Theo dữ liệu vừa được Tổng cục hải quan Trung Quốc công bố, trong tháng 3, xuất khẩu của nước này đã phục hồi mạnh. Đây là diễn biến bất ngờ phản ánh nhu cầu tăng lên tại châu Á và châu Âu cũng như sự cải thiện của chuỗi cung ứng.
Còn một lý do khác đằng sau kết quả ngoài dự kiến này là xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tháng 3 tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa hai quốc gia láng giềng.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, đảo ngược mức giảm 6,8% ghi nhận trong hai tháng đầu năm nay và chấm dứt chuỗi giảm kéo dài gần nửa năm (từ tháng 10 năm ngoái).
Kết quả này đi ngược với dự báo giảm 7% được đưa ra bởi các nhà phân tích theo khảo sát của tờ Wall Street Journal.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 3 giảm 1,4% so với một năm trước, trong khi dự báo của các nhà phân tích là giảm 5%. Con số này cũng cải thiện đáng kể so với mức giảm 10,2% của hai tháng đầu năm.
Kết quả tốt ngoài dự báo trên cho thấy sự cải thiện của các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 vào cuối năm ngoái. Gần 3 năm áp đặt các biện pháp này khiến tâm lý người tiêu dùng tại Trung Quốc đi xuống và gây gián đoạn lớn cho hoạt động sản xuất.
Con số tăng trưởng bất ngờ cũng phản ánh mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Trung Quốc và Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang, còn Nga hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây do xung đột ở Ukraine.
Theo tính toán của Wall Street Journal dựa trên dữ liệu hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm trước, lên kỷ lục 9 tỷ USD. Trong hai tháng đầu năm, mức tăng là gần 20%.
Giới phân tích cho rằng dữ liệu tháng 3 tăng mạnh do cơ sở so sánh là tháng 3/2022 ở mức thấp khi đây là thời điểm các nước phương Tây bắt đầu áp đặt trừng phạt với Nga do cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong quý đầu năm, xuất khẩu hàng hóa sang Nga đạt 24 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, dù con số này chỉ chiếm 3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống nga Vladimir Putin nói rằng ông kỳ vọng thương mại giữa Trung Quốc và Nga sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2024. Năm ngoái, thương mại giữa hai nước này tăng trưởng hơn 30% lên 189 tỷ USD.
Sự phục hồi bất ngờ trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc củng cố dự báo của một số nhà kinh tế rằng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng hơn 4%, so với mức tăng 2,9% của quý 4/2022.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các nhà kinh tế học và quan chức Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng về việc hoạt động thương mại có thể tạo động lực cho nền kinh tế chung như thế nào tới hết năm nay.
"Sự gia tăng trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ sớm mở đường cho một đợt suy giảm mới".
Capital Economics
Trong khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn có thể cân nhắc tăng thêm lãi suất trong tháng 5 tới và động thái này có thể kìm hãm chi tiêu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian dài hơn dự báo.
Tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng 1,7% trong năm nay, cao hơn so với mức dự báo 1% mà tổ chức này đưa ra trước đó. Tuy nhiên, mức dự báo này vẫn thấp hơn so với tăng trưởng 2,7% của năm ngoái, một phần do căng thẳng địa chính trị và sự thắt chặt chính sách tiền tệ.
“Sự gia tăng trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ sớm mở đường cho một đợt suy giảm mới”, các nhà kinh tế của Capital Economics viết trong một báo cáo gửi khách hàng ngày 13/4, đồng thời dự báo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Trong khi đó, sự suy yếu trong hoạt động thương mại có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo quá trình phục hồi suôn sẻ hậu Covid-19.
“Nhu cầu quốc tế ảm đạm cùng cá yếu tố bao gồm địa chính trị sẽ gây ra những thách thức lớn hơn. Chúng ta cần nỗ lực để thương mại đóng vai trò hỗ trợ cho nền kinh tế”, Lü Daliang, người phát ngôn Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phát biểu.
Tuần trước, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ hơn đối với các nhà sản xuất đang xuất khẩu hàng hóa sang các nền kinh tế phát triển, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các thị trường láng giềng như Tổ chức các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Xuất khẩu sang ASEAN của Trung Quốc tháng 3 tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 56 tỷ USD, trong khi mức tăng của hai tháng đầu năm là 9%. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) của nước này tăng 3,5%, sau khi giảm 12% của hai tháng trước đó. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 7,7%, thu hẹp mức giảm 22% trong hai tháng đầu năm.