Tính đến hết tháng 5/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 3,72 tỷ USD vào Canada, tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dệt may, da giày nằm trong top 4 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Đây là con số do Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết dựa theo số liệu sở tại ghi nhận được số liệu trung chuyển qua Hoa Kỳ để vào Canada công bố ngày 21/7/2023.
DA GIÀY CÓ TỶ LỆ SỬ DỤNG ƯU ĐÃI CPTPP CAO NHẤT 72%
Với mặt hàng da giày, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết tốc độ tăng trưởng kim ngạch da giày của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đạt 72%, giúp Việt Nam thành công chiếm lĩnh thêm thị phần với tỷ lệ 26,5% vào năm 2022 (trong khi Trung Quốc giảm xuống còn 34,7%). Năm 2022, Việt Nam là nước xuất khẩu da giày đứng thứ hai vào Canada, với 832 triệu USD sau Trung Quốc (1,09 tỷ USD).
“Như vậy, 5 năm sau Hiệp định CPTPP, Việt Nam đã xuất khẩu tăng gần gấp đôi vào thị trường Canada. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần da giày của Việt Nam tại Canada cho thấy hiệu ứng tích cực của hiệp định mang lại”, bà Quỳnh nhận định.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Thương vụ cho thấy, dù da giày là mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP cao nhất (72%) so với các mặt hàng khác của Việt Nam, nhưng ước tính vẫn có trên 230 triệu USD hàng xuất khẩu (như giày thể thao, giày đá bóng, dép xỏ ngón…) xuất khẩu với thuế suất tối huệ quốc (MFN) từ 5-20%, trong khi đáng lẽ chúng ta được hưởng thuế CPTPP bằng 0%.
Đối với một số mặt hàng giày dép có sự chênh lệch về mức thuế giữa MFN và CPTPP, các doanh nghiệp phải trả thuế cao thêm từ 10-13,5%.
Điển hình, mã HS 42 là ngành hàng xuất khẩu quan trọng vào Canada do có nhu cầu lớn. Năm 2022, có đến 54% các sản phẩm bằng da thuộc nhóm mã HS 42 xuất khẩu đã sử dụng C/O CPTPP. Đây là một trong những ngành hàng có tỷ lệ sử dụng CPTPP cao nhất trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Nhưng vẫn còn đến 43% (tương đương 100 triệu USD) sản phẩm xuất sang Canada sử dụng C/O MFN, chịu thuế từ 5-15,5%. Chủ yếu là các sản phẩm: găng tay da (15,5%), áo khoác da (13%), vali, rương hòm, túi xách (11%), ví, thắt lưng, các sản phẩm nhỏ (8-9,5%), yên xe, dụng cụ, túi da khác (5-7%), trong khi đáng lý chúng ta có thể được hưởng miễn thuế nếu tận dụng tốt nguyên tắc xuất xứ…
CPTPP CHƯA MANG LẠI ĐƯỢC SỨC CẠNH TRANH CHO DỆT MAY
Với sản phẩm dệt may, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD sản phẩm dệt may các loại sang Canada. Nếu xét cả 3 mã HS (61-62-63), năm 2022 Việt Nam chiếm 12,5 % thị phần dệt may tại Canada, chỉ sau Trung Quốc (32,1%) và Bangladesh (12,8%). Nếu Việt Nam giữ tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần hiện nay, đến cuối năm 2023, chúng ta có thể vươn lên vị trí thứ 2 về thị phần.
“Tiếc là các sản phẩm dệt may của Việt Nam sang địa bàn có tỷ lệ sử dụng ưu đãi CPTPP rất thấp”, bà Quỳnh nói. Theo nghiên cứu của Thương vụ, mã HS 62 (quần áo không dệt kim) vẫn sử dụng tới 79,9% form MFN (tương ứng với 645 triệu USD hàng hoá); chỉ có khoảng gần 20% sử dụng form CPTPP.
Đáng lưu ý, vẫn có 0,08% sử dụng form GPT (mức thuế ưu đãi đơn phương Canada dành cho một số nước đang/kém phát triển). Mã HS 61 (quần áo dệt kim) thậm chí sử dụng tới 90,6% form MFN (tương ứng với 860 triệu USD hàng hoá); chỉ có khoảng 9% sử dụng form CPTPP (tương ứng với 86 triệu USD hàng hoá).
Thậm chí, vẫn có 0,187% sử dụng form GPT. Mặt hàng thuộc nhóm HS 63 chủ yếu vẫn xuất khẩu vào Canada theo thuế suất MFN (53%); 46% sử dụng C/O CPTPP.
Trong nhóm xuất theo MFN, khoảng 32 triệu USD hàng hoá là chịu mức thuế từ 14-18%. Chủ yếu là các sản phẩm bọc ghế xe (15,5%), vải giường, vải bàn, khăn tắm và khăn bếp (18%), chăn ga gối, vải rèm, vải lều, khăn công nghiệp (17%)… Trong khi đáng lý chúng ta có thể được hưởng thuế CPTPP bằng 0%.
“Từ sự so sánh tốc độ tăng trưởng kim ngạch, có thể thấy, CPTPP chưa mang lại được sức cạnh tranh cho dệt may Việt Nam như kỳ vọng. Chúng ta chưa thể lấn sân thị phần của Trung Quốc và thậm chí còn khá khó khăn để cạnh tranh các đơn hàng mới với Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Campuchia”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Bộ Kinh tế Ontario mới đây cũng vừa thực hiện đánh giá mức độ hiểu biết và sử dụng CPTPP của các doanh nghiệp Canada, kết quả cho thấy thấp hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do khác. Chính vì vậy, tác động chuyển dịch để mang lại các đơn hàng mới của CPTPP đối với Việt Nam vẫn chưa cao.
PHẦN LỚN VẪN “ƯA” SỬ DỤNG C/O MFN
Trong các sản phẩm nội thất (HS 94), các mặt hàng bằng gỗ (HS 44), mặt hàng thủ công mỹ nghệ (HS 46) thì HS 46 khai thác khá tốt CPTPP, với tỷ lệ sử dụng lên đến 61%. Tuy vậy, vẫn có hơn 5 triệu USD hàng hoá (gần 40%) vẫn sử dụng form MFN, trong khi các mặt hàng này hoàn toàn đủ điều kiện hưởng ưu đãi miễn thuế quan.
Các sản phẩm chịu thuế chủ yếu là rổ mây tre (6,5%), sản phẩm sợi rơm thủ công, rương hòm mây tre (11%), thảm mây tre (2,5-5%), túi cói (3%), các sản phẩm rương giỏ tre (7%)…
Tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP và GSP đối với xuất khẩu sản phẩm gỗ có mã HS 44 lần lượt là 40% và 6%. Trong khi đó, 53% vẫn sử dụng C/O MFN để xuất sang địa bàn, với giá trị gần 20 triệu USD (đa số có thuế suất MFN bằng 0%).
Gần 4 triệu USD sản phẩm vẫn chịu mức thuế từ 3-9%, trong khi đáng lý được hưởng 0% theo CPTPP, chủ yếu là các sản phẩm hộp gỗ (7-9.5%), khung tranh hoặc tranh chạm gỗ, thớt, gỗ tấm dụng cụ, bát đũa gỗ, tượng trang trí, mắc áo (6-7%), gỗ xây dựng và gỗ sàn (3%).
Tình hình tương tự với mặt hàng nội thất, chỉ có 35% xuất khẩu mã HS 94 của Việt Nam sang địa bàn sử dụng CPTPP, 63% vẫn sử dụng MFN và khoảng gần 2% sử dụng GPT.
Hiện 283 triệu CAD (đồng nội tệ Canada) sản phẩm nội thất xuất sang địa bàn đang chịu mức thuế MFN từ 5-15,5%, trong khi đáng lý được hưởng 0% theo CPTPP.
Chủ yếu là các sản phẩm ghế ô tô (6%), chân nến, đèn, thiết bị chiếu sáng (5-7%), nội thất văn phòng, nội thất nhà bếp, nội/ngoại thất bằng sắt, đệm (8%), nội thất từ mây tre, nội thất nhựa, nội thất gỗ gia dụng, nội thất trẻ em, giá gỗ, ngoại thất gỗ, đệm vật liệu tự nhiên (9.5%), chăn bông, gối, đệm tổng hợp (14%), túi ngủ (15.5%)…