Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết vừa qua, khách hàng sử dụng điện tại Quảng Ngãi nhận được tin nhắn lạ mạo danh EVNCPC, nội dung đề nghị khách hàng thanh toán tiền điện.
Nhận được thông tin phản ảnh của khách hàng, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung (CPCCC) đã kiểm tra lịch sử gửi thông báo đến khách hàng này.
Kết quả kiểm tra cho thấy, từ tháng 3/2023, CPCCC đã dừng gửi SMS và chuyển sang các kênh Zalo OA và App EVNCPC CSKH để gửi thông báo đến khách hàng này; kiểm tra lịch sử gửi đến số điện thoại khách hàng từ tháng 3/2023 cũng không ghi nhận có phát sinh tin nhắn mới.
Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung (CPCIT) đã phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ SouthTelecom, nhà mạng VNPT kiểm tra và xác nhận không gửi tin nhắn SMS đến số điện thoại khách hàng trên với Brandname EVNCPC.
Đánh giá sơ bộ ban đầu, CPCIT nhận định, đối tượng đang vận hành thử nghiệm 1 trạm BTS giả để gửi tin nhắn giả mạo đến khách hàng ngành điện, hiện chỉ mới gửi thử nghiệm đến 1 khách hàng, chưa ghi nhận có phát sinh trường hợp nào khác.
Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đang phối hợp với các nhà mạng, đề nghị phối hợp và có biện pháp dự phòng, ngăn chặn; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Brandname để tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, tránh để kẻ xấu khai thác, lợi dụng gửi tin nhắn qua Brandname do đơn vị quản lý.
EVNCPC cũng lưu ý người dùng tuyệt đối không nhấp, nhấn (click) vào các đường dẫn (link) được gửi kèm trong tin nhắn, không thực hiện theo hướng dẫn, chỉ đạo của tin nhắn, không cung cấp thông tin hay chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân, khi nhận tin nhắn liên quan đến nội dung thanh toán tiền điện, có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo, cần thông báo ngay đến bộ phận chăm sóc khách hàng của điện lực để được hỗ trợ thông qua tổng đài 19001909.
Được biết, các đối tượng đã sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tín hiệu sóng vô tuyến điện, sóng của các thiết bị này đè lên sóng của các nhà mạng viễn thông. Những trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn một phút và gửi từ 80.000 đến 100.000 tin nhắn mỗi ngày. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm với đường dẫn đến những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh trang thông tin (website) của ngân hàng để lừa đảo.
Trong khoảng cách 100m, các thuê bao di động sẽ bị kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng và nhận được tin nhắn lừa đảo. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G), lỗ hổng này tuy đã được các tổ chức quốc tế phát hiện nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Trước sự xuất hiện của các trạm BTS giả mạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ chức năng (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hải quan...) để kiểm soát chặt chẽ hơn, không cho phép thiết bị BTS giả được bán trên các sàn thương mại điện tử và đưa vào Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương tiến hành kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh các trạm BTS. Bộ cũng đã phối hợp với các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm triển khai các biện pháp kỹ thuật công nghệ để xác thực thông tin và định danh khách hàng khi thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến giữa tháng 5/2023, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã thu hồi, hủy hơn 985.000 SIM chiếm 25,79% trong tổng số 3,84 triệu thuê bao bị khóa do không chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, đã có hơn 243 triệu tin nhắn rác, gần 100.000 thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có lừa đảo bị các nhà mạng ngăn chặn.