Đó là chia sẻ của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ
Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tại hội thảo “Thương mại quốc tế
trong bối cảnh hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EAEU có hiệu lực ngày
25/7”.
Xuất khẩu vượt ngưỡng sẽ ngừng ưu đãi
Theo ông Khanh, cái quan trọng và đáng chú ý trong FTA Việt Nam với EAEU là cơ chế phòng vệ của hàng dệt may, đồ gỗ. Họ đồng ý thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Dệt may không yêu cầu quy tắc xuất xứ dệt, sợi.
Như vậy, chúng ta có thể xuất khẩu ngay lập tức với mức thuế đang từ trên 20% xuống còn 0%. “Một chiếc áo đang từ 10 USD giảm còn 8 USD, bán rất sướng nhưng cái sướng đó lại nguy hiểm”, ông Khanh cảnh báo.
Với khả năng của mình, Việt Nam đang xuất vào Hoa Kỳ với thuế suất 18%-25% mà vươn từ vị trí thứ 6 lên thứ 2, làm giảm thị phần của Trung Quốc từ 60% xuống còn 42%. Nên các nước EAEU sợ, nếu họ mở toang thị trường cho dệt may, đồ gỗ của Việt Nam thì họ “chết”.
Vì thế họ yêu cầu, nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EAEU tăng gấp 2 lần kim ngạch của 3 năm (2011, 2012, 2013) cộng lại thì ngay lập tức họ cho mức ngưỡng và kiềm chế, nếu không sẽ ngừng ưu đãi và quay trở lại mức thuế cũ 20%.
Điều lo lắng hiện nay là, doanh nghiệp Việt Nam ít khi nhìn nhau, mạnh ai nấy làm. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không có vai trò điều tiết, điều chỉnh của hiệp hội, khi vượt ngưỡng thì tất cả doanh nghiệp đều thiệt.
“Thuận lợi của hiệp định này là thâm
nhập nhanh, đơn giản nhưng bất lợi là nếu không chú ý mức ngưỡng, doanh nghiệp hoàn toàn
có thể bị vỡ đơn hàng, vỡ kế hoạch. Chúng tôi đang làm việc lại với Nga để có
cơ chế rà soát để trong tương lai chúng ta có khả năng điều chỉnh, tạo thuận lợi
hơn nữa cho doanh nghiệp”, ông Khanh cho biết.
Quy tắc xuất xứ có 3 chuyện cần lưu ý. Thứ nhất, là điều khoản
vận chuyển trực tiếp. EAEU sợ các doanh nghiệp lợi dụng quy tắc xuất xứ hay làm thủ thuật
để điều chỉnh thay đổi xuất xứ, nên họ đưa ra quy định quy tắc xuất xứ rất chặt
chẽ, chặt hơn cả TPP. Họ chỉ cho phép vận chuyển trực tiếp, không cho phép chia
nhỏ lô hàng... Điều này sẽ vướng với các tập đoàn đa quốc gia, vì họ làm theo
dây chuyền cung ứng ở nhiều nước, trong khi EAEU yêu cầu vận chuyển trực tiếp cả
container từ Việt Nam sang Nga, mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Thứ hai, là điều khoản mua bán trực tiếp, cho phép chúng ta
được sử dụng hoá đơn nước thứ 3 nhưng họ lo ngại chúng ta sử dụng hoá đơn linh
tinh của những nước “thiên đường trốn thuế” nên yêu cầu chúng ta phải liệt kê
ra 30 danh sách quốc gia gọi là “thiên đường trốn thuế”. Nếu sử dụng hoá đơn của
những quốc gia này họ sẽ không chấp nhận.
Thứ ba, là họ sẽ tạm ngừng ưu đãi nếu gian lận xuất xứ có hệ
thống. Lần đầu tiên nếu EAEU phát hiện gian lận sẽ nhắc nhở. Nếu lần 2 mắc lỗi,
họ sẽ ngừng ngay xuất khẩu của doanh nghiệp đó, sau đó cảnh báo về Việt Nam. Nếu tiếp tục doanh nghiệp khác cùng ngành lại vi phạm thì họ sẽ cấm luôn cả ngành. Điều này đòi hỏi ý thức doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong quá trình xử lý vấn
đề.
Doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ
Tại hội thảo, các luật sư, chuyên gia tư vấn đều nhận định,
cơ hội với ngành thủy sản rất lớn trong FTA này. Ông Dương Quốc Thành, Công ty
Luật Dimac cho rằng, đây là thị trường rộng, thị phần thuỷ sản Việt Nam ở thị
trường này mới 3%, thuế ngay lập tức về 0%... chỉ cần đảm bảo tôm, cá không có
dư lượng kháng sinh, vệ sinh, giao hàng chuẩn, chất lượng ổn định... chắc chắn doanh nghiệp “có chân” vững chắc ở thị trường EAEU.
Tuy nhiên, Nga lăn tăn về việc ổn định chất lượng của hàng Việt Nam. Họ cho rằng, hàng Việt Nam có chất lượng không ổn định, lô này tốt, lô sau tệ. Ông Khanh cho rằng, Chính phủ mở ra cơ hội, còn doanh nghiệp phải tận dụng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới cơ hội FTA mang lại. Ông Khanh dẫn chứng, bộ có tổ chức hội thảo dành riêng cho doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang Mỹ và mời 100 doanh nghiệp dệt may ở Tp.HCM đến. Đầu tiên rất đông đủ, giải lao còn một nửa, gần về còn 10 người và không ai đặt câu hỏi.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 20% doanh nghiệp biết đến ASEAN,
20-30% thực sự hiểu về ASEAN. “Đoàn đàm phán về cung cấp thông tin, tổ chức hội
thảo, van nài doanh nghiệp đặt câu hỏi nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm. Hai năm qua đoàn đàm phán
không nhận được câu hỏi nào từ doanh nghiệp. Cơ hội nhiều nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay
không là một vấn đề khác”, ông Khanh chia sẻ.
Vì vậy, theo ông Thành, doanh nghiệp cần nắm vững nội dung hiệp định, tránh bị phạt, thuế về 0% sẽ vô nghĩa nếu không đáp ứng quy tắc xuất xứ. Hiện nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu nhưng chưa chú ý chứng nhận xuất xứ (C/O) khi bị xác định gian lận và phải quay trở lại sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, cần nắm rõ luật pháp của các thành viên trong EAEU. Là liên minh nhưng chính sách không thống nhất như EU mà chỉ thống nhất về thuế quan, còn chính sách riêng của từng nước còn nhiều khác nhau, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải quan tâm.