Bồ Đào Nha đang được một số doanh nghiệp "ngắm nghía" trong thời điểm khó khăn của công tác xuất khẩu lao động...
Nhiều ưu điểm
Một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, mặc dù cơ hội để mở rộng thị trường Bồ Đào Nha không lớn song nếu làm bài bản, đây vẫn được xem là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng của Việt Nam.
Theo ông, thời gian gần đây, một số ngành đã phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương của Bồ Đào Nha như công nghiệp ôtô, hóa chất, điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp đúc khuôn gang tự động…
Sở lao động các địa phương nước này cũng cho biết, với dân số gần 11 triệu người, số người trong độ tuổi lao động khoảng 5,5 triệu, lao động bản địa không thể đáp ứng đủ cho các ngành nghề, vì vậy nhu cầu về lao động nhập cư những năm gần đây tại quốc gia này tăng cao.
Theo thống kê, từ 2000 đến 2005, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Bồ Đào Nha là 223.297 người, trong đó lao động đến từ Châu Á là 14.118 người. Đang dẫn đầu các nước châu Á nhập khẩu lao động vào Bồ là Ấn Độ, Pakistan với 7.116 người, Trung Quốc 4.580 người.
Với Việt Nam, Bồ Đào Nha là thị trường mới, một số doanh nghiệp đang tiến hành thí điểm, từng bước thâm nhập, khai thác.
Tính hấp dẫn của thị trường Bồ Đào Nha không chỉ ở nhu cầu lao động, mức lương mà nó còn được phản ánh qua luật lao động của nước này.
Hợp đồng lao động của nước này khá chặt chẽ, kể cả dành cho những lao động thời vụ ngắn hạn, hay làm việc tạm thời. Tất cả hợp đồng đều phải có thông tin đầy đủ hai bên và chế độ lương thưởng rất rõ ràng.
Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco, doanh nghiệp đang khai thác thị trường này cho biết, Bồ Đào Nha đề cao vai trò của công đoàn, và trong hợp đồng lao động bao giờ cũng có nội dung thỏa ước lao động tập thể. Đây được xem là yếu tố có lợi cho người lao động nhập cư.
Thêm một điểm có lợi cho người lao động nhập cư vào Bồ Đào Nha đó là thời gian làm việc hợp lý. Cụ thể, thời gian làm việc theo quy định không được vượt quá 8 giờ/ngày và 40 giờ /tuần. Tuy nhiên, nếu lao động đủ sức khỏe và có nhu cầu làm thêm, sẽ được thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể.
Mặc dù thời gian làm việc có thể được thỏa thuận, nhưng luật lao động nước này cũng quy định rõ, giờ làm thêm không vượt quá 4 giờ/ngày và 28giờ/tuần.
Phụ cấp của lao động làm thêm giờ vào ngày bình thường, sẽ được hưởng thêm 50% lương đối với giờ đầu tiên và 75% lương đối với những giờ tiếp theo. Nếu làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lao động sẽ được hưởng phụ cấp thêm 100% đối với mỗi giờ làm.
Vẫn là thị trường khó tính
Một cán bộ tạo nguồn của Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco cho biết, công ty này đang tiến hành tuyển lao động cho đơn hàng gần 30 lao động thợ hàn và thợ đường ống nước sang Bồ Đào Nha, với mức lương khá háp dẫn là 1.200 USD, chi phí ban đầu mà người lao động phải bỏ ra khoảng 6.000 USD.
Theo thỏa thuận, phía đối tác sẽ trực tiếp sang kiểm tra tay nghề và tiếp nhận lao động.
Tuy nhiên, thị trường Bồ Đào Nha - vốn dĩ đã có những yêu cầu cao đối với lao động nhập cư - có thể sẽ trở nên khó tính hơn trong thời kỳ kinh tế toàn cầu khó khăn.
Ông Trương Quang Oánh (Hiệp hôi Xuất khẩu lao động) cho biết, cũng như nhiều nước châu Âu khác, Bồ Đào Nha luôn đòi hỏi lao động phải có trình độ tay nghề và chuyên môn cao, tốt nhiệp từ trung cấp trở lên nhưng phải biết tiếng Anh cơ bản và đọc được các bản vẽ thiết kế đối với một số ngành nghề.
Đấy là chưa kể đến thủ tục xin visa nhập cảnh vào Bồ Đào Nha. Với lao động nhập cư vào thị trường này sẽ được cấp loại visa lệ thuộc, tuy nhiên, thủ tục không hề đơn giản. Trước khi nộp hồ sơ xin visa loại này ở lãnh sự quán Bồ Đào Nha, người lao động phải có giấy phép lao động chính thức do bộ lao động nước này cấp, một quá trình cũng mất chừng vài tháng.
Ngoài ra, để có được phép tuyển và sử dụng lao động nước ngoài, người sử dụng phải chứng minh được không có đủ lao động bản địa và phải đảm bảo rằng công việc và thu nhập cho lao động nước ngoài như lao động sở tại.
Trong khi đó, việc có được lao động đáp ứng những yêu cầu trên dường như đang nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp. Bằng chứng là đã từng có nhiều thị trường thu nhập cao, có nhu cầu lớn về lao động nhập cư nhưng doanh nghiệp vẫn “bất lực” vì không thể tạo được nguồn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate