January 08, 2015 | 15:44 GMT+7

“Xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, kể cả cho phá sản”

An Thơ

Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh nói về những mục tiêu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước năm nay

<strong> </strong>Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
<strong> </strong>Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Một trong những điểm nhấn chú ý trong năm 2015 khi thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là kiên quyết xử lý pháp nhân đối với những đơn vị yếu kém, không có triển vọng phục hồi, kể cả phải sử dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định: năm 2015, tiến trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng sẽ được tiến hành rốt ráo và kiên quyết hơn. Ông có thể cho biết rõ hơn những mục tiêu cụ thể?

Năm 2015, trên cơ sở đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, Ngân hàng Nhà nước tập trung vào một số mục tiêu cụ thể mà chúng tôi cho rằng, sẽ tạo sự đột phá cho quá trình thực hiện đề án này.

Trước hết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất và mua lại những đơn vị yếu kém.

Thứ hai, sẽ tiến thêm một bước cơ bản để xử lý tình trạng sở hữu chéo, từ đó hình thành một số định chế có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh cao mà Đề án 254 đã đề cập.

Theo đó, tất cả những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi sẽ bị xử lý dứt điểm, kể cả khi phải áp dụng các biện pháp giải thể, phá sản hoặc các biện pháp can thiệp bắt buộc khác. Tất nhiên, trong quá trình này, quyền lợi của người gửi tiền luôn được ưu tiên hàng đầu.

Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và lành mạnh hóa tài chính. Từ đó, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro đối với các đơn vị trong hệ thống.

Nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là phải xóa bỏ ngân hàng này, ngân hàng kia và coi đó là mục tiêu chính... Ông nói gì về vấn đề này?

Sau gần 3 năm triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến nay về cơ bản việc tái cơ cấu đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra và đã đạt được một số kết quả.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được các ngân hàng yếu kém; bảo toàn được tài sản cho Nhà nước và người gửi tiền, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống.

8 trong số 9 ngân hàng yếu kém cần phải cơ cấu lại sau khi được Chính phủ phê duyệt đề án đang thực hiện đúng phương án được thông qua. Đến nay, tình hình hoạt động của 8 ngân hàng này đã được cải thiện đáng kể so với trước khi tái cơ cấu.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Nhờ vậy, số lượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thu gọn, nhất là với tổ chức yếu kém. Đến nay, toàn hệ thống đã giảm 7 tổ chức tín dụng, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép, chuyển đổi hình thức hoạt động.

Quá trình thực hiện hai đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu là nhằm mục tiêu đảm bảo khả năng an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng sau thời kỳ tăng trưởng nóng và buông lỏng quản lý. Từ đó, phát huy tốt hơn chức năng trung gian tài chính, phân bổ đúng nguồn lực từ tiết kiệm đến đầu tư.

Năm 2015, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để thực hiện mục tiêu này?

Sau gần 3 năm thực hiện đề án xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để xử lý nợ xấu như: đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; bán nợ cho các tổ chức, cá nhân; xử lý bằng dự phòng rủi ro...

Ngoài ra, thông qua công cụ là Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì đến hết tháng 10/2014, đã xử lý được gần 60% tổng nợ xấu kể từ thời điểm tháng 9/2012.

Để đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 ở mức khoảng 3% trên tổng dư nợ cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Trước hết, tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ. Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAMC. Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua bán nợ xấu.

Cùng với đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng. Tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate