March 05, 2008 | 09:39 GMT+7

Xuất khẩu máy nông nghiệp “lên ngôi”

Chu Minh Khôi

“Những nước mà nông dân quen dùng các loại máy chất lượng tốt, nguồn gốc từ Nhật Bản, đều ưa thích máy của Việt Nam”

"Quá trình xuất khẩu máy nông nghiệp ở Việt Nam mới được 9 năm, nhưng phát triển khá mạnh mẽ".
"Quá trình xuất khẩu máy nông nghiệp ở Việt Nam mới được 9 năm, nhưng phát triển khá mạnh mẽ".
Phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vũ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp.

Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu máy nông nghiệp của Tổng công ty trong những năm qua?

Quá trình xuất khẩu máy nông nghiệp ở Việt Nam mới được 9 năm, nhưng phát triển khá mạnh mẽ. Hai doanh nghiệp chủ lực trong xuất khẩu máy động lực và máy nông nghiệp đều ở miền Nam là Công ty Vikyno và Vinapro. Lô hàng xuất khẩu đầu tiên vào năm 1999, có giá trị kim ngạch 10 triệu USD. Từ đó đến nay, thị trường liên tục mở rộng.

Tại Đông Nam Á, ta xuất qua đường chính ngạch mạnh nhất vào các nước: Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar. Xuất qua đường tiểu ngạch vào Thái Lan, Campuchia, Lào. Tại Trung Á, ta đã chiếm lĩnh được 50% thị trường máy kéo 2 bánh của Sri Lanka. Sản phẩm của ta cũng đã tạo dựng được thương hiệu ở các nước: Iran, Iraq, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ. Ta đang kiến tạo thị trường mạnh mẽ tại nhiều nước châu Phi, châu Mỹ: Nigieria, Madagasca, Goatemala, Panama, Chile.

Không chỉ hướng vào các nước đang phát triển, chúng ta cũng đã thâm nhập vào nhiều nước phát triển: Mỹ, Canada, Pháp và đầu năm nay ta đã xuất 1 lô hàng vào Hàn Quốc. Đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Tổng công ty đạt hàng chục triệu USD, năm 2008 dự kiến đạt 80 triệu USD.

Riêng máy nông nghiệp xuất khẩu luôn có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình là Công ty Vikyno: kim ngạch xuất khẩu máy nông nghiệp năm 2006 đạt 3,3 triệu USD; năm 2007 đạt 4,2 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2008 đạt 1,5 triệu USD.

Những sản phẩm máy nông nghiệp nào đang là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam?

Những loại sản phẩm do nước ta sản xuất đang được ưa chuộng tại nước ngoài chủ yếu là động cơ diezen để gắn vào các máy nông nghiệp cỡ nhỏ, các loại máy phục vụ trong nông nghiệp: máy bơm nước, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy cày, máy xới, máy kéo, máy phát điện, máy xay xát... Các loại máy nông nghiệp cỡ nhỏ đang là thế mạnh của Việt Nam, chúng ta chú trọng vào các động cơ chỉ có 1 xi lanh, công suất 10-50 mã lực.

Được các nước ưa chuộng nhiều nhất là những mặt hàng máy nông nghiệp của Vikyno, bao gồm: động cơ Diesel RV 165-2, máy bơm nước, máy phát điện, máy cày tay có công suất từ 7 đến 12 CV... Những sản phẩm này đã xuất khẩu trực tiếp sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Srilanka.

Đặc biệt, động cơ diezen RV 145 thế hệ mới công suất 14 CV có khả năng chịu tải lớn, sử dụng hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp, hệ thống giải nhiệt hiệu suất cao, kết cấu gọn, dễ dàng kiểm tra nhớt mà không cần mở nắp, đang được rất nhiều nước đặt hàng.

Có một nghịch lý là: tại miền Bắc, máy nông nghiệp sản xuất trong nước không được nông dân ưa chuộng, nhưng chính những chiếc máy đó lại xuất khẩu mạnh? Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ở miền Bắc, thị trường máy nông nghiệp vẫn bị thất thế bởi các loại máy của Trung Quốc. Máy của Trung Quốc tuy chất lượng kém, nhưng giá bán thấp hơn nhiều, lại có mẫu mã đẹp. Thành viên của Tổng công ty đảm nhiệm thị trường phía Bắc là Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp Bông Sen hoạt động rất kém hiệu quả, mẫu mã xấu nên rất khó cạnh tranh.

Tại miền Nam trước năm 1997, thị phần sản phẩm do các thành viên của Tổng công ty sản xuất chỉ chiếm được 1% thị trường. Nhưng đến nay, chúng tôi đã đẩy lùi được máy Trung Quốc và đã chiếm được 30% thị trường. Nông dân đã nhận thức được rằng so với máy của Trung Quốc, máy nông nghiệp trong nước sản xuất luôn tiêu hao nhiên liệu thấp hơn 20-25%, bền hơn nhiều lần, ít hỏng hóc trong khi sử dụng.

Trước kia, nhiều nông dân miền Nam đã sử dụng cả các loại máy Sconhen do Nhật Bản sản xuất. Khi mua máy sản xuất trong nước, họ thấy rằng so sánh về chất lượng với máy của Nhật Bản, máy của ta đạt 8/10, cùng với giá bán rẻ hơn, nên họ dễ dàng chấp nhận.

Trên thị trường quốc tế, những nước mà nông dân quen dùng các loại máy chất lượng tốt, nguồn gốc từ Nhật Bản, đều ưa thích máy của Việt Nam. Trong tâm lý tiêu dùng sản phẩm máy nông nghiệp của các nước đang phát triển, có 3 dòng máy: máy Trung Quốc là sản phẩm rẻ tiền, chất lượng thấp; máy Nhật Bản là sản phẩm chất lượng cao, đắt tiền; máy Việt Nam có chất lượng cao hơn máy Trung Quốc, nhưng lại rẻ hơn máy của Nhật Bản. Ta đã chọn hướng đi giữa 2 loại máy, nhờ vậy mà đang chiếm lĩnh được thị phần trên thế giới.

Phát triển thị trường xuất khẩu máy nông nghiệp, gặp phải những trở ngại nào, thưa ông?

Chúng tôi chưa có chiến lược phát triển thị trường bài bản, vì thiếu kinh phí và vật lực. Thế giới rất rộng lớn, mà quy mô sản xuất trong nước còn quá nhỏ. Tìm kiếm bạn hàng để xuất khẩu sản phẩm, chủ yếu chỉ thông qua Internet và một vài chuyến tham quan song luôn gặp rất nhiều trở ngại, vì thiếu kiến thức về thị trường các nước.

Chẳng hạn, Philippines chưa có doanh nghiệp nào sản xuất máy nông nghiệp, nên là thị trường rất tiềm năng, nhưng làm thủ tục đưa hàng vào nước này rất phức tạp. Nhiều nước như: Singapor, Thái Lan... khi đưa sản phẩm vào, phải qua đăng ký, sử dụng khảo nghiệm để họ kiểm tra chất lượng rồi mới cho phép nhập khẩu.

Xét về kỹ thuật và quy mô, máy nông nghiệp Việt Nam đang ở cấp độ nào trên thị trường thế giới?

Thị trường sản phẩm máy nông nghiệp thế giới vô cùng rộng lớn, tuy chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh, nhưng thị phần còn quá nhỏ so với thế giới. Các nước châu Âu đã có trình độ và quy mô vượt xa, họ sản xuất và kinh doanh những máy nông nghiệp cỡ lớn, đa năng, hiện đại, công suất hàng trăm đến hàng ngàn mã lực. Các nhà máy của Trung Quốc cũng có quy mô khổng lồ, mỗi nhà máy sản xuất hàng triệu chiếc máy/năm.

Quy mô sản xuất của các nhà máy của Việt Nam còn nhỏ hẹp, sản lượng mỗi nhà máy chỉ đạt khoảng vài chục ngàn chiếc/năm. Chúng ta cũng chỉ sản xuất những loại máy kích thước và công suất nhỏ. Tuy vậy vẫn đủ trình độ kỹ thuật để sản xuất ra những máy nông nghiệp có chất lượng tốt, không thua các nước tiên tiến về mặt kỹ thuật.

Ngành cơ khí động lực và máy nông nghiệp Việt Nam chỉ mới thực sự phát triển được 5-7 năm nay, chúng ta đang đầu tư những trang thiết bị hiện đại, tuy chưa tự động toàn bộ, nhưng cũng đã bắt kịp tầm thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate