June 12, 2009 | 10:32 GMT+7

Xuất khẩu dệt may 2009 khó đạt mục tiêu

Hồng Thoan

Dự kiến, nếu không có sự đột phá thì năm 2009 ngành dệt may sẽ không đạt được kim ngạch xuất khẩu như năm 2008

Tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/5/2009 đạt 2,894 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ - Ảnh: TT.
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/5/2009 đạt 2,894 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ - Ảnh: TT.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2009, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên xuất khẩu dệt may 5 tháng đầu năm tăng trưởng âm (-1,8%).

Dự kiến nếu không có sự đột phá thì năm 2009 sẽ không đạt được kim ngạch xuất khẩu như năm 2008 (9,13 tỷ USD).

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhập khẩu nguyên phụ liệu 5 tháng đầu năm tất cả đều âm so với cùng kỳ năm trước, âm ít nhất là 10% và âm nhiều nhất là 20%. Từ đó, có thể dự báo những tháng tới kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tiếp tục âm.

Trong 15 ngày đầu tháng 5/2009, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự kiến đạt 317 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/5/2009 đạt 2,894 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ và nếu tính dự đoán con số xuất khẩu cả tháng 5 là 650 triệu USD thì kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đã giảm gần 2% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm này là do nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn sản phẩm dệt may của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm mạnh, bán lẻ dệt may tại các thị trường này giảm tới trên 20%.

Trong nước, nhiều doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số doanh nghiệp FDI gặp khó khăn, thiếu đơn hàng sản xuất trong quý 1/2009 (đơn hàng giảm tới 20 - 25%), giá giảm từ 10 - 15%, nên buộc phải sa thải người lao động.

Hiệp hội Dệt may cho biết, tín hiệu đáng mừng là hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng trở lại tới hết quý 3/2009. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, đơn hàng sản xuất trong tháng 6-7/2009 đã ký kết được khá nhiều. Một số doanh nghiệp lớn đã phải chuyển bớt một phần đơn hàng đi gia công tại nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương mới kịp giao hàng.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít đơn hàng hơn, biến động nhiều hơn nên nhiều đơn vị chủ yếu làm vệ tinh sản xuất cho các doanh nghiệp lớn để duy trì việc làm. Mặc dù nhìn chung mức giá thấp hơn trước nhưng các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận đơn hàng để duy trì sản xuất và giữ người lao động.

Theo đó, các đơn hàng loại giá cao và trung bình giảm nhiều, đơn hàng giá thấp giảm ít hơn. Nhưng đến thời điểm hiện nay, giá cả đã được cải thiện hơn do áp lực giá đầu vào tăng. Cộng với diễn biến lượng khách giao dịch nhiều nhưng đơn hàng vẫn biến động, điều này phản ánh xu thế các khách hàng tăng cường giao dịch để tìm nơi sản xuất có giá cả hấp dẫn hơn.

Thế nhưng, nguồn nhân lực sản xuất dệt may lại là một bức tranh trái chiều. Khi mà một số doanh nghiệp phải đóng cửa, giảm bớt sản xuất và sa thải người lao động thì tại một số doanh nghiệp, khu vực, lượng đơn hàng nhiều buộc đơn vị phải tìm thêm lao động hoặc chuyển đơn hàng đi gia công tại các doanh nghiệp khác.

Dự kiến, với tình hình đơn hàng và sản xuất hiện nay, xuất khẩu trong những tháng tới sẽ có sự cải thiện do đã vào vụ sản xuất chính. Sau đó sẽ giảm dần từ tháng 9 đến tháng 10/2009 trở đi nếu kinh tế thế giới chưa hồi phục.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã triển khai áp dụng nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ cho người lao động giải quyết đỡ khó khăn khi mất việc làm, hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại...

Tác động có hiệu quả nhất đến các doanh nghiệp là chính sách hỗ trợ lãi suất 4% khi vay vốn lưu động và gần đây là vốn đầu tư ngắn hạn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn cần thiết cho sản xuất kinh doanh với mức lãi suất khá thấp.

Tuy nhiên chỉ có Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam cho doanh nghiệp ân hạn trả nợ 1 - 2 năm, còn các ngân hàng khác thì doanh nghiệp lại khó tiếp cận.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate