Bất chấp những khó khăn, hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao.
Sau hai tháng tính từ thời điểm hai tổ chức là Cơ quan điều tra môi trường phi chính phủ (EIA) của Anh và đối tác Telapak (Indonesia) công bố bản báo cáo quy kết ngành gỗ Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập lậu, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam không bị ảnh hưởng gì!
Các doanh nghiệp Việt Nam luôn tuân thủ mọi quy tắc! Đấy là câu khẳng định của ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa). Ông Hạnh cho rằng nếu so sánh, ngành gỗ Việt Nam "sinh sau đẻ muộn" hơn rất nhiều so với ngành chế biến gỗ của các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhưng xét về mặt tuân thủ các quy tắc của ngành thì Việt Nam lại đi đầu.
Tuân thủ mọi quy tắc xuất khẩu
Theo như số liệu công bố trên website của Hội đồng Quản trị rừng thế giới (FSC), đến cuối tháng 3/2008 Việt Nam có đến 151 nhà máy được cấp giấy chứng nhận quản lí rừng bền vững FSC. Trong khi đó, Thái Lan mới được 8 nhà máy, Indonesia có 59 và Malaysia là 66.
Dựa vào các con số nhà máy đạt chứng chỉ FSC có thể khẳng định rằng các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ Việt Nam làm ăn rất nghiêm túc không giống như những gì mà bản báo cáo của EIA và Telapak đã cáo buộc là sử dụng gỗ nhập lậu để chế biến xuất khẩu. Trong suốt thời gian qua, phía các khách hàng mua hàng nước ngoài vẫn không có phản ứng tiêu cực nào đối với gỗ Việt Nam. Hoạt động giao thương vẫn diễn biến bình thường. Không có chuyện các nhà nhập khẩu từ chối đồ gỗ của Việt Nam.
Kết quả hoạt động của ngành trong thời gian qua là minh chứng được cho việc làm ăn nghiêm túc của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Theo số liệu từ Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2008, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã xuất khẩu đạt được 934 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2007.
Tiếp đó, ông Hạnh còn cho biết thêm: hàng năm, Việt Nam đã bỏ ra cả tỷ USD để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nơi trên thế giới. Hơn 70% nguồn nguyên liệu của ngành chế biến gỗ Việt Nam là được nhập khẩu từ năm châu trên thế giới. Trong khi, ngay cả gỗ khai thác từ những khu rừng trồng trong nước các doanh nghiệp cũng phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng của gỗ, huống hồ chi là gỗ nhập khẩu từ nước ngoài vào. Thực tế phía Hải quan kiểm tra rất chặt chẽ hoạt động xuất nhập sản phẩm gỗ.
Còn nhiều cơ hội phát triển
Có thể nói cơ hội phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam còn rất lớn. Trước đây, Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhất của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Tại Mỹ, Trung Quốc đang là nước dẫn đầu tỉ trọng xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường này. Nhưng nay, mặt hàng đồ gỗ Trung Quốc đang bị áp thuế bán phá giá rất cao tại thị trường Mỹ.
Vì vậy, các nhà nhập khẩu đang có xu hướng tìm kiếm và chuyển sang mua hàng của các thị trường khác có mức giá rẻ hơn như Việt Nam. Các chuyên gia đều nhận định đây là cơ hội cho ngành chế biến gỗ Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Đồng thời, một số thông tin còn cho rằng: hiện tại Trung Quốc đang có chính sách cắt giảm sự tăng trưởng của ngành chế biến gỗ của mình, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Trung Quốc lại đang bị đánh thuế xuất khẩu. Để giảm chi phí, thay vì sản xuất tại Trung quốc thì xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam với giá rẻ sau đó "tân trang" lại và xuất sang các nước khác.
Trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh. Theo số liệu từ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM, đồ gỗ Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc năm 2005 đạt 60 triệu USD, 2006 là 94 triệu USD và năm 2007 đạt 168,5 triệu USD.
Hiện tại, thị trường Mỹ vẫn chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn của đồ gỗ Việt Nam với 41%, tiếp đó là thị trường Nhật Bản là 12,8%, thị trường Anh 8,2%. Theo kế hoạch đề ra, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ đạt 3 tỷ USD, với kết quả hoạt động của bốn tháng đầu năm khá thuận lợi nếu không có diễn biến xấu thì mốc xuất khẩu 3 tỷ USD của cả năm sẽ đạt được! Và, năm 2008 ngành chế biến gỗ đạt chỉ tiêu đề ra sẽ là tiền đề đi đến mục tiêu 5 tỷ đến năm 2010.
Dự tính từ nay đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu sẽ như sau: Mỹ, Anh sẽ đạt đến mức 27,7%, Hà Lan 12% và Hàn Quốc là 10%.
Tuy nhiên, hiện tại ngành chế biến gỗ cũng đang gặp một số khó khăn, xuất phát từ sự tác động của tình hình thị trường chung trên thế giới chứ không phải từ việc bị cáo buộc là xài gỗ lậu. Tại thời điểm này, lượng đơn hàng về khá chậm so với cùng kì những năm trước. Nguyên nhân là do một số thị trường xuất khẩu lớn của đồ gỗ Việt Nam đang gặp khó khăn như kinh tế Mỹ đang suy giảm, kinh tế Nhật Bản thì hoạt động giậm chân tại chỗ. Vì vậy sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa cũng bị ảnh hưởng.
Hiện tại, cùng với việc thỏa mãn các nhu cầu về điều kiện về chất lượng, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu các doanh nghiệp còn phải khắc phục những khó khăn chung trong quá trình hoạt động sản xuất về nguồn nhân lực, tay nghề và nguồn nguyên liệu... Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ tại chỗ. Đến nay, cả nước đã trồng mới được hơn 2,5 triệu ha rừng.
Thống kê đến nay cho thấy, trong ngành chế biến gỗ Việt Nam có khoảng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 250 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung ở thị trường hàng nội thất và chiếm giữ 56% tỷ trọng xuất khẩu của ngành/năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang trong xu hướng chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm nội thất bởi thị trường nội thất đang rộng mở. Vì vậy sự chuyển hướng của các doanh nghiệp hứa hẹn sự phát triển cho ngành. Năm 2007, trong số 2,7 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ thì mặt hàng đồ gỗ trong nhà chiếm đến 2 tỷ USD. Đây là một thị trường tiềm năng đầy hứa hẹn đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của VN.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate