August 04, 2024 | 09:16 GMT+7

Xử phạt vi phạm xây dựng: Sẽ bổ sung hành vi xử phạt nhà thầu thi công xây dựng

Ban Mai -

Các hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản; công trình gây lún, nứt, hoặc hư hỏng công trình lân cận; hành vi cơi nới, lấn chiếm diện tích… sẽ được nêu rõ trong dự thảo nghị định xử phạt hành chính về vi phạm xây dựng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (ngày 28/01/2022 của Chính phủ - Nghị định 16) quy định xử phạt hành chính về xây dựng, diễn ra ngày 02/8/2024 tại TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng việc xây dựng dự thảo nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ và khả thi trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 16 cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc cần phải sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, như: khó khăn trong việc xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; thời hạn để làm thủ tục xin cấp và điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng còn chưa phù hợp; một số lĩnh vực chế tài xử lý chưa phủ kín, chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp, một số biện pháp khắc phục hậu quả còn chưa khả thi, khó thực hiện…

“Đây là nghị định phức tạp, có quy mô lớn liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng tác động đến xã hội nên rất cần sự quan tâm chỉ đạo góp ý của UBND các tỉnh, thành phố, Sở Xây dựng đối với dự thảo nghị định”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: "Đây là nghị định phức tạp, có quy mô lớn liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng..." - Ảnh: IT.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng: "Đây là nghị định phức tạp, có quy mô lớn liên quan đến toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng..." - Ảnh: IT.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự cho biết những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 16.

Chẳng hạn, khó khăn, vướng mắc trong xác định hành vi không thực hiện thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng; khó khăn trong xác định hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản; khó khăn trong xác định hành vi tổ chức thi công công trình vi phạm quy định về chất lượng gây lún, nứt, hoặc hư hỏng công trình lân cận; khó khăn trong xác định hành vi cơi nới, lấn chiếm diện tích và hành vi sai phép, không phép; việc xác định xử lý các trường hợp nhà ở riêng lẻ đang thi công xây dựng, có dấu hiệu ngăn phòng chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ thành cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, lưu trú; xử lý các công trình xây dựng có quy mô nhỏ hơn giấy phép xây dựng…

Từ yêu cầu thực tiễn, các đại biểu cũng kiến nghị tổ soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 16 căn cứ tình hình thực tế nhằm đảm bảo phù hợp thực tiễn, tạo cơ chế pháp lý hiện hữu quản lý Nhà nước của ngành xây dựng.

Bộ trưởng đề nghị, ban biên tập, tổ soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh rà soát cho phù hợp với thực tiễn, như: liên quan tới thẩm quyền xử phạt; bổ sung hành vi xử phạt nhà thầu thi công xây dựng; xử lý sai phạm của nhà ở riêng lẻ cũng cần rõ ràng, thẩm quyền xử phạt liên đới tới pháp luật chuyên ngành khác; thời hạn khắc phục, biện pháp khắc phục cũng cần phù hợp thực tế…

 

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP gồm 88 điều, chia thành 08 chương, quy định về: hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp thi hành, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Vi phạm hành chính về xây dựng quy định xử phạt tại nghị định này bao gồm: Hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản và nhà ở.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate