Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) mới đây đã công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2021 của 10 công ty chứng khoán hàng đầu. Hiện, top 10 công ty chứng khoán chiếm 65,04% giá trị thị phần.
Theo đó, trong quý 2, với thị phần 16,4%, tăng hơn 3 điểm % so với quý trước, Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE. SSI đứng ở vị trí thứ 2 với thị phần 10,97%; Chứng khoán HSC vị trí thứ 3 với thị phần 7,05%, Chứng khoán VNDirect thứ tư thị phần 6,92%.
Đáng lưu ý, Chứng khoán KIS Việt Nam đã lọt vào top 10 thị phần, đạt thị phần môi giới cổ phiếu 2,79%. Trong khi đó, chứng khoán BSC chính thức bị loại khỏi top 10 thị phần.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, VPS vẫn xếp vị trí đầu bảng với thị phần nắm giữ 15,12%; SSI thứ hai với 11,34%; HSC vị trí thứ 3 với 7,52%.
Trong khi đó, dù lọt top 10 công ty chứng khoán thị phần lớn nhất trong quý 2, song Chứng khoán KIS không thể lọt top 10 của 6 tháng đầu năm do thị phần quý liền kề trước đó không đủ điều kiện. Còn Chứng khoán BSC vẫn ở vị trí cuối của top 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất HOSE, tương ứng với 2,93%.
Ở thị trường trái phiếu, TCBS tiếp tục dẫn đầu thị phần môi giới trong quý 2/2021, song thị phần giảm mạnh so với quý trước, từ mức 68,14% về còn 35.98%. Xếp ở các vị trí liền sau là TPS với thị phần 26.15%, Chứng khoán KSS 8,26%. Trong nửa đầu năm, TCBS vẫn đứng đầu về thị phần môi giới trái phiếu. Xếp sau là TPS và Chứng khoán HSC.
Nghiệp vụ môi giới vẫn luôn được xem là hoạt động hái ra tiền của các công ty chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng F0 bất ngờ trỗi dậy, đổ tiền dồn dập vào thị trường suốt từ cuối năm 2020 đến nay. Tuy vậy, theo quan sát thì thị phần lớn chưa chắc đã thuận chiều với lợi nhuận mà các công ty chứng khoán thu được từ mảng này.
Đơn cử, trong quý 1/2021, dù VPS đứng đầu thị phần môi giới, nhưng lợi nhuận mang về vỏn vẹn 79 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn với lợi nhuận của vị trí số 9 - FPTS, và thấp so với nhiều công ty có thị phần xếp sau. Trong khi đó, SSI đứng vị trí thứ hai nhưng lợi nhuận từ hoạt động môi giới 179 tỷ đồng, HSC vị trí thứ 3 nhưng lợi nhuận 139 tỷ đồng, VnDirect thứ tư lợi nhuận 167 tỷ đồng…
Lý giải điều này, một số chuyên gia trên thị trường cho rằng, nguyên nhân có những công ty chấp nhận phí môi giới thấp, miễn giảm phí môi giới để lôi kéo khách hàng, từ đó đẩy mạnh cho vay margin, dẫn đến biên lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, điều này không đúng với tất cả các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không chấp nhận miễn giảm phí, giảm lãi vay margin để gia tăng thị phần.