vòng một tháng gần đây, hoạt động ngân hàng nói chung có một điểm thay đổi rõ rệt: tốc độ mở rộng mạng lưới tăng đột biến.

Tính sơ bộ, sẽ có thêm hàng chục chi nhánh, cả trăm phòng giao dịch sẽ đồng loạt mở mới trong vòng 6 tháng nữa. Sau hai năm dồn toa, kế hoạch mở rộng mạng lưới của các ngân hàng chính thức được “cởi trói”.

Trước đó, đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã siết lại hoạt động mở rộng mạng lưới của các ngân hàng thương mại. Có những lý do bất thành văn được đề cập đến.

Một là, cuộc đua thành lập chi nhánh, phòng giao dịch quãng 2008 - 2010 là một tác nhân gây bất ổn hệ thống. Mỗi đơn vị kinh doanh ra đời đều gắn với áp lực chỉ tiêu, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh ngột ngạt thanh khoản và vượt trần lãi suất phức tạp…

Hai là, sau một thời gian cạnh tranh, mạng lưới ngân hàng phát triển cục bộ, dồn lại địa bàn Hà Nội và Tp.HCM; các điều kiện thành lập và mở mới cần được nâng cao và có tính định hướng, nhất là khi còn “bỏ ngỏ” việc mở phòng giao dịch (thực tế có trường hợp quy mô và tính chất của phòng giao dịch đã được ngân hàng đẩy lên gần với mức độ của một chi nhánh)…

Ba là, dù mức độ không lớn, song làn sóng mở chi nhánh, phòng giao dịch từng được xem là một hoạt động đầu tư có quy mô đáng kể, kích thích thêm vấn đề lạm phát vốn nhức nhối hơn hai năm trước… Hạn chế đầu tư ở đây cũng giống như quan điểm “đánh vào tổng cầu” để chống lạm phát từng được ưu tiên thời gian đó.

Đầu 2011, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu xây dựng dự thảo thông tư quản lý việc mở rộng chi nhánh của các ngân hàng thương mại. Trong thời gian sửa lại và chưa có khung pháp lý mới, việc xét duyệt cấp phép có lý do để trì hoãn. Điều này góp phần giải thích vì sao có sự dồn toa, và lượng giấy phép cho mở chi nhánh, phòng giao dịch “bùng nổ” trong một tháng trở lại đây, khi thông tư liên quan đã được ban hành và bắt đầu có hiệu lực.

Luật chơi đã có, vượt được rào thì qua. Như trên, hàng chục chi nhánh và hàng trăm phòng giao dịch sắp mở mới. Hàng nghìn việc làm theo đó được tạo mới hoặc tạo kênh điều chuyển nhân sự, có thể góp phần xoa dịu làn sóng cắt giảm nhân sự ngạch ngân hàng thời gian qua, dù căng thẳng vấn diễn ra cục bộ ở đâu đó…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate