Số liệu từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, trong kỳ 1 tháng 10/2022 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2022), trị giá xuất khẩu đạt 14,11 tỷ USD, giảm 17,5% so với kỳ 2 tháng 9/2022. Trong kỳ này, có 4 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Điện thoại và linh kiện đạt gần 2,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trên 1,9 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 1,84 tỷ USD; dệt may đạt trên 1,278 tỷ USD.
Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 296,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số 32 mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 3 mặt hàng đạt trên 6 tỷ USD là thủy sản (8,907 tỷ USD), sắt thép các loại (6,685 tỷ USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (9,259 tỷ USD).
Đáng chú ý, có tới 6 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm từ gỗ (12,796 tỷ USD); Dệt may (30,307 tỷ USD); Giày dép các loại (19,073 tỷ USD); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (43,791 tỷ USD); Điện thoại các loại và linh kiện (47,7 tỷ USD); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (36,1 tỷ USD).
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu diễn biến tiêu cực trong thời gian qua, các ngành càng có nhiều cổ phiếu (DN) xuất khẩu thì mức độ giảm càng lớn so với Vn-Index gồm Nông-Lâm-Thủy sản, vật liệu xây dựng, gỗ và nội thất, lốp xe.
Về mặt định giá, chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 30% từ đỉnh, đang giao dịch tại mức P/E 11,x lần, tương đương E/P ở mức 9,x%, chỉ thấp hơn giai đoạn tháng 10-12/2012.
Mức lợi tức này cao hơn CPI là 4,77% và cao hơn lãi suất liên Ngân hàng 3 tháng là 0,55%. Mức định giá hiện tại đã khá thấp, theo Chứng khoán Yuanta, khi các điều kiện vĩ mô cải thiện và nhuận các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại tăng trưởng, thị trường có thể sẽ phục hồi do tỷ suất lợi nhuận E/P hấp dẫn.
Cũng theo Yuanta, nhà đầu tư có thể theo dõi/xem xét các nhóm gồm Sắt thép (HPG, NKG), gỗ và nội thất gỗ (PTB). Hai nhóm này xuất khẩu giảm, theo dõi đến khi tình hình tiêu cực đã phản ảnh vào giá cổ phiếu và tình hình cải thiện.
Trị giá xuất khẩu giảm liên tiếp trong 3 tháng trở lại đây. Trong tháng 9/2022, lượng xuất khẩu sắt thép các loại là hơn 533 nghìn tấn với trị giá 429 triệu USD, tăng 3,8% về lượng và giảm 6,2% về trị giá. Tính từ đầu năm đến hết quý 3/2022, cả nước xuất khẩu 6,46 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá 6,51 tỷ USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 22,6% về trị giá so với 3 quý/2021.
Lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong 3 quý/2022 chủ yếu sang các thị trường: ASEAN với 2,68 triệu tấn, giảm 10,8%; EU với 1,27 triệu tấn, giảm 10%; Hoa Kỳ với 517 nghìn tấn, giảm 22%... so với 3 quý/2021. Trong khi đó, lượng xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 95,5% chỉ đạt 95 nghìn tấn.
"Tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng thép sản xuất là không quá nhiều. Tuy nhiên, mức định giá P/B hiện tại cổ phiếu thép đang ở mức thấp gần mức đỉnh dịch COVID 2020", Yuanta nhấn mạnh.
Với nhóm Gỗ và nội thất gỗ, mức định giá P/E ở mức 10.x hiện tại không thấp nhưng là do kết quả kinh doanh suy giảm. Định giá P/B hiện tại 0.89 lần chưa quá thấp nhưng đã gần mức đáy trước đó (0.67 lần).
Nhóm thứ hai nhà đầu tư có thể theo dõi là Hóa chất DGC, CSV, DPM, DCM. Với kết quả kinh doanh tích cực và mức định giá P/E thấp, P/B hiện tại (1.5x) về gần mức 2018 (1.27x) không quá cao. Nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu hóa chất riêng lẻ với tiềm năng giá mặt hàng hóa chất đó tiếp tục cao trong năm sau.