October 09, 2022 | 14:43 GMT+7

Xu thế dòng tiền: Còn “cái cọc” nào cho thị trường bấu víu?

Nguyễn Hoàng -

Đà lao dốc hơn 250 điểm tính từ đỉnh cuối tháng 8 đến nay mà thị trường không hề có nhịp hồi nào quá 1,5 phiên được các chuyên gia đánh giá là bất thường. Không chỉ các thông tin bất lợi xuất hiện, thị trường có thể đang bị giải chấp liên tục nhiều đợt do “tác hại” của các đợt bắt đáy sớm.

Chỉ số VN-Index có thể giảm tiếp xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm.
Chỉ số VN-Index có thể giảm tiếp xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm.

Đà lao dốc hơn 250 điểm tính từ đỉnh cuối tháng 8 đến nay mà thị trường không hề có nhịp hồi nào quá 1,5 phiên được các chuyên gia đánh giá là bất thường. Không chỉ các thông tin bất lợi xuất hiện, thị trường có thể đang bị giải chấp liên tục nhiều đợt do “tác hại” của các đợt bắt đáy sớm.

Mặc dù thị trường được xem là đã bị bán quá đà, nhưng các động lực giảm vẫn còn và nhà đầu tư nên thuận theo. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng trong việc bắt đáy, thậm chí các nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi thêm. VN-Index hoàn toàn có thể chạm tới, thậm chí xuyên thủng mức 1.000 điểm.

Điểm tích cực của xu hướng giảm sốc này là sẽ có nhiều cổ phiếu cơ bản tốt cũng bị định giá thấp dưới sức ép thị trường chung. Những nhà đầu tư còn tiền mặt sẽ có lợi thế chọn lựa cổ phiếu. Các chuyên gia khuyên rằng đây là lúc nhìn vào giá trị doanh nghiệp chứ không nên sợ hãi giá cổ phiếu. Việc đầu tư dài hạn đang có cơ hội lớn, vì sẽ tới lúc giá trị doanh nghiệp được quan tâm trở lại.

Đánh giá về đợt báo cáo tài chính quý 3/2022, các chuyên gia không cho rằng sẽ xuất hiện “Sóng báo cáo tài chính” trên bình diện thị trường chung. Tuy nhiên vẫn sẽ có các cơ hội ở cổ phiếu của doanh nghiệp cụ thể. Trong giai đoạn thị trường sợ hãi quá mức thì các thông tin hỗ trợ ít tác dụng. Tuy nhiên nếu thị trường giảm đủ và phục hồi, yếu tố kết quả kinh doanh sẽ sớm được quan tâm trở lại.

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN-Index đã lao dốc sang tuần thứ 6 và mức độ giảm càng ngày càng mạnh. Chỉ số cũng xuyên thủng ngưỡng 1.100 điểm mà anh chị kỳ vọng là điểm dừng ngắn hạn. Dường như kịch bản tệ nhất vẫn chưa đến và thị trường đang bị giải chấp? Anh chị có điều chỉnh kỳ vọng của mình hay không?

 
Xu thế dòng tiền: Còn “cái cọc” nào cho thị trường bấu víu? - Ảnh 1

Tôi thấy đợt giảm hiện tại, thị trường không phải chỉ có một đợt giải chấp mà đã xảy ra rất nhiều đợt giải chấp và có những đợt giải chấp chồng lên giải chấp, bởi giá cổ phiếu giảm quá sâu và nhanh.

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi thị trường giai đoạn này đang bị bán quá đà, do tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư khi nghe các tin xấu, cũng như vừa rồi nước ngoài bán ròng rất mạnh. Thị trường Việt Nam hiện tỷ trọng nhà đầu tư nhỏ lẻ/tổ chức đang khá lớn và khi thị trường xấu sẽ rất dễ bị bán tháo và xảy ra hoảng loạn.

Vùng quanh 1.000 điểm là vùng hỗ trợ rất mạnh được “xây” từ năm 2019 nên theo tôi thị trường về vùng này sẽ xuất hiện hồi kỹ thuật.

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Với những thông tin đã xảy ra trong tuần rồi, theo tôi nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục suy giảm xuống dưới mức đóng cửa hôm thứ 6 (1.035 điểm) và ngưỡng 980 điểm sẽ là mốc cần chú ý. Tôi cũng kỳ vọng thị trường nhanh chóng hồi phục sớm dựa trên những sự kiện tương đồng đã xảy ra trong những thời gian trước.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi thấy thị trường giai đoạn này quá khốc liệt, với chuỗi giảm liên tục hơn 250 điểm tính từ đỉnh cuối tháng 8 mà không có nổi một đợt hồi đủ vòng giao dịch T+. Tôi cho rằng ngay đến những nhà đầu tư bi quan nhất có thể cũng không nghĩ tới kịch bản thị trường sẽ “rơi tự do” như vậy.

Thị trường giảm nhanh và mạnh sẽ đẩy các tài khoản sử dụng margin vào trạng thái giải chấp. Tôi thấy đợt giảm hiện tại, thị trường không phải chỉ có một đợt giải chấp mà đã xảy ra rất nhiều đợt giải chấp và có những đợt giải chấp chồng lên giải chấp, bởi giá cổ phiếu giảm quá sâu và nhanh.

Mặc dù thị trường đã giảm sâu như vậy, tôi vẫn chưa thay đổi góc nhìn rằng xu hướng giảm có thể vẫn còn tiếp diễn trong dài hạn, do các yếu tố chi phối chính tới thị trường vẫn chưa giảm sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dưới góc nhìn kỹ thuật, tôi vẫn kỳ vọng thị trường có thể sẽ hình hành được các đợt hồi kỹ thuật (Bulltrap) tại các vùng hỗ trợ tâm lý như ngưỡng 1.000 điểm hay sâu hơn là vùng 900 điểm.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Trong một số giai đoạn tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi những yếu tố ngoại cảnh, thông tin tiêu cực và chưa kể trạng thái danh mục cầm nhiều cổ phiếu mà các mã này đang giảm mạnh cũng gây tâm lý lo sợ... Thị trường đang trong pha điều chỉnh tồi tệ, với nhiều người sẽ bị lo lắng nhưng với một số người đang chưa giải ngân hoặc có ít cổ phiếu thì đó lại là cơ hội. Có thể thị trường điều chỉnh thêm nhưng chiến lược đầu tư tích sản hoặc mua gom cổ phiếu chất lượng cao giá rẻ sẽ có thể bắt đầu từ tuần tới. Tôi tin vào giá trị cổ phiếu khi thị trường phản ứng thái quá hơn là dự báo xem thị trường đã tạo đáy hay chưa.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thị trường đang chịu áp lực tâm lý nặng nề, hiệu ứng của mùa báo cáo tài chính quý 3 gần như không tác dụng. Anh chị có cho rằng thị trường quá yếu để xuất hiện cái gọi là “sóng báo cáo tài chính quý 3” hay không?

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi cũng đồng quan điểm, hiệu ứng của mùa báo cáo tài chính quý 3 dường như không xuất hiện trong giai đoạn vừa qua. Thông thường, thời điểm vàng để một sóng báo cáo quý xuất hiện là vào các tuần cuối của tháng cuối quý và các tuần đầu của tháng bắt đầu quý mới, khi dòng tiền đầu cơ có xu hướng tham gia sớm nhằm đón đầu thông tin báo cáo quý sẽ được công bố.

Tuy nhiên, thị trường đang cho thấy một diễn biến khác, sự kỳ vọng vào mùa báo cáo quý 3 đã không hề tồn tại trong bối cảnh nỗi sợ về những diễn biến khó lường của tình hình vĩ mô trong nước cũng như thế giới. Nhà đầu tư đang nhìn xa hơn về những gam màu u ám của doanh nghiệp phải gặp, hơn là kết quả có phần đã rõ của kỳ báo cáo quý 3. Khi chi phí kinh doanh tăng lên bởi xu hướng lãi suất tăng hay những rủi ro bất định từ áp lực tỷ giá cũng như lạm phát, và chưa kể đến những lo ngại do những tin tức bi quan về suy thoái kinh tế khi nhớ lại ký ức của giai đoạn thị trường 2007 – 2008 mang lại.

Trong bối cảnh, thời gian cho sự kỳ vọng của mùa báo cáo quý dần cạn, trong khi áp lực hiện hữu từ những diễn biến tiêu cực của tình hình vĩ mô ở những tháng cuối năm đang chi phối quyết định của nhà đầu tư, thì thật khó để chúng ta có thể mong đợi vào một sóng báo cáo quý 3.

 
Xu thế dòng tiền: Còn “cái cọc” nào cho thị trường bấu víu? - Ảnh 3

Hiện tại dòng tiền trên thị trường khá yếu nhưng giá nhiều cổ phiếu đã chiết khấu về vùng hấp dẫn.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Có lẽ như đã từng chia sẻ với các nhà đầu tư về 2 yếu tố chi phối biến động tăng giảm của thị trường chứng khoán đó là nhận thức của thị trường và tâm lý nhà đầu tư: Nếu chính sách tiền tệ của  các ngân hàng trung ương lớn, của FED, tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước Việt Nam phần nào phản ánh bởi dòng tiền tham gia vào thị trường yếu, hơn nữa tâm lý lo sợ về việc thị trường có thể điều chỉnh, mối lo và việc danh mục đầu tư giảm dần hàng ngày cũng đã khiến nhà đầu tư phản ứng “thái quá” và bán cổ phiếu ra.

Tôi cho rằng cái gọi là “Sóng báo cáo tài chính quý 3” có lẽ sẽ không xuất hiện khi mà thị trường đang bị ảnh hưởng bởi những thông tin đồn thổi, thông tin tin có khả năng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhóm cổ phiếu ngân hàng những cổ phiếu lớn có thể ảnh hưởng đến chỉ số...

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Hiện tại dòng tiền trên thị trường khá yếu nhưng giá nhiều cổ phiếu đã chiết khấu về vùng hấp dẫn nên tôi nghĩ sóng báo cáo tài chính quý 3 sẽ vẫn có, nhưng không mạnh và tập trung chủ yếu ở nhóm ngành có kết quả lợi nhuận tốt.

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Tôi vẫn tin rằng thị trường sẽ có hồi phục sau những phiên giảm mạnh. Khi đó, yếu tố báo cáo tài chính quý 3 vẫn sẽ có tác dụng hỗ trợ tốt.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhà đầu tư đang thua lỗ nặng nề, rất cần một điểm tựa để vượt qua giai đoạn “cùng cực” này. Những thông tin vĩ mô tới vi mô vừa qua đều không có tác dụng. Nếu phải đưa ra yếu tố hỗ trợ, anh chị sẽ đặt kỳ vọng vào đâu?

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Theo tôi nhà đầu tư nên đặt niềm tin vào giá trị của cổ phiếu. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là những tác động giằng co của lực mua và lực bán mà tâm lý chi phối, nhưng về dài hơi thì đó là những chiếc cân khi giá trị cổ phiếu sẽ giao động về mức cân bằng hợp lý.

Chỉ các nhà đầu tư giá trị sẽ không bao giờ hối tiếc khi nắm giữ các cổ phiếu rẻ và triển vọng, cho dù giá cổ phiếu có thể giảm thêm nhưng sau giai đoạn điều chỉnh đau khổ, thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng. Nhà đầu tư phải cần thêm sự kiên định, sự kiên trì bền bỉ trong những giai đoạn thị trường như thế này.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi nghĩ hiện tại các yếu tố hỗ trợ có thể kể đến: Thứ nhất, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh rất mạnh từ vùng đỉnh vừa rồi 1.295 điểm về 1.022 điểm và hầu như không có nhịp hồi nào đủ T+ có thể nói là rơi thẳng đứng và đã về vùng hỗ trợ rất mạnh quanh 1.000 điểm. Nên khả năng có bật hồi kỹ thuật là rất cao. Thứ hai, hầu hết các cổ phiếu đã được chiết khấu rất mạnh và về vùng giá hấp dẫn để tổ chức tham gia giải ngân. Thứ ba, báo cáo tài chính quý 3 nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn có kết quả kinh doanh tốt.

 
Xu thế dòng tiền: Còn “cái cọc” nào cho thị trường bấu víu? - Ảnh 4

Chỉ các nhà đầu tư giá trị sẽ không bao giờ hối tiếc khi nắm giữ các cổ phiếu rẻ và triển vọng. Nhà đầu tư phải cần thêm sự kiên định, sự kiên trì bền bỉ trong những giai đoạn thị trường như thế này.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Tôi cho rằng yếu tố hỗ trợ nếu muốn nhắc đến vẫn là lợi nhuận tăng trưởng tốt trong Q3 của thị trường so với nền thấp năm ngoài. Ngoài ra, yếu tố vĩ mô từ Mỹ - thị trường việc làm diễn biến như kỳ vọng của Fed và giúp chính sách của Fed bớt “diều hâu”, có thể là một yếu tố hỗ trợ khác.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Đây là câu hỏi khó ở thời điểm hiện tại. Phần thông tin tích cực của vĩ mô cũng như vi mô được công bố vừa qua đều không có tác dụng nâng đỡ cho thị trường. Trạng thái tài khoản lỗ không chỉ gặp ở những nhà đầu tư lỡ mua cổ phiếu tại vùng đỉnh 1.500 hay 1.300 điểm mà còn bao gồm những lớp nhà đầu tư mua bắt đáy sớm ở các ngưỡng 1.200, đáy cũ hay thậm chí là vùng 1.100 điểm, cũng đều đang thua lỗ nếu không cắt lỗ sớm.

Trong khi đó, triển vọng dài hạn của thị trường vẫn chưa có dấu hiện lạc quan hơn, khi dòng tiền tham gia có thể còn bị thu hẹp hơn nữa về cuối năm bởi lãi suất vẫn ở xu hướng tăng và trạng thái căng thẳng tín dụng đang dồn ép.

Tuy nhiên trên quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy trong đầu tư, chúng ta chỉ có thể quyết định được phần tài sản còn lại mà không thể tác động được vào phần lỗ đã mất dù là lỗ đã hiện thực hay chưa. Bởi vậy, tôi cho rằng yếu tố hỗ trợ cho tài khoản của nhà đầu tư hiện tại chính là chất lượng của các khoản đầu tư đang nắm giữ.

Trong bối cảnh hiện tại, theo tôi, nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu có vị thế lỗ sẽ có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là có thể tái cơ cấu lại danh mục về tỷ lệ không dùng vốn vay và chỉ nắm phần còn lại là những cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan. Lựa chọn thứ hai dành cho danh mục thua lỗ nhưng không có cổ phiếu chất lượng trong danh mục, nhà đầu tư nên cân nhắc chuyển hóa thành tiền mặt và kiên nhẫn chờ đợi một chu kỳ mới của thị trường để tái gia nhập trở lại.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thanh khoản đã tăng vọt trong phiên giao dịch cuối tuần, cho thấy nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy tốt hơn. Anh chị có giải ngân không, liệu đây đã là thời điểm phù hợp?

 
Xu thế dòng tiền: Còn “cái cọc” nào cho thị trường bấu víu? - Ảnh 5

Với những thông tin đã xảy ra trong tuần rồi, theo tôi nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục suy giảm xuống dưới mức đóng cửa hôm thứ 6 (1.035 điểm) và ngưỡng 980 điểm sẽ là mốc cần chú ý.

Ông Trần Hà Xuân Vũ

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo tôi, một phiên giao dịch trong hoảng loạn với thanh khoản tăng vọt, cho thấy dòng tiền có dấu hiệu tham gia bắt đáy mạnh mẽ. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ để kết luận thị trường đã tạo được đáy hay chưa. Chúng ta cần theo dõi một vài phiên tới, và chưa nên có quyết định vội vàng với vị thế mua mới.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Thị trường giảm về vùng quanh 1.000 như thế này tôi có tham gia giải ngân dần và đợi dòng tiền vào khỏe thì sẽ giải ngân gia tăng thêm tỷ trọng.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi đang nghĩ và luôn ủng hộ trường phái tích sản cổ phiếu và chiến lược mua gom với tỷ trọng nhỏ hợp lý với các cổ phiếu chất lượng cao, cổ phiếu đầu ngành khi giá cổ phiếu giảm sâu. Tâm lý tiếp cận thị trường lúc này là rất quan trọng, kiểm soát tốt tâm lý đầu tư, quản lý danh mục an toàn sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi đã nhìn thấy nhiều cơ hội để có thể đưa ra việc phân bổ dần danh mục tất nhiên là với tầm nhìn cho đến nửa đầu năm 2023. Sự kiên nhẫn luôn có thừa với những cổ phiếu được chọn lọc kỹ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Hà Xuân VũTrưởng phòng Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân Chứng khoán Rồng Việt

Theo tôi tùy vào góc nhìn ngắn hay dài hạn mà nhà đầu tư sẽ có hành động khác nhau. Với góc nhìn ngắn, vẫn phải cần chờ đợi thêm. Với góc nhìn dài hạn, đây là mức rất hấp dẫn để tham gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate