June 27, 2021 | 11:24 GMT+7

Xu thế dòng tiền: Thanh khoản giảm mạnh là tốt hay xấu?

Nguyễn Hoàng -

VN-Index tăng khá tuần qua nhưng thanh khoản giảm quá nhiều là điều khiến không ít nhà đầu tư bối rối. Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia lý giải, đặc biệt điểm thú vị là có thể tính thời điểm cuối quý 2 khiến các dòng tiền được rút về...

VN-Index đang trong xu thế tăng rất rõ nhưng thanh khoản ngày một giảm đi.
VN-Index đang trong xu thế tăng rất rõ nhưng thanh khoản ngày một giảm đi.

VN-Index tăng khá tuần qua nhưng thanh khoản giảm quá nhiều là điều khiến không ít nhà đầu tư bối rối. Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia lý giải, đặc biệt điểm thú vị là có thể tính thời điểm cuối quý 2 khiến các dòng tiền được rút về.

Theo ý kiến các chuyên gia mà VnEconomy tham khảo, những yếu tố phổ biến đều được đề cập tới. Đó có thể là quá trình tích lũy trong trạng thái thanh khoản thấp do nhu cầu mua bán giảm; Sự e ngại với các mã thanh khoản cao nhưng giá đã tăng quá mạnh; Nhà đầu tư cũng có thể ưu tiên quản trị rủi ro, bảo toàn thành quả và chờ một nhịp điều chỉnh hoặc cơ hội rõ nét hơn.

Ngoài ra cũng có quan điểm về hiện tượng co rút dòng tiền mang tính thời điểm. Báo cáo tài chính quý 2 sẽ chốt sổ cuối tháng 6, do đó các công ty chứng khoán có xu hướng giảm cho vay. Đồng thời có thể chính các công ty niêm yết sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán cũng rút về để tránh bị ghi nhận trên báo cáo tài chính.

Tựu trung lại, việc suy giảm thanh khoản khá nhiều trong tuần qua không bị xem là yếu tố bất lợi. Trái lại, quan điểm tích cực nhìn nhận thị trường ít biến động mà thanh khoản thấp là điều hợp lý. Kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới và hệ thống giao dịch mới là yếu tố khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lại.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị thận trọng với câu chuyện VN-Index vượt đỉnh là hợp lý, thị trường tuần này không có chuyển biến lớn nào. Đặc biệt thanh khoản lại sụt giảm nghiêm trọng. Anh chị có lý giải hợp lý nào cho việc thanh khoản suy yếu bất ngờ như vậy?

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản giảm mạnh là tốt hay xấu? - Ảnh 1

Tôi cho rằng có vấn đề mang tính “kỹ thuật” khi các con số ở khoản mục cho vay, trong đó có cho vay nghiệp vụ ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán sẽ được công bố trong báo cáo tài chính bán niên. Bên cạnh đó, dòng tiền ở các doanh nghiệp nếu có “tranh thủ phiêu lưu” cũng sẽ về tài khoản trước khi chốt sổ.

Ông Ngô Quốc Hưng

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Một lý do giải thích dễ hiểu nhất, đó là đối mặt với khoảng trống thông tin cũng như 1 giai đoạn thị trường điều chỉnh tích lũy dường như đi ngang 3 -5 phiên thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư giữ nguyên trạng thái, tỷ trọng cổ phiếu và không mua bán, tạm dừng giao dịch. Ai mua cổ phiếu cũng đã nắm giữ tiếp, bên mua hạn chế mua đợi tin tức mới, bên nào muốn bán thì cũng bán rồi dẫn đến việc thanh khoản toàn thị trường có suy giảm. Tôi đánh giá bản chất hiện tượng này không phải là tiêu cực.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Theo tôi, một trong các nguyên nhân dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm trong tuần cuối tháng 6 là vấn đề mang tính “kỹ thuật” khi các con số ở khoản mục cho vay, trong đó có cho vay nghiệp vụ ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán sẽ được công bố trong báo cáo tài chính bán niên.

Bên cạnh đó, dòng tiền ở các doanh nghiệp nếu có “tranh thủ phiêu lưu” cũng sẽ về tài khoản trước khi chốt sổ. Hiện tượng này cũng có thể mang tính chu kỳ, trong tuần cuối tháng 6 ở các năm 2019 và 2020 thanh khoản thị trường cũng đều giảm so với tuần trước đó.

Năm nay, trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường (cả 3 sàn) đang ở mức kỷ lục (30.310 tỷ đồng/phiên) kể từ đầu tháng 6 cho tới nay và margin ở các công ty chứng khoán cũng gần như chạy hết công suất, thanh khoản khớp lệnh tuần vừa qua cũng giảm về mức 18.500 tỷ đồng/phiên ở sàn HSX, tương đương mức giảm 15,4% so với tuần trước đó, cắt mạch chuỗi 6 tuần liên tiếp thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX đạt trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Việc thanh khoản ghi nhận mức sụt giảm mạnh theo tôi chủ yếu xuất phát từ sự suy yếu cả cung và cầu trong ngắn hạn, khi các nhà đầu tư cầm tiền có tâm lý e ngại cổ phiếu đã tăng quá cao từ đáy trong khi những nhà đầu tư muốn chốt lãi cổ phiếu đã có hành động từ trước đó.

Ngoài ra, hiện tượng này xuất hiện đúng vào thời điểm diễn ra nhiều giải đấu bóng đá nổi tiếng như Euro, Copa America cũng là điều cần lưu ý.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi giai đoạn này nhiều nhà đầu tư đã đặt cao quản trị rủi ro bảo vệ thành quả nên nhiều người đã đứng ngoài và chờ đợi nhịp chỉnh của thị trường hoặc cơ hội rõ nét hơn. Chính vì điều đó làm cho thanh khoản thị trường sụt giảm rất mạnh trong tuần này.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Diễn biến tăng giá rõ nét nhất tuần qua có lẽ chỉ ở nhóm cổ phiếu chứng khoán với kỳ vọng lợi nhuận và hệ thống giao dịch mới. Đây là điều chúng ta đã bàn luận tuần trước. Theo anh chị, mức định giá cơ bản đối với nhóm này còn hợp lý hay không?

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản giảm mạnh là tốt hay xấu? - Ảnh 2

Tôi không nghĩ rằng mức định giá cơ bản của nhóm cổ phiếu chứng khoán là cao. Trái lại giá cổ phiếu các công ty chứng khoán được coi là có nhiều dư địa tăng trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Mức định giá cơ bản đối với cổ phiếu, nhóm cổ phiếu còn hợp lý không là câu hỏi rất phổ biến, việc định giá mang tính chủ quan và mọi người nhận thức về sự hợp lý là khác nhau. Một cổ phiếu đắt thì có thể đắt hơn, trong khi cổ phiếu được xem là rẻ vẫn có thể rẻ hơn, do vậy trong ngắn hạn việc thị trường nghĩ gì làm gì quan trọng hơn.

Trở lại với nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm này đã tăng bình quân 33% trong vòng 1 tháng qua và 76% kể từ đầu năm cho tới nay. Câu chuyện không có gì mới, vẫn là những gì chúng ta đã bàn luận tuần trước, tuy nhiên nó vẫn là câu chuyện được kể hợp thời điểm và tạo được hiệu ứng đáng kể. Yếu tố hợp thời là việc dòng tiền đang tập trung ở đây chiếm 11,2% toàn thị trường, chỉ sau nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép, điều đó cho thấy cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận đối với nhóm này là khả quan trong bối cảnh thị trường đã đi ngang cả tuần vừa qua và rất khó đến chọn được cổ phiếu có mức sinh lời tốt.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Theo tôi về dài hạn thì dòng chứng khoán rất tiềm năng khi thanh khoản thị trường ngày càng cao, nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Nhưng về ngắn hạn hiện tại tôi thấy dòng chứng khoán khá rủi ro khi đã có nhịp tăng mạnh mà nhịp tích lũy giũ bỏ diễn ra khá ngắn nên khó tăng bền được.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Nhóm cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi từ thanh khoản toàn thị trường gia tăng, dòng tiền vào ngày càng lớn, các công ty chứng khoán cũng được kỳ vọng lợi nhuận tốt hơn nhiều so với các năm trước kể cả năm 2020.

Hiện tỷ lệ thị giá trên lợi nhuận ròng trên từng đồng vốn cổ phần còn khá hấp dẫn. Tôi không nghĩ rằng mức định giá cơ bản của nhóm cổ phiếu chứng khoán là cao. Trái lại giá cổ phiếu các công ty chứng khoán được coi là có nhiều dư địa tăng trong thời gian tới.

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản giảm mạnh là tốt hay xấu? - Ảnh 3

Kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp trong năm 2020, hệ thống mới đưa vào giao dịch cùng thời điểm các công ty chứng khoán phát hành thành công cổ phiếu được kỳ vọng giúp nguồn dư nợ cho vay margin được giải ngân thông suốt, giúp thị trường duy trì xu hướng tăng điểm.

Ông Đào Tuấn Trung

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Về cơ bản giá cổ phiếu chứng khoán đã phản ánh trước tiềm năng tăng trưởng trong ngắn hạn, nhất là khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 đang đến gần. Nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán vào thời điểm này cần cân nhắc đầy đủ các rủi ro và cơ hội trước khi tiến hành giải ngân.

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN30-Index đã quay lại test đỉnh trong phiên cuối tuần. Nếu tham gia thị trường phái sinh, anh chị có chọn “đặt cược” chỉ số sẽ vượt đỉnh hay không? Tại sao?

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi nghiêng về kịch bản chỉ số sẽ vượt đỉnh. Chiều Long của các chỉ số phái sinh, VN30F1M trong xu hướng tăng là điều nhiều người đang nghĩ tới chứ không phải riêng mình tôi.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Theo tôi khả năng chỉ số VN30 vượt đỉnh là khá cao, với yếu tố hỗ trợ là kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ mức nền thấp trong năm 2020. Ngoài ra, việc hệ thống mới đưa vào giao dịch cùng thời điểm các công ty chứng khoán phát hành thành công cổ phiếu được kỳ vọng giúp nguồn dư nợ cho vay margin được giải ngân thông suốt, giúp thị trường duy trì xu hướng tăng điểm.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tôi thấy hiện cả VN30 và VN30F1M đang khá tương đồng về mặt mô hình trong ngắn hạn, trong đó VN30F1M có mô hình tăng tiếp diễn rõ nét hơn. Basis trở lại trạng thái dương cho thấy tâm lý giới đầu tư khá lạc quan với xu hướng tăng của thị trường lúc này.

Về kỹ thuật, VN30F1M có nhiều cơ hội để “breakout” khỏi mô hình này ở khu vực 1.505 – 1.508 điểm, giá mục tiêu ngắn hạn của mô hình có thể ở ngưỡng 1.600 điểm.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Nếu chỉ số phái sinh vượt đỉnh quý nhà đầu tư có thể Long vào và nếu thủng kênh hỗ trợ nhà đầu tư có thể canh Short. Theo tôi phái sinh nên đi theo thị trường khi phá vỡ ngưỡng kháng cự thì nên Long và phá vỡ hỗ trợ nên Short.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Thanh khoản tuần này khá thấp cũng có nghĩa là nhà đầu tư giảm giao dịch. Anh chị có giao dịch hay không?

 
Xu thế dòng tiền: Thanh khoản giảm mạnh là tốt hay xấu? - Ảnh 4

Về ngắn hạn hiện tại tôi thấy dòng chứng khoán khá rủi ro khi đã có nhịp tăng mạnh mà nhịp tích lũy giũ bỏ diễn ra khá ngắn nên khó tăng bền được.

Ông Nguyễn Việt Quang

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Tuần vừa qua cũng là tuần mà thị trường đã thử thách tâm lý của nhà đầu tư, ngoại trừ phiên tăng cuối tuần thì 5 phiên trước đó chỉ số dao động không lớn và thanh thấp cũng là tín hiệu tích cực. Do vậy tôi đã tăng tỷ trọng cổ phiếu, các nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán chiếm tỷ trọng cao trong danh mục. 

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tuần này tôi hạn chế giao dịch vì thị trường cũng như nhiều cổ phiếu không biến động nhiều.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tuần qua tôi chỉ quan sát diễn biến của thị trường và không tiến hành giải ngân.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi thường theo sát thị trường và đưa ra quyết định giao dịch tích cực nếu nhìn thấy có những cơ hội tốt. Tôi Thực hiện giao dịch ít khi để ý xem diễn biến thế nào hay thanh khoản ra sao mà nhìn vào cơ hội nào đang xuất hiện – liệu là cơ hội giao dịch ngắn hay nắm giữ dài đôi chút. Tôi cũng tiến này cơ cấu 1, 2 cổ phiếu và nâng tỷ trọng một số cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate