Mỗi năm có hàng triệu trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, với số tiền phạt lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Riêng 9 tháng năm 2019, báo cáo của Uỷ ban An toàn Quốc gia cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã lập biên bản xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt gần 2.000 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 250.000 trường hợp, tạm giữ trên 437.000 phương tiện.
Thanh tra Giao thông Vận tải đã thực hiện gần 55.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, xử phạt trên 45.000 trường hợp vi phạm hành chính, nộp ngân sách 527 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 194 bến và 250 phương tiện thủy nội địa; giám sát 654 kỳ sát hạch lái ô tô, 391 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Nộp phạt tại chỗ lo phát sinh nhiều tiêu cực
Mặc dù số vụ vi phạm, số tiền phạt thu lớn, liên quan đến nhiều người song theo nhiều người dân tham gia giao thông, việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông nhiều năm qua còn bất cập, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Nếu nộp phạt tại chỗ dễ phát sinh tiêu cực thì hình thức người vi phạm luật giao thông phải đến các kho bạc để nộp phạt cũng gặp bất tiện khi hệ thống kho bạc chỉ có đến cấp quận, huyện, thời gian nộp phạt cũng bị hạn chế khi các đơn vị này chỉ làm việc trong giờ hành chính.
Mặt khác, số lượng người vi phạm giao thông rất lớn dẫn đến không ít trường hợp người vi phạm đến kho bạc nộp phạt phải xếp hàng chờ đến lượt rất lâu.
Anh Mai Đức Trí, một người dân ở khu vực Mai Anh Tuấn, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội cho biết, do sơ suất nên anh Trí vi phạm luật giao thông ở quận Hoàng Mai. "Tôi lại phải mất thời gian đi rút tiền mặt, rồi sau đó mới đi nộp phạt. Đến nơi nộp phạt lại phải chờ vì người xếp hàng đông quá, phải mất gần một buổi mới nộp phạt được. Rất bất tiện và tốn thời gian, công sức", anh Trí nói.
Trước những khó khăn, bất tiện của việc xử lý vi phạm an toàn giao thông bằng tiền mặt, nhu cầu nộp phạt qua thẻ ngân hàng được nhiều người đặt ra.
Kinh nghiệm trên thế giới, việc nộp phạt qua thẻ ngân hàng đã được nhiều quốc gia đưa vào sử dụng nhằm tăng tính thuận lợi. Ưu đểm của việc dùng thẻ là không phải đến tận nơi để đóng phạt, bớt đi những thủ tục rờm rà, đặc biệt là tiết kiệm được rất nhiều thời gian và đi lại.
Tại Mỹ, mỗi bang có quy định về đăng ký phương tiện cơ giới khác nhau. Gần như 50 bang đều cho phép người dân có thể nộp các loại phí liên quan tới phương tiện và nộp phạt vi phạm giao thông qua thẻ visa/ thẻ ghi nợ, tạo sự thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời.
Tại Singapore, có lựa chọn nộp tiền phạt vi phạm giao thông qua thẻ ngân hàng hoặc một số hình thức trực tuyến nhưng chỉ áp dụng với các vi phạm nhẹ, được thông báo rõ trên phiếu phạt.
Gần như tất cả các nước đang áp dụng nộp phạt vi phạm giao thông qua hình thức tuyến hoặc qua thẻ ngân hàng, người vi phạm sẽ tự thực hiện giao dịch thanh toán. Nếu người vi phạm nộp muộn, cơ quan quản lý sẽ có các hình thức nhắc nhở và tăng nặng hình phạt.
Đề xuất nộp phạt qua thẻ chip tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hồi tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Giao thông Vận tải đã kiến nghị bổ sung quy định khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho cả chủ xe và cơ quan quản lý để tiến tới phạt qua tài khoản ngân hàng. Khi mà pháp lý hoàn chỉnh, việc xử phạt qua tài khoản sẽ giúp cải cách hành chính rất nhiều.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo lắng xung quanh tính bảo mật đối với quyền lợi của người sử dụng tài khoản ngân hàng.
Về vấn đề này, kỹ sư công nghệ thông tin Đỗ Đức Huy cho rằng, hiện nay thẻ hay tài khoản ngân hàng đã trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn nhiều đối với người dân. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật cũng như những vấn đề an toàn liên quan luôn là điểm mấu chốt khiến cho người dùng ngại chuyển sang sử dụng rộng rãi.
Những lo ngại này của người dân là hoàn toàn chính đáng. Bởi thẻ từ, loại vẫn rất phổ biến hiện nay đối với các thẻ nội địa, sử dụng một dải băng từ màu đen nhằm mã hoá thông tin cơ bản của thẻ để thực hiện các giao dịch tại cây ATM cũng như tại quầy, lợi điểm đơn giản, dễ dàng áp dụng vì công nghệ đã quá phổ biến. Tuy nhiên, chỉ cần đọc được thông tin qua các thiết bị chuyên dụng hiện nay khá rẻ thì đã có khả năng tấn công và chiếm đoạt trái phép.
Thẻ chip ngân hàng là một sản phẩm của công nghệ CHIP, với tính năng cập nhật xu hướng mới nhất về công nghệ: đa tiện ích – an toàn – bảo mật cao – và kết nối toàn cầu. Thẻ chip nổi lên như một loại thẻ giúp nâng cao tính bảo mật thông tin thẻ cũng như giúp người dùng an tâm hơn khi mang trong người.
Vì vậy, thẻ chip nếu được áp dụng rộng rãi sẽ giúp cho người dùng an tâm hơn vì việc thông tin lưu trên đó có thể được mã hoá và khó để trích xuất hơn rất nhiều.
Đặc biệt trong đó, tính năng đa tiện ích giúp tích hợp nhiều mục đích sử dụng, tạo điều kiện phát triển liên ngành thành một hệ sinh thái thông minh và tiện lợi, đơn cử như các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hệ thống bảo hiểm, thuế, hải quan, và các dịch vụ công khác.
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng việc xử phạm vi phạm an toàn giao thông thông qua thẻ chip ngân hàng là cần thiết, phù hợp với xu thế chung. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị nhận thẻ.
Trong kỷ nguyên 4.0, hầu như tất cả các nhân viên doanh nghiệp, cho đến cán bộ công nhân viên về hưu cũng được nhận lương qua thẻ ngân hàng. Các lái xe cũng được nhận lương qua thẻ hay tài khoản nên việc sử dụng thẻ chip ngân hàng để nộp phạt vi phạm giao thông là việc cần thiết nên làm. Bởi thứ nhất, sẽ giúp hạn chế việc đi lại cho người vi phạm, thứ hai là minh bạch nguồn tiền thu vào kho bạc. Qua đó, cũng kiểm soát ngược lại là bao nhiêu người vi phạm giao thông.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, xử phạt bằng tiền mặt gây khó khăn cho người nộp phạt ở việc nếu số lượng tiền phạt lớn thì người dân thường không mang theo người nhiều tiền.
"Việc bổ sung thêm hình thức xử phạt vi phạm giao thông bằng thẻ ngân hàng, ngoài hình thức nộp tiền mặt, sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn cho Nhà nước và người dân. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thói quen dùng tiền mặt là chủ yếu, nên chưa áp dụng nhiều. Nên bổ sung hình thức nộp phạt này, ngoài hình thức nộp tiền mặt và có ưu tiên về thời gian giải quyết vi phạm thì mọi người thấy được giải quyết nhanh, do đó, mọi người sẽ muốn áp dụng nhiều hơn", Luật sư Tuấn nói.
8.00 - 12.00 ngày 10/12/2019, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước và Công ty Napas sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử với chủ đề: Chuyển động cùng công nghệ chip.
Diễn đàn do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh và Giáo sư Đào Nguyên Cát - Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì và điều hành.
Địa điểm: Khách sạn Meliá Hanoi, 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thành phần khách mời:
Đại diện Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành;
Các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức quốc tế, hiệp hội;
Các chuyên gia trong nước & quốc tế; các ngân hàng, doanh nghiệp & người tiêu dùng;
Các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông
Website chính thức của Diễn đàn: http://vetmedia.vn