Các chuyên gia có những góc độ tiếp cận khác nhau về nhóm cổ phiếu thép. Quan điểm ngắn hạn cho rằng diễn biến giá tăng nhanh trong ngắn hạn có biểu hiện của “màn chạy nước rút” và thông tin bất lợi bắt đầu xuất hiện. Nhóm cổ phiếu này có nguy cơ rơi vào nhịp điều chỉnh.
Tuy nhiên nhìn dài hạn, các yếu tố thúc đẩy giá nguyên liệu thép và giá thép thành phẩm tăng gắn liền với các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép vẫn còn. Do đó yếu tố cơ bản vẫn còn hấp dẫn và nâng đỡ giá cổ phiếu nhóm ngành thép.
Điều các chuyên gia chờ đợi là những biện pháp hạ nhiệt giá thép của Chính phủ sẽ như thế nào và tác động đến đâu. Nếu các biện pháp này được cho là không nghiêm trọng, giá cổ phiếu thép có thể quay lại xu hướng tăng.
Liên quan đến nguy cơ gia tăng lạm phát do chi phí đẩy, các chuyên gia thống nhất đánh giá đó không phải là rủi ro đối với thị trường, ít nhất là trong năm 2021 do khả năng kiềm chế lạm phát vẫn tốt. Đây chưa phải là yếu tố có khả năng đảo chiều xu hướng tăng hiện tại. Mặt khác, yếu tố cung cầu trên thị trường vẫn có lợi đối với xu hướng tăng, khi dòng tiền chảy vào thị trường ngày một lớn.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần qua cổ phiếu thép bắt đầu điều chỉnh đồng loạt sau một xu hướng tăng khá mạnh. Biến động này được cho là do những biện pháp can thiệp bình ổn giá thép có thể diễn ra. Theo anh chị liệu cổ phiếu ngành này còn triển vọng trong ngắn hạn?
Các thông tin liên quan đến biện pháp ổn định giá thép của Chính phủ sẽ có tác động trọng yếu đến biến động cổ phiếu ngành thép trong ngắn hạn. Trong trường hợp các biện pháp đưa ra không gây ra các tác động nghiêm trọng, tôi kỳ vọng cổ phiếu ngành thép sẽ nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng giá.
Ông Trần Đức Anh
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi dòng thép theo khả năng cao đã đi đến giai đoạn cuối khi nhiều cổ phiếu đã chạy nước rút cũng như nhiều thông tin xấu đã bắt đầu le lói như giá quặng sắt giảm mạnh, sự can thiệp bình ổn giá. Hiện tại về kỹ thuật thì cổ phiếu thép nhiều mã đã diễn ra phân phối nên giai đoạn này cổ phiếu thép tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Các biện pháp bình ổn giá thép đang được tiến hành đồng loạt ở cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu đều chiếm trên 30% cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp tốp đầu như HPG (30.5%), NKG (37.5%), HSG (52.5%).
Trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu tạo cơ hội giảm giá bán cho các doanh nghiệp ngoại, gián tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. Do đó, trong ngắn hạn tôi cho rằng việc tham gia cổ phiếu thép có khá nhiều rủi ro.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Nếu nhìn diễn biến, xu thế hay chỉ đơn thuần từ các hoạt động kinh doanh, triển vọng tăng trưởng hay ít nhất là duy trì kết quả kinh doanh tốt của các doanh nghiệp thép thì rõ ràng triển vọng vẫn khá hiện hữu.
Duy có điều giá cổ phiếu liên tục biến động trong ngắn hạn và đã tăng nóng, mạnh rồi sẽ vào pha điều chỉnh. Không chỉ thông tin bình ổn giá thép là một trong những nguyên nhân ít nhiều được “thêu dệt” để làm “nghiêm trọng hóa” tình hình khiến giá thép đều chỉnh, mà đơn giản hơn thị trường cũng đã vào khu vực khá nhạy cảm sát vùng điều chỉnh mạnh. Nhiều cổ phiếu lớn điều chỉnh, dòng tiền phân hóa vào các nhóm ngành khác nhau như nhóm ngân hàng, chứng khoán.
Tôi cho rằng cổ phiếu thép chỉ đơn thuần vào pha điều chỉnh mà chúng ta không biết “điều chỉnh ngắn hay sâu như thế nào”, nhưng khả năng hồi phục sau điều chỉnh là vẫn còn. Theo số liệu thống kê triển vọng doanh thu/lợi nhuận sau thuế 2021 cũng vẫn giao động ở 18% - 20% so với 2020. Giá cổ phiếu sẽ càng lên một khi triển vọng doanh thu/lợi nhuận vẫn tiếp tục duy trì.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Sau một xu hướng tăng mạnh, cổ phiếu ngành này có thể đã đạt lợi nhuận ngắn hạn và giảm nhiệt, điều đó sẽ tốt về dài hạn cho các cổ phiếu cụ thể.
Mặc dù giá cổ phiếu ngành này đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm: HPG (+48%), NKG (+112%), SMC (110%), HSG (+68%),… tuy nhiên triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của ngành vẫn rất tích cực, các nhân tố hỗ trợ ngành có thể đến từ: 1) Kinh tế phục hồi nhờ chính phủ các nước tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng 2) nguồn cung thắt chặt: Đà tăng giá mạnh gần đây của quặng sắt một phần là do các mối lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn và sản lượng giảm, bên cạnh đó Trung Quốc và Mỹ đã cắt giảm công suất ở các nhà máy thép gây ô nhiễm.
Việc giảm thuế nhập khẩu tạo cơ hội giảm giá bán cho các doanh nghiệp ngoại, gián tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. Do đó, trong ngắn hạn tôi cho rằng việc tham gia cổ phiếu thép có khá nhiều rủi ro.
Ông Lâm Gia Khang
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Cổ phiếu thép hiện đang chịu tác động tiêu cực bởi thông tin Chính phủ đang cân nhắc 1 số biện pháp để hạ giá thép thành phẩm trong nước, trong đó bao gồm cả việc điều tiết thuế xuất, nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thép được dự báo tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ, sản lượng, giá bán đều tăng so với cùng kỳ, rủi ro về mặt chính sách sẽ là rủi ro đáng kể nhất có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận vài quý tới của các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, các thông tin liên quan đến các biện pháp ổn định giá thép của Chính phủ sẽ có tác động trọng yếu đến biến động cổ phiếu ngành thép trong ngắn hạn.
Trong trường hợp các biện pháp đưa ra không gây ra các tác động nghiêm trọng, tôi kỳ vọng cổ phiếu ngành thép sẽ nhanh chóng quay trở lại xu hướng tăng giá.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Câu chuyện lạm phát có phần tăng nhiệt tuần qua từ những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đà tăng giá nóng của các loại hàng hóa cơ bản cũng được IHS Markit xác nhận trong báo cáo PMI tháng 5 rằng các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu phải đẩy chi phí vào sản phẩm. Dù những số liệu CPI chính thức của Việt Nam vẫn khá bình ổn thậm chí còn giảm nhẹ trong tháng 4 nhưng liệu xu hướng tăng giá tiêu dùng những tháng còn lại của năm nay có ảnh hưởng như thế nào tới thị trường chứng khoán?
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Ngân hàng nhà nước đã thông báo việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất là đến cuối H1/2021. Lạm phát đang có dấu hiệu quay lại cũng như lãi suất cũng đã tăng nhẹ ở 1 số kỳ hạn. Chắc chắn chỉ một biến động nhỏ về sự đảo chiều chính sách cũng sẽ tác động ngay và trực tiếp đến tâm lý và dòng tiền nhà đầu tư.
Nhưng chúng ta nên nhớ rằng có rất nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến VN-Index/VN30 bao gồm cả những yếu tốt tích cực và tiêu cực. Chúng ta cũng khó đo lường được yếu tố nào sẽ ảnh hưởng hơn yếu tốt vào. Điều chúng ta quan tâm hơn đến thị trường là liệu dòng tiền vẫn duy trì ở mức tốt như hiện nay không và cơ hội còn không. Nếu còn thì sẽ vào dòng cổ phiếu nào và sau đó chỉ là câu chuyện cổ phiếu gì, thời điểm nào?
Như vậy, quan qua sát thị trường cho dù việc thận trọng là không bao giờ thừa. Thị trường xuống và lên rồi điều chình chỉnh liên tục qua thời gian. Theo tôi thị trường sẽ vẫn có những ảnh hưởng tác động, nhưng dòng tiền hiện nay vẫn khá lớn để tạo ra nhiều cơ hội đối với các nhà đầu tư nhạy bén.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Lạm phát và tình hình dịch Covid-19 là 2 yếu tố rủi ro hàng đầu tác động đến xu hướng thị trường chứng khoán trong nước và trên thế giới trong bối cảnh hiện tại. Các dự báo mới nhất của các tổ chức, trung tâm nghiên cứu hiện đều đang đồng thuận lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ chưa đáng lo ngại và nằm dưới mức mục tiêu 4% do Chính phủ đề ra. Điều này hoàn toàn tương đồng với mức biến động thấp của lạm phát trong 4 tháng đầu năm.
Trong thời gian tới giá cả tiêu dùng còn biến động nhiều và khó mà biết được đâu là tín hiệu thực sự. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể đang cho rằng rủi ro lạm phát ngày càng lớn chỉ là tạm thời.
Ông Ngô Quốc Hưng
Các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong năm nay có thể kể đến như: i) nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát; ii) giá 1 số loại lương thực thực phẩm như thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI hạ nhiệt; iii) các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, tập trung vào các ưu đãi thuế, không làm cung tiền tăng đột biến như các nước khác; iv) nền tảng vĩ mô, tỷ giá ổn định…
Dù giá nguyên vật liệu cơ bản (dầu, đồng, thép…) đã trải qua nhịp tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro gây ra lạm phát do chi phí đẩy, tôi duy trì dự báo lạm phát Việt Nam trong năm nay sẽ nằm trong tầm kiểm soát và chưa phải yếu tố làm đảo chiều xu hướng tăng của thị trường chứng khoán.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Câu chuyện lạm phát có phần ấm lên chắc chắn là một điều bất lợi cho thị trường chứng khoán, nhưng liệu dấu hiệu này chỉ là tạm thời hay nó đã trở thành xu hướng thì còn sớm và cần thêm thời gian mới có thể đi đến kết luận sơ bộ.
Bởi vậy, trong thời gian tới giá cả tiêu dùng còn biến động nhiều và khó mà biết được đâu là tín hiệu thực sự. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể đang cho rằng rủi ro lạm phát ngày càng lớn chỉ là tạm thời khi thị trường chứng khoán thế giới đều phục hồi vào những phiên cuối tuần. Bên cạnh đó các ngân hàng trung ương Mỹ và Châu Âu tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư bắt đáy.
Tuần qua, thị trường trong nước cũng không bị ảnh hưởng từ câu chuyện lạm phát của thị trường chứng khoán thế giới, sự trỗi dậy của dòng tiền nội tiếp tục là động lực đưa các chỉ số duy trì ở mức cao mới.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Theo tôi giai đoạn vừa rồi là giai đoạn các loại hàng hóa cơ bản đã tăng rất mạnh nhưng CPI tại Việt Nam vẫn khá bình ổn nên thời gian tới tôi nghĩ số liệu CPI của Việt Nam không biến động mạnh và thị trường chứng khoán vẫn vận động tốt.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Diễn biến của CPI sẽ tác động đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững. Xu thế tăng giá hàng tiêu dùng trong nửa cuối năm nay là điều có thể nhìn thấy, đặc biệt trong bối cảnh so sánh với mức nền thấp trong năm 2020. Điều này có thể khiến Ngân hàng nhà nước phải tiến hành tăng lãi suất điều hành, gián tiếp đẩy lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng lên, khiến môi trường đầu tư các tài sản rủi ro như cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn.
Tuy vậy, với việc diễn biến dịch Covid-19 trong nước tiếp tục phức tạp, thời điểm thực hiện các chính sách này cần được tính toán kỹ lưỡng, nhất là khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp vẫn chưa thật sự thoát khỏi những ảnh hưởng của đại dịch từ năm 2020.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
VN-Index tuần qua tăng gần 25 điểm nhưng vẫn không thể bứt phá lên cao hơn được và nếu nhìn từ giữa tháng 4 đến nay vẫn chỉ là đi ngang. Về mặt kỹ thuật có quan điểm cho rằng thị trường đã kết thúc sóng 5 của chu kỳ tính từ đáy đầu tháng 4/2020, nhưng cũng có quan điểm thị trường đang tích lũy tạo mặt bằng giá mới trước khi tăng cao hơn. Quan điểm của anh chị thế nào?
Tôi nghiêng về kịch bản thị trường tích lũy tạo mặt bằng giá mới hơn là kịch bản thị trường kết thúc sóng 5 khi mà chưa có dấu hiệu phân phối cũng như nhịp kéo mạnh của cả thị trường.
Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Nhìn chỉ số chung có lẽ khó xác định được xu hướng thị trường lúc này khi hiện tượng phân kỳ đang diễn ra. Theo thống kê trong 1 tháng vừa qua (từ giữa tháng 4 đến hiện tại), chỉ số VN-Index chỉ tăng 10,5 điểm (+0,84%) và bình quân cứ 1 cổ phiếu tăng thì có tới 2 cổ phiếu giảm trong khi chỉ số VN30 tăng tới 89,3 điểm (+6,9%) nhưng độ rộng cũng chỉ ở mức trung tính (bình quân cứ 1 mã tăng lại có 1 mã giảm).
Như vậy, phần lớn cổ phiếu tăng đang tập trung ở 1/2 nhóm VN30 trong khi phần còn lại là giảm điểm. Do đó chọn cổ phiếu quan trọng hơn là việc nhìn chỉ số.
Ngoài ra, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường và thanh khoản thị trường cũng đang hỗ trợ đà tăng của chỉ số, nhờ lượng tài khoản mở mới tháng 3 và tháng 4 bình quân trên 100 nghìn tài khoản/tháng đã đẩy mức thanh khoản bình quân (trên cả 3 sàn) từ mức 19,3 nghìn tỷ/phiên ở tháng 3 lên 22,5 nghìn tỷ/phiên trong tháng 4 và 24,8 nghìn tỷ/phiên trong nửa tháng 5.
Tôi cho rằng thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, chứng khoán thế giới cũng đang trong “big trend”, do vậy xu hướng tăng của thị trường còn có thể được mở rộng trong thời gian sắp tới.
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Việc đếm sóng Elliot trong phân tích kỹ thuật khá phức tạp, tùy vào khung thời gian đánh giá có thể cho ra những kết quả khác nhau.
Trong ngắn hạn, chỉ số có thể đã kết thúc sóng 5 trong chu kỳ tính từ tháng 4/2020. Tuy vậy, với tầm nhìn dài hạn hơn, giai đoạn tăng từ thời điểm giãn cách xã hội trong năm 2020 chỉ là sóng 1, sự khởi đầu cho một sóng tăng rất mạnh trong tương lai tương ứng với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi nghiêng về kịch bản thị trường tích lũy tạo mặt bằng giá mới hơn là kịch bản thị trường kết thúc sóng 5 khi mà chưa có dấu hiệu phân phối cũng như nhịp kéo mạnh của cả thị trường. Thị trường khả năng cao vẫn còn nhịp kéo nữa vượt 1.300 điểm và sau đó có nhịp điều chỉnh khá.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Sóng 5 vẫn chưa thể kết thúc nếu chưa giao động ở khu vực 1.300 (+/-20) điểm để tạo ra các phiên tăng điểm và điều chỉnh điển hình hơn. Tôi nghiêng về kịch bản thị trường đang tích lũy tạo mặt bằng giá mới trước khi tăng điểm cao hơn.
Những pha điều chỉnh bất ngờ và mạnh cũng nằm trong kịch bản này để đề phòng việc thị trường có nhịp rung lắc lớn cuối tháng 5. Quan điểm chúng ta đó là kể cả thị trường điều chỉnh hay tăng điểm thì chúng ta vẫn sẽ đầu tư/đầu cơ song hành với thị trường.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Với những chuyển biến tích cực cả về nền tảng vĩ mô, lẫn vi mô doanh nghiệp, tôi cho rằng xu hướng tăng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Dù vậy, mùa báo cáo kết quả kinh doanh 2 quý gần đây cho thấy gần như chỉ có nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có thể nhanh chóng phục hồi và quay trở lại đà tăng trưởng mạnh mẽ từ mức nền thấp cùng kỳ, trong khi nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, rổ chỉ số VN30 đã có sự tăng trưởng vượt trội so với chỉ số VN-Index trong hơn 1 tháng trở lại đây và xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Điều chúng ta quan tâm hơn đến thị trường là liệu dòng tiền vẫn duy trì ở mức tốt như hiện nay không và cơ hội còn không. Nếu còn thì sẽ vào dòng cổ phiếu nào và sau đó chỉ là câu chuyện cổ phiếu gì, thời điểm nào?
Ông Lê Đức Khánh
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thanh khoản bình quân tuần qua tăng khá mạnh, thậm chí là có những phiên giá trị giao dịch tương đương với giai đoạn đạt đỉnh giữa tháng 4 vừa qua. Điều đó nghĩa là dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường. Anh chị tuần trước duy trì tỷ trọng cổ phiếu không cao, anh chị có mua vào thêm hay không?
Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank
Tuần qua tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền trong danh mục ở mức 55/45 và vẫn chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn trước khi có những hành động tiếp theo.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Tôi đánh giá thị trường vẫn đang vận động ổn nên giai đoạn này vẫn nắm giữ tỷ trọng lớn và lướt lát trên trạng thái cổ phiếu.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS
Tôi đã giao dịch tập trung hơn và đã có động thái ra bớt hàng ở các phiên giao dịch cuối tuần qua. Tỷ trọng cổ phiếu khá lớn ở một vài cổ phiếu “ăn khách”.
Ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS
Tôi không cơ cấu danh mục trong tuần qua và duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao.
Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS
Như đã phân tích ở trên, thị trường phân kỳ nên việc lựa chọn cổ phiếu đúng là rất khó, xác suất chọn sai thường cao, ngay cả việc chỉ số VN30 tăng gần 90 điểm trong 1 tháng vừa qua thì xác suất lựa chọn được mã tăng cũng chỉ là 50%. Do vậy, tôi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, dành nguồn lực và túc tắc giải ngân cho các cổ phiếu có triển vọng trong quý 2.