Để thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VIII (PDP8), Chính phủ dự kiến cần đầu tư khoảng 135 tỷ USD vào ngành điện từ năm 2021 đến năm 2030, tương đương 33% GDP hiện tại của Việt Nam.
Trong tổng số 135 tỷ USD Chính phủ dự kiến đầu tư vào ngành điện trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 119,8 tỷ USD được phân bổ cho các dự án phát điện, tập trung vào phát triển nguồn điện gió và LNG. Thêm 14,9 tỷ USD được dành cho các khoản đầu tư vào lưới truyền tải điện.
Những con số đầu tư đáng kể này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng điện và mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Tại Báo cáo về Khả năng vay vốn của các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII, nhóm chuyên gia của FiinRatings và Indochine Counsel đánh giá có “khoảng trống tài chính” lớn để đạt được các mục tiêu tham vọng mà Chính phủ đã đề ra. Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính trong nước không đủ sức cung ứng vốn cho các dự án điện tái tạo vốn dĩ đòi hỏi nguồn vốn dài hạn rất lớn. Do đó, "khoảng trống tài chính" này sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến trái phiếu xanh.
Theo các chuyên gia, khoản đầu tư 135 tỷ USD trong 10 năm tới sẽ chuyển thành khoảng 13,5 tỷ USD giải ngân vốn dài hạn mới. Số tiền này là quá lớn đối với tăng trưởng tín dụng dài hạn hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Tính đến 30/6/ 2022, dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo là khoảng 212 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 9 tỷ USD), tương đương 2,2% GDP, trong khi kế hoạch đầu tư hàng năm có thể chuyển thành 3,3% GDP hiện tại trong 10 năm tới. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng là không đủ do những hạn chế nhất định.
Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước đều giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 14-15%. Hơn nữa, quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng khống chế hạn mức tín dụng tối đa cho 1 khách hàng hoặc 1 nhóm khách hàng. Việc giới hạn này nhằm kiểm soát rủi ro và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng nhưng nó có thể hạn chế khả năng cung ứng vốn quy mô lớn của các ngân hàng cho những dự án năng lượng tái tạo, thường đòi hỏi bơm vốn đáng kể.
Chưa kể, tuổi thọ của các dự án năng lượng thường kéo dài hơn 20 năm thời gian hoàn vốn, trong khi các ngân hàng chủ yếu huy động nguồn vốn ngắn hạn nên khó lòng đẩy mạnh cho vay dài hạn. Rủi ro chênh lệch kỳ hạn cũng là một trở ngại khi hệ thống ngân hàng cho vay các dự án năng lượng tái tạo.
Các nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo có thể cần trợ giúp để đảm bảo tài chính dài hạn với các điều khoản thuận lợi.
PDP8 kêu gọi xây dựng cơ chế tài chính để huy động vốn, bao gồm các khoản tín dụng xanh, các khoản vay khí hậu và trái phiếu từ các nguồn trong nước và quốc tế.
Để thu hút được nguồn lực tài chính từ các nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia khuyến nghị 2 vấn đề cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt.
Thứ nhất, PDP8 không đưa ra hướng dẫn cụ thể về cơ chế định giá cho các dự án sắp tới. Việc thiếu một cơ chế định giá minh bạch có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá khả năng tài chính của khoản đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, Chính phủ cần sớm ban hành một khung định giá minh bạch và toàn diện có tính đến chi phí và lợi nhuận tiềm năng của các dự án năng lượng tái tạo.
Thứ hai, uy tín tín dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nổi cộm trong thời gian gần đây. Không chỉ do vấn đề từ hợp đồng mua bán điện (PPA) mà còn do tình hình tài chính thua lỗ trong 2 năm qua của tập đoàn. Nhóm chuyên gia khuyến nghị Chính phủ và EVN sẽ sớm thực hiện cải cách, thực hiện các biện pháp tái cơ cấu và nâng cao năng lực quản trị. Việc EVN được xếp hạng tín nhiệm cao ở cả thang xếp hạng quốc tế và trong nước là yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng vay vốn cho các dự án điện và thu hút vốn nước ngoài vào ngành này.