Qualcomm Technologies, Inc. chính thức trở thành đối tác cho áo thi đấu mới của cả đội bóng đá nam và đội bóng đá nữ thuộc quyền quản lý bởi Manchester United, sau khi câu lạc bộ này ra mắt bộ áo thi đấu trên sân nhà mới dành cho mùa giải 2024/25. Thỏa thuận này, bao gồm việc thương hiệu Snapdragon xuất hiện trên áo thi đấu ở sân khách và áo thi đấu thay thế.
Mẫu áo thi đấu trên sân nhà mới nhất của Manchester United đã được Adidas công bố vào ngày hôm nay, chỉ vài tuần trước khi mẫu áo này được đội bóng nam hàng đầu sử dụng lần đầu tiên trong chuyến du đấu trước mùa giải mới ở Châu Âu và Mỹ.
Một thương hiệu nổi bật trên áo đấu, nghĩa là công ty ở San Diego chắc hẳn đã đầu tư khủng vào thương vụ này để tên tuổi của mình được biết đến rộng rãi hơn trên toàn cầu. Theo thông tin ban đầu, Qualcomm đã ký hợp đồng tài trợ trị giá 225 triệu USD (khoảng 5.673 tỷ đồng) trong 3 năm với Manchester United, tương đương với 75 triệu USD mỗi năm.
Không quá lời khi nói rằng, Qualcomm đã cứu nguy Manchester United trong thời điểm khó khăn nhất. Nhà tài trợ trước đó của Manchester United là công ty phần mềm Đức TeamViewer, hai bên bắt đầu hợp tác từ năm 2021, với số tiền tài trợ hàng năm chỉ 47 triệu Euro (tương đương 50.8 triệu USD), thấp hơn nhiều so với 75 triệu USD của Qualcomm.
Hơn nữa, chỉ sau một mùa giải, TeamViewer đã rút lui. Tháng 12/2022, TeamViewer và Manchester United thông báo đạt được thỏa thuận, cho phép Manchester United mua lại hợp đồng tài trợ áo đấu. Nói cách khác, Manchester United tự tìm nhà tài trợ mới, và khi nhà tài trợ mới được xác định, TeamViewer sẽ rút lui. Việc Manchester United hợp tác với Qualcomm diễn ra trong bối cảnh này.
Trong năm tài chính trước kết thúc vào ngày 31/3/2024, Qualcomm đạt doanh thu 35.8 tỷ USD, lợi nhuận ròng đạt 8.386 tỷ USD. Trong khi đó, theo ước tính của MediaRadar, năm ngoái Qualcomm đã chi chưa đến 100 triệu USD cho quảng cáo trên hơn 250 nền tảng truyền thông khác nhau. Có lẽ đây là lý do Qualcomm không ngần ngại chi tiền tài trợ cho Manchester United để quảng bá thương hiệu Snapdragon.
Đặc biệt, Qualcomm đã loại bỏ yếu tố thành tích khỏi hợp đồng tài trợ. Dù Manchester United có giành vé dự Champions League hay không, khoản tài trợ 75 triệu USD mỗi năm không thay đổi. Điều khoản này có ý nghĩa rất lớn đối với Manchester United, đội bóng thường xuyên bị ảnh hưởng về thu nhập do không giành vé dự Champions League.
Thực tế, nếu chỉ nhìn vào thành tích của 10 năm qua, Manchester United không phải là đội bóng hàng đầu của Ngoại hạng Anh. Nhưng từ góc độ phát triển thương mại, Manchester United vẫn hưởng lợi từ những thành công rực rỡ dưới thời Ferguson, tiếp tục có sức ảnh hưởng toàn cầu và vẫn là câu lạc bộ bóng đá có giá trị nhất thế giới.
Ngoại hạng Anh là giải đấu bóng đá có giá trị thương mại cao nhất thế giới. Năm ngoái, doanh thu từ bản quyền truyền hình của Ngoại hạng Anh đạt 3.5 tỷ Euro, cao hơn tổng doanh thu của La Liga và Bundesliga (lần lượt là 2.05 tỷ và 1.46 tỷ Euro). Trong năm tài chính 2023, doanh thu tổng của Manchester United đạt 785 triệu USD.
Theo tờ Gizmochina, Snapdragon đã tồn tại được gần 2 thập kỷ, với sản phẩm đầu tiên là QSD8250, ra mắt năm 2007. Thế nhưng đến trước năm 2024, Snapdragon đều chỉ được biết đến như một thương hiệu chipset dành cho những chiếc điện thoại thông minh. Còn năm nay, Qualcomm muốn đánh vào một thị trường khác biệt, và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm cũng như quảng bá để chen chân vào thị trường máy tính cá nhân.
Và để làm được điều này, ở khía cạnh marketing, Qualcomm không tiếc tiền chọn môn thể thao vua, nỗ lực làm cho thương hiệu của mình được cả thế giới biết đến. Việc các gã khổng lồ ngành điện tử tiêu dùng tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu cũng không phải là điều mới mẻ. Samsung, Siemens, BenQ, Sony từng tài trợ cho các câu lạc bộ hàng đầu như Real Madrid, Juventus và nhận được những lợi ích thương mại tốt.
Từ đầu năm nay, gã khổng lồ PC HP đã ký hợp đồng tài trợ trị giá 70 triệu USD mỗi năm với Real Madrid, đưa thương hiệu của mình xuất hiện trên tay áo đấu của Real Madrid. Thương hiệu này không giành được vị trí quảng cáo trên ngực áo vì đã thuộc về Emirates, với khoản tài trợ hàng năm lên tới 75.7 triệu Euro.
Tương tự, với quyết định hợp tác lần lượt cùng câu lạc bộ bóng đá Manchester City và diễn viên nổi tiếng Chris Evans, hãng điện thoại thông minh Tecno đã đặt những bước đi vững chắc trên hành trình mở rộng thương hiệu. Các thoả thuận hợp tác cho thấy sự nghiêm túc của hãng trong việc tiến quân vào các khu vực có đông đảo người hâm mộ, thể hiện tham vọng tăng cường phát triển các thị trường mới và hướng đến phân khúc khách hàng trẻ trung, yêu thích khám phá, trải nghiệm.
Cuộc chiến sống còn giữa các hãng công nghệ đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Đối với nhiều người dùng phổ thông như các fan bóng đá của MU, những thứ cấu tạo bên trong một chiếc máy điện thoại hay máy tính luôn là ma thuật. Họ không biết trong đó có gì, chúng hoạt động như thế nào. Tuy vậy, máy tính hay điện thoại không phải là một sản phẩm rẻ tiền, nên tâm thế của người mua sẽ luôn tìm kiếm những sản phẩm khiến họ an tâm về lựa chọn của mình. Để né tránh hết mức mọi rủi ro, họ có xu hướng lựa chọn những thương hiệu gắn liền với yếu tố chất lượng.
Trong khi đó, bóng đá là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận. Và việc kiếm tiền bắt đầu từ áo đấu của các đội bóng, là một nguồn thu béo bở. Các thương hiệu lớn sẵn sàng chi khoản tiền khá lớn để tăng nhận diện thương hiệu, cải thiện hình ảnh và giành được khách hàng mới.
Các công ty chuyên về đồ thể thao như Adidas và Nike chi hàng trăm triệu euro mỗi năm để giành quyền cung cấp áo đấu cho các cầu thủ. Đổi lại, logo của công ty sẽ xuất hiện trên áo đấu. Nhà tư vấn tiếp thị thể thao Peter Rohlmann cho biết: “Áo đấu được coi là món đồ chính mà người hâm mộ sử dụng. Đó là lý do chúng đóng vai trò lớn nhất trong chiến dịch tiếp thị của các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia”.
Nhưng liệu các hợp đồng tài trợ có thực sự xứng đáng không? Theo GS. Markus Voeth, chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Hohenheim (Đức), doanh số bán hàng trực tiếp hiếm khi được tạo ra. "Chỉ khoảng 12% số người được thăm dò chủ tâm tìm kiếm các thương hiệu tài trợ cho EURO khi họ mua hàng hóa hoặc dịch vụ". CEO của Adidas Björn Gulden cũng tiết lộ, tất cả các nhà sản xuất trang phục đều thua lỗ nếu nhìn nó thuần túy về mặt thương mại.
"Mọi người đều nghĩ doanh số bán áo đấu sẽ tăng vọt… nhưng thực tế đã không như vậy. Giả sử Đức vô địch châu Âu, liệu cả thế giới có chạy ra mua áo đấu của Đức không? Hay có đổ xô đến các cửa hàng của thương hiệu có logo tài trợ trên ngực hoặc tay áo? Không, không nhà sản xuất hay nhà tài trợ nào có thể thu lại được số tiền từ việc bán hàng. Động lực chính là nâng cao hình ảnh!”