Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã liên tục giảm trong tháng qua, với tổng mức giảm lên gần 5,6%. Riêng trong phiên giao dịch ngày 1/12, chỉ số này giảm gần 1,2%, còn hơn 104,7 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa tháng 6/2021, Dollar Index giảm xuống dưới mức bình quân 200 ngày. Trước đó, chỉ số có chuỗi kỷ lục 368 ngày giao dịch liên tiếp giữ trên ngưỡng bình quân 200 ngày - dài nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 1985.
“Nhiều nhà giao dịch có thể dựa trên các thông tin nền tảng để ra quyết định mua hay bán đồng USD. Nhưng họ thường lấy mục tiêu dựa trên mức bình quân 200 ngày của chỉ số Dollar Index”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nói với trang MarketWatch. “Ngưỡng bình quân này là một chỉ báo mà các nhà giao dịch sử dụng để xác định các xu hướng trên thị trường, và có ảnh hưởng lớn đến các tài sản khác. Khi chỉ số giảm dưới ngưỡng này, đó là tín hiệu bước ngoặt cho các nhà giao dịch rằng xu hướng tăng giá của USD có thể đã kết thúc”.
Dollar Index đã liên tục giảm từ đầu tháng 11, sau khi báo cáo thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ đã suy yếu trong tháng 10 - cơ sở để mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ và tần suất của việc tăng lãi suất. Ngoài ra, áp lực mất giá đối với đồng USD còn đến từ việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đối mặt với nhiều trở ngại, thể hiện qua dữ liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy các nhà máy ở Mỹ đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ tháng 5/2020.
Sự suy yếu của đồng USD thường “phản ánh ý tưởng rằng tâm lý ham thích rủi ro đã quay trở lại, và điều này tốt cho cổ phiếu, đồng Euro và đồng Bảng Anh”, ông Moya nói. Nhưng “nhìn chung, chúng ta sẽ phải đối mặt với năm 2023 nhiều khó khăn vì những rủi ro về tín dụng và lợi nhuận doanh nghiệp” - những nhân tố thường kéo giá cổ phiếu xuống và lại đẩy đồng USD tăng giá.
Đồng USD thường tăng giá tốt so với các đồng tiền chủ chốt khác khi lãi suất ở Mỹ tăng nhanh hơn so với ở các quốc gia khác, và khi triển vọng kinh tế Mỹ sáng hơn so với ở các nền kinh tế khác. Hôm thứ Tư tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát tín hiệu việc giảm tốc độ tăng lãi suất có thể diễn ra ngay từ cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed vào ngày 14/12. Ở châu Âu, các tín hiệu giảm áp lực giá cả cũng đã xuất hiện, với tỷ lệ lạm phát cả năm trong tháng 11 giảm lần đầu tiên kể từ giữa năm 2021.
“Tôi tin rằng đồng USD đã qua đỉnh” trừ phi “có sự tăng vọt bất ngờ của lạm phát Mỹ khiến Fed phải quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất so với tín hiệu mà họ đang phát đi”, Chủ tịch Arthur B. Laffer Jr. của Laffer Tengler Investments nhận định.
Hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy trong tháng qua, các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư tổ chức đã thiết lập trạng thái bán khống USD nhiều nhất trong 1 năm rưỡi trở lại đây. Khi các nhà đầu tư này đồng loạt bán khống USD, đó là một dấu hiệu cho thấy đồng USD sắp rơi vào một thời kỳ bán tháo kéo dài như đã từng xảy ra vào năm 2017 và 2020.
Từ đầu tháng 11, các công ty quản lý tài sản từ Invesco cho tới JPMorgan Asset Management đều bắt đầu nhận định rằng xu hướng tăng giá của USD trong vòng 1 năm trở lại đây đã dần tới hồi kết. “Chúng tôi dự báo đà tăng mạnh của đồng USD trong vòng 1 năm qua sẽ đảo ngược trong năm 2023, khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed chấm dứt. Tỷ giá USD đã qua đỉnh”, các chiến lược gia ngoại hối ngân hàng HSBC nhận định.