Nhiều chuyên gia cho rằng gạo Việt Nam muốn vừa giữ được giá trên thị trường quốc tế, vừa giữ được mặt bằng giá trong nước thì phải nhờ vào thị trường tập trung – cơ sở để đàm phán các hợp đồng thương mại.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2009, do đẩy mạnh được xuất khẩu gạo nên đã giải quyết được một số vấn đề, trong đó lớn nhất là vấn đề tiêu thụ hàng hóa lúa gạo của nông dân, cả lượng tồn kho của năm 2008 chuyển sang và tiêu thụ hết lúa gạo của vụ đông xuân của nông dân với hiệu quả cao. Theo tổng hợp số liệu của Bộ Tài chính đã đạt mức lãi bình quân khoảng 55%.
Lượng tăng nhưng hiệu quả thấp
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định rằng, mặc dù trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 4,450 triệu tấn, tăng khoảng 46% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng kim ngạch chỉ đạt gần tròn 1,9 tỷ USD, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ. Do đó, lượng xuất khẩu thì nhiều nhưng hiệu quả thì lại không tăng.
Kế hoạch của Hiệp hội Lương thực hiện nay là sẽ xuất khẩu trong năm 2009 đạt khoảng 6 triệu tấn, vượt 1 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu. “Về số lượng thì không khó khăn lắm, vì hiện nay theo kế hoạch trong 4 tháng cuối năm chỉ còn 1,5 triệu tấn, chia bình quân khoảng 400 ngàn tấn/tháng thì chắc chắn có thể đạt được”, ông Huệ khẳng định.
Vấn đề đang khiến các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong ngành lương thực đau đầu chính là hiệu quả xuất khẩu. Ông Huỳnh Minh Huệ nhấn mạnh, hiện nay, mặt bằng giá đã giảm rất mạnh, giá bình quân của lúa đạt tiêu chuẩn lúa khô hè thu giảm khoảng 200 – 300 đồng/kg so với tháng 7/2009. Nếu không có quyết sách tích cực đẩy mạnh xuất khẩu và mua vào kịp thời thì giá có thể còn giảm nữa, không đảm bảo được mức lãi cho nông dân.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này tồn kho dự kiến còn khoảng 1,550 triệu tấn và hợp đồng đã ký giao từ đầu tháng 9 đến cuối năm 2009 còn lại khoảng 1,150 triệu tấn nhưng khả năng thực hiện lại phụ thuộc vào tình hình giá cả biến động. Nếu giá xuống thấp hơn nữa thì các hợp đồng có thể bị hủy hoặc chờ hết hạn không thực hiện coi như mất hợp đồng. Trong khi giá gạo Việt Nam hiện nay thấp nhất thế giới, trước đây chỉ thấp hơn giá gạo của Thái Lan 30 – 40 USD thì nay lên đến hàng 100 USD/tấn, thậm chí có lúc còn thấp hơn cả giá gạo của Pakistan vốn được đánh giá là gạo có chất lượng thấp hơn.
Làm gì để nâng cao hiệu quả xuất khẩu?
Để có thể duy trì được giá gạo xuất khẩu đảm bảo hiệu quả xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp hội viên kiến nghị với các cơ quan chức năng cần phải giải quyết vấn đề thị trường và làm tốt công tác xúc tiến thương mại. Hiện nay, cơ cấu thị trường của mặt hàng gạo chia làm 2 nhóm, thứ nhất là hợp đồng tập trung – các thị trường có thỏa thuận chính phủ, các thị trường mà các nước nhập khẩu chỉ định một đầu mối để nhập khẩu – thị trường này hiện chiếm khoảng 50%. Thị trường này có tính chất quan trọng, hướng dẫn để giao dịch và ký kết các hợp đồng thương mại – nhóm thứ hai.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Lương thực miền Bắc phân tích, trong khi chất lượng gạo, vị thế của gạo Việt Nam chưa thực sự có vai trò quyết định trên thị trường thế giới thì vẫn phải cố gắng đảm bảo làm sao trong tỷ trọng thị trường thì thị trường tập trung là 50% và thị trường thương mại là 50%. Quyết định giá của thị trường tập trung sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhưng ông Huệ cho biết, thời điểm này, chúng ta không có hợp đồng tập trung, từ nay đến cuối năm dựa chủ yếu vào thị trường thương mại, do đó các thương nhân ép giá rất mạnh với các hợp đồng thương mại, không theo giá quốc tế mà thông thường lấy theo giá trong nước để mặc cả. Cho nên vấn đề điều hành xuất khẩu hết sức quan trọng, Nhà nước cần phải có biện pháp can thiệp để bảo vệ lợi ích cho người nông dân, trong đó cần chỉ đạo giữ giá sàn xuất khẩu, giữ giá thu mua trong nước bằng cách sử dụng biện pháp thị trường.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, Bộ Công Thương nên sát sao hơn trong công tác điều hành, như trong vai trò thay mặt Chính phủ để phân chia số lượng cho các doanh nghiệp mua của nông dân tại thời điểm nào, số lượng bao nhiêu, tại địa bàn nào...; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mua lúa của dân phải có đầu ra, ví dụ như ký hợp đồng tập trung thì nên ưu tiên một lượng nhỉnh hơn các đơn vị khác để xuất khẩu.
“Mục đích ký hợp đồng tập trung cũng là để tiêu thụ lúa cho nông dân cho nên không thể cào bằng đối với tất cả các đơn vị bởi có đơn vị không thu mua lúa của dân nhưng vẫn được ưu tiên xuất khẩu vào thị trường tập trung” – bà Tâm nhấn mạnh.
Trong khi Hiệp hội Lương thực và các doanh nghiệp đang tiếp tục tìm kiếm thêm những kênh xuất khẩu mới chẳng hạn như tìm thị trường bán hàng trực tiếp, xúc tiến thương mại vào những thị trường có tiềm năng nhưng vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào việc các cơ quan chức năng hướng dẫn DN đi vào một số thị trường thông qua các thỏa thuận chính phủ, nâng cao khả năng an toàn về giá xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate