June 29, 2007 | 08:02 GMT+7

Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ: Lửng lơ nguy cơ chống bán phá giá

Xuân Thái

Những năm gần đây, xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã gia tăng khá nhanh

Đối với thị trường Hoa Kỳ, đồ gỗ Việt Nam được đánh giá là có chất lượng, kiểu dáng sáng tạo và có giá khá cạnh tranh so với một số nước.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, đồ gỗ Việt Nam được đánh giá là có chất lượng, kiểu dáng sáng tạo và có giá khá cạnh tranh so với một số nước.
Những năm gần đây, xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã gia tăng khá nhanh.

Tính chung cả sản phẩm gỗ và nội thất, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp 56 lần, từ 16 triệu USD (năm 2001) lên 902,5 triệu USD (năm 2006). Đây là mặt hàng lớn sau dệt may, dầu khí và giày dép đang xuất khẩu vào Mỹ.

Theo một con số thống kê, năm 2001 Việt Nam chỉ mới xuất khẩu vào Hoa Kỳ một lượng rất nhỏ đồ gỗ, 16,1 triệu USD, chiếm 0,06% tỷ trọng nhập khẩu đồ gỗ của nước này. Sang năm 2002, con số này nhảy vọt, đạt 44,7 triệu USD, tăng 178% so với 2001 và vượt qua cả tốc độ tăng trưởng của tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ 1,84 lần, đạt tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước.

Tăng trưởng cao nhưng thiếu ổn định

Những năm tiếp theo đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ tuy vẫn giữ ở mức độ khá cao, song đã có nhiều dấu hiệu thiếu ổn định.

Ví dụ, năm 2003 đạt 116 triệu USD, tăng 160% và đây là mức tăng cao nhất trong số 25 nước xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu sang Mỹ, tăng gần gấp 6 lần tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ (98%) và chiếm 20% thị phần đồ gỗ của Việt Nam.

Đến năm 2004, con số này là 388 triệu USD, tăng 235% và là mức tăng kỷ lục do năm đầu Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực.

Hoa Kỳ trở thành nhà nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam và hàng đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường này đứng thứ 3 sau dệt may và giày dép. Đến năm 2005, bắt đầu có dấu hiệu đi xuống khi kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chỉ đạt 697 triệu USD trong số 1,53 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam (chiếm 79%). Tốc độ tăng trưởng năm 2006 là 29% với 902,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Riêng quý I/2007, kim ngạch đạt được 277,7 triệu USD, tăng được 49% so cùng kỳ.

Trong số 3 thị trường nhập khẩu đồ gỗ chủ yếu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, kể từ năm 2005, Hoa Kỳ đã vươn lên vị trí cao nhất, chiếm 44%, trong cơ cấu thị trường của đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Theo nhận xét của các chuyên gia, xuất khẩu đồ gỗ nội thất của Việt Nam vào Mỹ tăng nhanh là do một số nguyên nhân, trong đó yếu tố quan trọng là Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam giảm mạnh, trung bình từ 50 - 55% xuống còn 0 - 3%.

Ngoài ra, đối với thị trường Hoa Kỳ, đồ gỗ Việt Nam được đánh giá là có chất lượng, kiểu dáng sáng tạo và có giá khá cạnh tranh so với một số nước, đứng thứ năm trong số 10 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất vào Hoa Kỳ, sau Trung Quốc, Canada, Mexico và Italia.

Các nhà nhập khẩu của Mỹ tìm đến Việt Nam như một địa chỉ cung cấp đồ gỗ ở châu Á để không quá lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc đang làm mưa làm gió tại thị trường này. Mặt khác để đối phó với thuế chống bán phá giá đối với đồ gỗ dùng trong phòng ngủ nhập từ quốc gia này, đồng thời để tránh lệ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung.

Ngoài ra, năng lực cung ứng hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng được tăng cường, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá về năng lực ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ cũng là một nguyên nhân góp phần làm cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ quan tâm đến các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam.

Lửng lơ nguy cơ chống bán phá giá

Trong năm 2007, dự báo xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 40% so với 2006, tương đương khoảng 1,26 tỷ USD cho cả năm 2007.

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ và theo ý kiến nhận xét, đánh giá của một số nhà nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam của Mỹ, thì đang tồn tại một số vấn đề chính sau đây giữa hai bên.

Trước hết, hiện tại nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ vẫn rất lớn và tiếp tục tăng, trong khi hàng Trung Quốc bị thuế chống phá giá, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ mong muốn tìm thêm nguồn khác từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đang đáp ứng được những tiêu chí quan trọng đối với thị trường Mỹ, như: kim ngạch xuất khẩu còn chưa cao nên nguy cơ bị kiện phá giá thấp, khả năng mở rộng quy mô sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam đã có, có thêm nhiều nhà máy mới, hàm lượng chất xám trong sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang được nâng cao, cơ sở hạ tầng có cải thiện.

Song song đó, công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Ví như tham gia vào các hội chợ hàng nội thất và đồ gỗ danh tiếng tại Hoa Kỳ, uy tín Việt Nam được tăng cao do tư cách thành viên chính thức của WTO.

Đến nay, tuy chưa có dấu hiệu nào từ phía Mỹ cho thấy hàng đồ gỗ nội thất của Việt Nam bị kiện chống phá giá tại nước này. Song theo một số chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng theo dõi chặt chẽ xuất khẩu của 3 nhóm chính đã vượt ngưỡng 3% thị phần tại thị trường Hoa Kỳ.

Đó là, đồ gỗ nội thất trong phòng ngủ (không kể ghế) 14,66%; các loại đồ gỗ khác 3,71%; các loại ghế khung gỗ không bọc 5,54%. Ba mặt hàng có mã lần lượt là 940350, 940360 và 90169 và là ba mã hàng thuộc diện “nguy cơ cao”, có thể nằm trong “tầm ngắm” của các vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy ra.

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý vĩ mô cần tăng cường định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xúc tiến xuất khẩu các nhóm hàng vốn là thế mạnh nhưng kim ngạch và thị phần của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chưa cao, như: đồ gỗ nội thất dùng trong nhà bếp, trong văn phòng, đồ nội thất có kết hợp (kèm kim loại, nệm, vải, các phụ liệu khác...).

Hiện nay, hầu như xuất khẩu hàng đồ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ chủ yếu chỉ tập trung vào hai nhóm hàng chính là bàn ghế và nội thất phòng ngủ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate