Với hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp đã hiện diện tại 61/63 tỉnh thành phố, trở thành cứ điểm quan trọng, hội tụ sức sản xuất, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đó, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, tạo công ăn việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia.
CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VẪN CHỦ YẾU LÀ "MAY SẴN"
Tại phiên thảo luận Nhận diện xu hướng mới trong đầu tư khu công nghiệp vừa diễn ra của Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, VnEconomy và Vietnam Economic Times, ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch- Kiến Trúc, Bộ Xây dựng cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về phát triển khu công nghiệp được thể hiện thông qua các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và nhà ở. Quy hoạch xây dựng có vài trò quan trọng trong hình thành, tạo lập, tổ chức không gian của một khu công nghiệp.
Pháp luật về xây dựng quy định khu công nghiệp là một trong các khu chức năng và được lập quy hoạch xây dựng để làm cơ sở triển khai các trình tự đầu tư xây dựng. Khu chức năng được định hướng hình thành từ quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Như vậy, có thể hiểu, vị trí, quy mô, loại hình sản xuất công nghiệp phải được “định hình” từ quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trước khi bước vào các hoạt động đầu tư xây dựng.
Các khu công nghiệp được hình thành thông qua 3 hoạt động: quy hoạch, đầu tư xây dựng và thành lập khu công nghiệp. Hoạt động quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp liên quan đến “đầu vào”, làm rõ không gian một khu được “định hình” như thế nào, tức là mô hình phát triển không gian của một khu công nghiệp.
Ngoài ra, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp còn xem xét mối quan hệ giữa khu công nghiệp với các khu vực có chức năng khác liên quan.
Về mặt pháp lý, từ năm 2018, Nghị định 82 đã quy định có 3 loại hình khu công nghiệp cơ bản. Đó là: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị- dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái.
Trên thực tế, theo ông Tú, Việt Nam hiện tồn tại 2 mô hình đầu tư khu công nghiệp chủ yếu. Thứ nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi các nhà đầu tư vào thuê đất tổ chức sản xuất kinh doanh. Thứ hai là mô hình được đầu tư đồng bộ thành một khu công nghiệp, đến giai đoạn sản xuất ra sản phẩm.
Với khu công nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác đối với người lao động phụ thuộc vào lộ trình đầu tư. Hoạt động này do không kịp thời đáp ứng nên dẫn đến vấn đề bất cập trong giải quyết nhà ở công nhân, đặc biệt khi xảy ra những tình huống như trong đại dịch Covid vừa qua. Nếu những chức năng phục vụ cho sản xuất của khu công nghiệp được đáp ứng kịp thời thì những bất cập, khó khăn sẽ giảm đi.
Trong 30 năm qua, tại giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam cần thiết phải hình thành nhanh các khu công nghiệp phù hợp với nhiều nhất có thể nhu cầu tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những mô hình khu công nghiệp tập trung thời kỳ đầu có thể hiểu như những sản phẩm mang tính “may sẵn”.
Tuy nhiên, khi trình độ phát triển, trình độ sản xuất đã dần được nâng cao hơn, các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay cần cân nhắc và nghiên cứu theo hướng vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường một cách linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu diện tích cho sản xuất kinh doanh lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô.
Ông Tú nhận xét, về cơ bản, đến nay các khu công nghiệp tại Việt Nam chủ yếu vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất. Với những khu công nghiệp theo hình thức “may sẵn”, phục vụ nhiều nhóm khách hàng, nhóm nhu cầu thì phải theo mô hình đa ngành thì mới nhanh chóng đón được các doanh nghiệp vào thuê đất để phát triển nhà máy sản xuất. Còn với mô hình “may đo” sẽ chỉ có thể đầu tư đồng bộ khi đã rõ mục tiêu, nhu cầu, đối tượng phục vụ phát triển (của các doanh nghiệp).
TIẾP CẬN MÔ HÌNH MỚI PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP
Liên quan đến quá trình phối hợp rà soát, điều chỉnh Nghị định 82, ông Tú chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cân nhắc vấn đề này, làm rõ hơn một số loại hình khu công nghiệp. Trong đó, dự thảo quy định mới thay thế Nghị định 82 đã đề cập một số mô hình khu công nghiệp mới xuất hiện như khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao,…
Các xu hướng mới của khu công nghiệp chính là đáp ứng được những nhu cầu cụ thể của từng loại doanh nghiệp. Trước hết, phải xác định được nhu cầu doanh nghiệp chứ không thể làm sẵn để chờ đợi, một cách thụ động.
Ý kiến của các nhà khoa học là hợp lý khi đề xuất cần nghiên cứu mô hình khu công nghiệp "đa chức năng", là mô hình thể hiện lối sống công nghiệp mới (sống, làm việc, nghỉ ngơi đồng bộ và chất lượng) để dần thay thế cho mô hình các khu công nghiệp hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu “đơn chức năng”, chủ yếu hướng tới mục tiêu tập trung sản xuất.
Có thể nói, đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung tạo ra các khu công nghiệp tương tự như những sản phẩm mang tính “may đo”. Tức là phát triển các mô hình khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng, hình thành lối sống công nghiệp mới.
Với những phân tích đó, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc nhận định, cần nghiên cứu, phát triển các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển theo xu thế chung của khu vực và thế giới với quy mô sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng, các lĩnh vực sản xuất đi vào chuyên sâu, chuyên ngành và chuyên biệt. Đây là các mô hình cần phải được nghiên cứu, theo đuổi, cân nhắc.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho rằng ý kiến của các nhà khoa học là hợp lý khi đề xuất cần nghiên cứu mô hình khu công nghiệp "đa chức năng" (khác với đa ngành), là mô hình thể hiện lối sống công nghiệp mới (sống, làm việc, nghỉ ngơi đồng bộ và chất lượng) để dần thay thế cho mô hình các khu công nghiệp hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu “đơn chức năng”, chủ yếu hướng tới mục tiêu tập trung sản xuất, còn nhà ở chỉ mang tính phục vụ sản xuất.
Mô hình khu công nghiệp “đa chức năng” được đề xuất cần dựa trên 5 yếu tố: văn hóa, trình độ lao động, nhu cầu hội nhập, công nghệ sản xuất và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, cần phải có cơ sở từ quy định pháp luật một cách cụ thể. Mô hình này thực chất tương đối gần với mô hình khu công nghiệp- đô thị- dịch vụ như đã quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.
Ở Việt Nam, pháp luật quản lý phát triển khu công nghiệp đã được ban hành tương đối đầy đủ, phù hợp với từng giai đoạn. Các quy định qua từng thời kỳ đều được bổ sung điều chỉnh, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn chưa hoàn toàn giải quyết đầy đủ các khía cạnh của thực tiễn phát triển khu công nghiệp. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về phát triển khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu, phù hợp với xu hướng phát triển mới.
Để nâng cao chất lượng phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam theo những mô hình hiệu quả, không bỏ lỡ cơ hội những nhà đầu tư tiềm năng, đại diện Vụ Quy hoạch- Kiến Trúc đã nêu 3 đề xuất.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát hoàn thiện bổ sung chính sách, văn bản pháp luật đảm bảo gắn đồng bộ quy hoạch phát triển khu công nghiệp gắn với phát triển khu đô thị trong một phương án tổng thể, tạo một hệ sinh thái; thống nhất giữa các quy hoạch quốc gia gắn với phát triển kinh tế địa phương.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện bổ sung quy định pháp luật về đầu tư xây dựng khu công nghiệp phù hợp với từng loaị hình sản xuất và yêu cầu phát triển từng thời kỳ.
Thứ ba, xây dựng hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn về quy mô, cơ cấu sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp phù hợp với từng loại hình sản xuất, theo yêu cầu phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc quy định rõ các mô hình phát triển khu công nghiệp để làm cơ sở "dẫn dắt" trong tổ chức thực hiện.