July 23, 2008 | 10:22 GMT+7

Xuất khẩu “kêu”… điện, ngân hàng

Mạnh Chung

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết khó khăn lớn nhất đang gặp phải là thiếu điện và thiếu vốn

Thiếu vốn, điện bị cắt liên tục đang là những “vật cản” của doanh nghiệp xuất khẩu
Thiếu vốn, điện bị cắt liên tục đang là những “vật cản” của doanh nghiệp xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết khó khăn lớn nhất đang gặp phải là thiếu điện và thiếu vốn.

Những khó khăn này được các doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2008, do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, tại hai đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 30,6 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2007 và là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm lại đây.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ, tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn nên để đạt mục tiêu xuất khẩu 61,2 tỷ cả năm cần phải có sự phấn đấu quyết liệt của các tháng còn lại.

Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu đều khẳng định đang có thuận lợi, điều kiện lớn với những đơn hàng mới từ các đối tác, và có thể đạt được chỉ tiêu đề ra. Nhưng, hiện mối lo thiếu vốn, điện bị cắt liên tục, không báo trước đang là những “vật cản” gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất, kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp.

Khổ vì điện

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói chất lượng cung cấp điện thời gian qua quá…kinh khủng, đặc biệt trong 3 tháng gần đây.

“Có đợt điện “nhảy lên nhảy xuống” tới 10 lần trong ngày thì làm sao mà chế biến sản phẩm được”, ông Dũng bức xúc.

“Các nhà máy sản xuất đang chịu thiệt hại rất lớn từ tình trạng cúp điện không báo trước. Có doanh nghiệp đã phải tạm hoãn sản xuất, cho 500- 700 công nhân Tp.HCM than phiền.

Ngành da giày cũng kêu “khốn khổ” vì cúp điện không báo trước. “Có những khu công nghiệp, trong một tháng có tới 4 ngày cúp điện không báo trước. Nhà máy đang hoạt động thì điện cắt bụp, cả một dây chuyền hàng nghìn công nhân phải ngồi chờ nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày cho hay.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thạch - đại diện Tập đoàn Điện lực thừa nhận những thiếu sót về việc cắt điện không báo trước. “Nhưng các doanh nghiệp cũng phải thông cảm cho ngành điện!”, ông nói.

Theo ông Thạch, việc thiếu điện là do thiếu nước, hoặc do sự cố, nên buộc phải cắt điện để đảm bảo cho hệ thống phát điện. Vì thế một số các nhà máy bị tách ra khỏi hệ thống điện lưới quốc gia. Từ ngày 15/6 đến nay, công suất mất bình quân khoảng 2600 -2700 MW, gấp rưỡi công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho rằng, việc khó khăn của ngành điện thì đã rõ nhưng vấn đề là việc cung cấp điện, chất lượng điện ra sao. “Ngành điện cần khắc phục được đầu vào, dịch vụ sửa chữa để cung cấp điện tốt hơn. Đặc biệt là chăm chú phục vụ đến doanh nghiệp, có lịch ưu tiên, cắt điện báo trước thì đỡ hại cho doanh nghiệp”, ông Khu nhấn mạnh.

Khó còn vì thiếu vốn

Ông Nguyễn Chiến Thắng nuối tiếc khi ngành gỗ đang có những thuận lợi lớn. Đó là một số khách hàng Mỹ và châu Âu có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, cộng với nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu cũng rất dồi dào. Nhưng các doanh nghiệp đã không thể đẩy mạnh sản xuất vì thiếu vốn và lãi suất ngân hàng quá cao.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, quy định tăng trưởng tín dụng không quá 30% của toàn hệ thống ngân hàng khiến một số doanh nghiệp không thể tiếp cận thêm nguồn vốn để đẩy mạnh sản xuất, việc sản xuất, kinh doanh phải cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc hạn chế tín dụng 30% nên có địa chỉ cụ thể, có nơi nên hạn chế dưới mức 30% như bất động sản, chứng khoán nhưng có nơi phải “thả ra” hơn 30% tín dụng để doanh nghiệp có điều kiện mở rộng, đẩy mạnh sản xuất.

Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Cáp Quang Dương, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ có điều hành về tăng trưởng tín dụng trong năm là 30%, tuy nhiên, trước nhu cầu của nền kinh tế cân đối giữa việc chống lạm phát tăng trưởng kinh tế, nên không giao chủ trương tăng trưởng tín dụng cho từng đối tượng cụ thể, cũng không quá 30%.

“Không phải doanh nghiệp nào cũng đòi 30%, hay 40% tín dụng, mà có những yêu cầu là căn cứ vào hiệu quả sản xuất của khách hàng thì tổ chức tín dụng mới cho vay”, ông nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate